Việt Nam cần có bước chuyển đổi mới về chiến lược kinh tế và đầu tư để trở thành một nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo (ĐMST). Một trong nhưng bước đầu tiên trong tiến trình chuyển đổi là việc tập trung vào nâng cao năng suất lao động thông qua việc hoàn thiện hệ sinh thái ĐMST ở Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam trước yêu cầu ĐMST
Kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhưng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo đầu người vẫn tương đối thấp. Thêm vào đó, lợi thế so sánh của Việt Nam trong xuất khẩu vẫn chủ yếu dựa trên chi phí lao động thấp, dẫn đến việc Việt Nam phát triển chủ yếu thông qua việc gia công cho các nền kinh tế và thị trường tiêu dùng tiên tiến hơn. Các công việc này tạo ra rất ít giá trị gia tăng, đồng nghĩa với việc Việt Nam chỉ thu được rất ít lợi nhuận cận biên từ hoạt động xuất khẩu.
Nếu muốn tăng GDP, cải thiện mức thu nhập cho người dân và trở thành quốc gia có thu nhập cao, Việt Nam cần phát triển mà không dựa vào việc tăng các yếu tố đầu vào, phát triển dựa vào nguồn lao động chi phí thấp hay phụ thuộc vào FDI thì Trọng tâm phát triển cần phải chuyển sang tăng năng lực sản xuất thông qua ứng dụng công nghệ và tăng trưởng năng suất yếu tố tổng thể trên tất cả các ngành công nghiệp (dựa vào TFP).
Việc chuyển đổi sang tăng năng suất, yếu tố tổng hợp dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo là điều kiện không dễ thực hiện. Nó đòi hỏi nền kinh tế vĩ mô ổn định, chìa khóa để tăng trưởng cao sẽ là duy trì, cân bằng nợ với chi tiêu và thu từ thuế, đồng thời cần đảm bảo phân bổ hiệu quả nguồn lực để tạo ra lạm phát ổn định và thấp.
Diễn đàn cấp cao Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hà Nội năm 2020.
Thêm vào đó, làn sóng mới của công nghệ số đang thay đổi quá trình tăng năng suất lao động và đổi mới sáng tạo. Sự phát triển của các công nghệ đa năng hỗ trợ kĩ thuật số (GPT), như nền tảng, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data) và phương tiện không người lái... là tiền đề cho sự phát triển nhanh của các loại cải tiến – bao gồm cải tiến trong tự động hóa thông qua thuật toán tự học. Do đó, tốc độ tăng năng suất tăng lên rõ rệt, đồng thời nó cũng làm tăng tính phức tạp của hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp.
Một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy ĐMST
Thứ nhất, thực hiện đồng bộ các chính sách về nâng cao NSLĐ và ĐMST.
Hiện nay, phần lớn chính sách về năng suất có nhắc đến tầm quan trọng của ĐMST nhưng chưa cụ thể. Vấn đền nâng cao năng lực công nghệ của các doanh nghiệp, không chỉ về nâng cao khả năng sản xuất và kiểm soát chất lượng, mà còn về cải thiện kỹ thuật tiên tiến, thiết kế sản phẩm và quy trình, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), cần được quy định và làm rõ chi tiết trong các kế hoạch và chiến lược cải tiến năng suất tổng thể.
Mặt khác, các chính sách khoa học - công nghệ và ĐMST vẫn chủ yếu nhấn mạnh vào việc đầu tư lớn cho phát triển cơ sở hạ tầng R&D, đào tạo các nhà khoa học và nhà nghiên cứu mà chưa chú trọng cải thiện năng suất ở cấp doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ - nhóm doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, cần có sự đồng bộ hóa về mặt chính sách, từ khâu hoạch định đến thực thi chính sách.
Thứ hai, tăng cường hợp tác giữa các bộ ngành trong thúc đẩy ĐMST
Ý tưởng về một hội đồng năng suất quốc gia làm cơ quan điều phối quốc gia về năng suất phù hợp với thực tiễn chính sách Việt Nam và đáng được xem xét. Tuy nhiên, để thực hiện các chính sách hiệu quả, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ngành. Đặc biệt, cơ chế hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần được củng cố. Cần khuyến khích việc thực hiện các dự án do nhiều cơ quan khác nhau cùng phát triển và thực hiện.
Cần phát triển và nhân rộng mạng lưới các doanh nghiệp ĐMST.
Thứ ba, phát triển và nhân rộng mạng lưới các doanh nghiệp ĐMST bên cạnh các doanh nghiêp khởi nghiệp mới về công nghệ
Các chính sách của Việt Nam gần đây chú trọng nhiều vào việc tạo ra các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao thông qua các chính sách như phát triển khu công nghệ, vườn ươm và các chương trình tăng tốc khởi nghiệp. Tuy nhiên, để nâng cao vị thế đất nước trong chuỗi giá trị toàn cầu, việc có nhiều những doanh nghiệp đổi mới là điều không thể thiếu.
Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo không nhất thiết là doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành công nghệ cao. Các doanh nghiệp nhà nước truyền thống, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể được nâng cấp thành các doanh nghiệp ĐMST. Các chương trình hỗ trợ nên tập trung nhiều hơn vào tăng cường khả năng hấp thụ và đổi mới công nghệ đặc biệt là trong các doanh nghiệp lớn và trong những ngành truyền thống “dựa vào tài nguyên” và “sử dụng nhiều lao động” như sản xuất cà phê, thủy sản và dệt may.
Thứ tư, tăng cường hiệu quả lan tỏa các doanh nghiệp FDI
Việt Nam cần chú trọng hơn nữa trong việc phát triển các chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ và tăng hiệu ứng lan tỏa. Các chính sách khuyến khích đầu tư nên không chỉ tập trung vào việc thu hút đầu tư mới và tạo việc làm, mà nên khuyến khích các DN nước ngoài mở rộng quy mô hoạt động, chủ trọng hơn các hoạt động tạo giá trị gia tăng cao bẹnh cạnh hoạt động lắp ráp gia công chủ yếu thường thấy.
Việc này giúp các doanh nghiệp địa phương, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, DN nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân đều được hưởng lợi nhiều hơn từ hiệu ứng cải thiện năng suất và chuyển giao công nghệ qua các doanh nghiệp FDI. Do đó, cần có sự kết nối thúc đẩy chính sách đầu tư, cải thiện năng suất và chính sách đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, cần chú trọng các chương trình nâng cao “năng lực hấp thụ” của những doanh nghiệp địa phương, nâng cao năng lực lựa chọn, sử dụng và nâng cấp công nghệ từ bên ngoài thông qua các kênh hỗ trợ khác nhau như tổ chức các khóa đào tạo và dịch vụ tư vấn dành riêng cho công nghệ do Chính phủ trợ cấp.
Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/bon-khuyen-nghi-thuc-day-he-sinh-thai-doi-moi-sang-tao-tai-viet-nam-d184266.html