Tham dự Cuộc họp trực tuyến, về phía IAEA có Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi; bà Morkhtar Najat - Phó Tổng Giám đốc IAEA kiêm Vụ trưởng Vụ Khoa học và các ứng dụng hạt nhân, bà Jane Gerardo Abaya - Giám đốc Ban Hợp tác kỹ thuật khu vực Châu Á-Thái Bình Dương/TCAP; ông Gashaw Gebeyehu Wolde, Trưởng nhóm phụ trách TCAP1. Cuộc họp có sự tham dự của hơn 70 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên IAEA tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Chủ trì tham dự Hội thảo trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội có bà Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử - Điều phối viên quốc gia về hợp tác kỹ thuật của Việt Nam với IAEA và các điều phối viên Việt Nam của dự án ZODIAC.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Rafael Mariano Grossi, Tổng Giám đốc IAEA cho biết Sáng kiến ZODIAC được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của tổ chức này nhằm hỗ trợ các quốc gia sử dụng kỹ thuật hạt nhân và các kỹ thuật có nguồn gốc hạt nhân để phát hiện nhanh mầm bệnh gây ra các bệnh lây truyền xuyên biên giới, bao gồm cả những mầm bệnh có thể lây sang người. Những bệnh truyền nhiễm từ động vật này đã khiến khoảng 2,7 triệu người tử vong mỗi năm.
Ông Rafael Mariano Grossi, Tổng Giám đốc IAEA phát biểu khai mạc cuộc họp.
Sáng kiến ZODIAC của IAEA sẽ thiết lập một mạng lưới toàn cầu để giúp các phòng thí nghiệm quốc gia theo dõi, giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật như COVID-19, Ebola, cúm gia cầm, Zika, v.v... Sáng kiến ZODIAC dựa trên năng lực khoa học, kỹ thuật, các phòng thí nghiệm của IAEA và các đối tác để tăng cường cung cấp trang thiết bị và kiến thức chuyên môn đến các quốc gia.
Mục tiêu của Sáng kiến ZODIAC là để các nước trên thế giới chuẩn bị tốt hơn cho các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai. Ông Grossi cho biết “Các quốc gia thành viên sẽ được tiếp cận với thiết bị, công nghệ, kiến thức chuyên môn, được hướng dẫn và đào tạo. Những nhà hoạch định chính sách sẽ nhận được thông tin cập nhật, hữu ích giúp họ có căn cứ để hành động nhanh chóng”.
Bà Najat Mokhtar, Phó Tổng Giám đốc IAEA kiêm Vụ trưởng Vụ Khoa học và các ứng dụng hạt nhân cho biết ZODIAC được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của VETLAB, một mạng lưới các phòng thí nghiệm thú y ở châu Phi và châu Á, được thành lập ban đầu bởi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và IAEA để đương đầu với các dịch bệnh trên gia súc. Bà khẳng định Sáng kiến ZODIAC sẽ hỗ trợ cho các hoạt động R&D nhằm cho ra đời các công nghệ và phương pháp luận mới để phát hiện sớm và giám sát dịch bệnh. Trong khuôn khổ Sáng kiến, IAEA sẽ đẩy mạnh tổ chức các đợt tập huấn, khóa đào tạo cho các nhà khoa học, nghiên cứu sinh từ các quốc gia thành viên tại phòng thí nghiệm Seibersdorf (Áo), thực hiện các nghiên cứu về xét nghiệm miễn dịch, phân tử, hạt nhân và đồng vị cũng như ứng dụng chiếu xạ để phát triển vắc xin chống lại các bệnh dịch như cúm gia cầm.
Hình ảnh các đại biểu tham dự cuộc họp trực tuyến.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã được nghe giới thiệu chung về Sáng kiến ZODIAC, vai trò và trách nhiệm của điều phối viên quốc gia trong triển khai Sáng kiến. Theo đó, Sáng kiến ZODIAC bao gồm 05 trụ cột: Tăng cường năng lực giám sát, chẩn đoán và phát hiện ở các quốc gia thành viên thông qua hỗ trợ của IAEA cho các phòng thí nghiệm ở các quốc gia này; Phát triển các công nghệ mới để phát hiện và giám sát các bệnh lây truyền từ động vật; Hỗ trợ ra quyết định thông qua nền tảng công nghệ thông tin; Thu thập và tiếp cận các dữ liệu về tác động của các bệnh dịch đến sức khỏe con người thông qua chia sẻ thông tin trong giới khoa học, y tế và cộng đồng; Phối hợp ứng phó với IAEA.
Tại cuộc họp, IAEA nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của các điều phối viên Sáng kiến tại các quốc gia thành viên. Trong thời gian tới, IAEA sẽ thiết lập nhóm điều phối viên các quốc gia và thông báo cụ thể trách nhiệm của các bộ/ngành liên quan của từng quốc gia; thảo luận với nhóm các điều phối viên và cơ quan liên quan để lựa chọn phòng thí nghiệm quốc gia về ZODIAC trong nước và tiến tới kết nối mạng lưới các phòng thí nghiệm, tạo điều kiện cho các điều phối viên tăng cường năng lực và đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu.