TS. Đinh Văn Minh báo cáo tại Hội đồng.
Tham dự Hội đồng có đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học Xã hội Nhân văn và Tự nhiên; Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước; các thành viên Hội đồng và đại diện lãnh đạo các đơn vị, ban ngành chức năng có liên quan.
Báo cáo tại Hội đồng, TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Đề tài cho biết, giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) là yêu cầu quan trọng trong quản trị nền hành chính nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan HCNN cũng như đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Hoạt động công vụ là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, giám sát việc thực thi công vụ được xác định là phương thức nhằm kiểm soát quyền hành pháp, giúp cho hoạt động công vụ được đúng hướng và hiệu quả.
Thực tiễn cho thấy, nhiều thiết chế và thanh tra, kiểm tra, giám sát đã được triển khai, tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong hoạt động công vụ. “Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước có những định hướng lớn về tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, về kiểm soát quyền lực nhà nước và xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển đòi hỏi phải đổi mới cơ chế giám sát việc thực thi công vụ của các cơ quan HCNN. Đặc biệt hơn khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào các tổ chức quốc tế, thực hiện các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới theo hệ thống tiêu chuẩn chất lượng cao,… đã đặt ra những yêu cầu cấp bách cho đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay, trong đó, có việc tăng cường giám sát thực thi công vụ của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan HCNN nói riêng” TS. Đinh Văn Minh nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Đinh Văn Minh, ngoài việc làm rõ cơ sở lý luận về đổi mới cơ chế giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan HCNN; nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về cơ chế giám sát; đánh giá thực trạng, những bất cập, hạn chế, nguyên nhân; đề xuất các giải pháp đột phá đảm bảo việc giám sát có hiệu quả. Kết quả nghiên cứu còn góp phần bổ sung, hoàn thiện cơ sở lý luận về giám sát thực thi công vụ của cơ quan HCNN ở Việt Nam, đồng thời mang ý nghĩa tổng kết thực tiễn, chỉ ra những bất cập, hạn chế trong hoạt động giám sát việc thực thi công vụ của các cơ quan HCNN hiện nay.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện thể chế và đề xuất xây dựng mô hình tổ chức thực hiện chức năng giám sát và thực thi công vụ. Tạo cơ sở để phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức trong thời gian tới.
Phát biểu ý kiến tại buổi nghiệm thu, TS. Cao Minh Công (Thành viên Hội đồng) cho biết, Đề tài đã triển khai đầy đủ các yêu cầu, hình thức trình bày khoa học, tài liệu tham khảo đa dạng, góp phần xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, liêm chính, khoa học, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, Đề tài cần rút gọn, làm rõ hơn nữa các khái niệm về công vụ, chế độ công vụ, thực thi công vụ và bổ sung, hoàn thiện thêm các giải pháp kiến nghị hoàn thiện xây dựng, ban hành Luật công vụ.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng (thành viên Hội đồng) cho rằng, Đề tài đã đưa ra những nội dung nghiên cứu phù hợp, có giá trị, đóng góp vào việc phát triển lý thuyết, lý luận hiện có về đổi mới cơ chế thực thi giám sát công vụ trong cơ quan HCNN. Đồng thời đề nghị nhóm nghiên cứu cần tiếp tục hoàn thiện một số khái niệm công vụ, mô hình tổ chức thực hiện chức năng giám sát thực thi công vụ,...
Với những kết quả trên, Đề tài “Đổi mới cơ chế giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan hành chính nhà nước” được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt kết quả nghiên cứu.