Thứ tư, 24/02/2021 15:30 GMT+7

Khẳng định sứ mệnh của KHCN và đổi mới sáng tạo

Vai trò, sứ mệnh của KHCN và đổi mới sáng tạo đã được khẳng định mạnh mẽ trong 6 nhiệm vụ và 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.


Thủ tướng tham quan Triển lãm KHCN và đổi mới sáng tạo ngày 30/11/2019. Ảnh: VGP

 

Áp dụng KHCN để thúc đẩy tăng trưởng

Dù không phải là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nhất vùng ĐBSCL nhưng Cần Thơ là nơi hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế và đang có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm khoa học-công nghệ về nông nghiệp của quốc gia, khu vực.

Quyết liệt triển khai chủ trương “làm cho KHCN thực sự là quốc sách hàng đầu”, 5 năm qua, Cần Thơ đã bước đầu hình thành hệ sinh thái KHCN, đổi mới sáng tạo thúc đẩy sự phát triển, ứng dụng KHCN vào nông nghiệp với hệ thống các trường, viện, các quỹ đầu tư khởi nghiệp, mạng lưới liên kết các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, sàn giao dịch công nghệ (Catex.vn), các sàn giao dịch nông sản...

Đặc biệt, các sản phẩm, dịch vụ KHCN của Cần Thơ đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của thị trường vùng ĐBSCL, của cả nước và một số sản phẩm có thể cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài...

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết, điểm đáng mừng là xu hướng công nghệ toàn cầu và bối cảnh kinh tế-xã hội của vùng đang xuất hiện những cơ hội mới để KHCN về nông nghiệp tại Cần Thơ có thể vượt qua những nút thắt trước đây và bước sang một giai đoạn phát triển cao hơn.

Không chỉ Cần Thơ, với vai trò đầu tàu kinh tế cùng chủ trương phát triển kinh tế tri thức, trong thời gian qua, TPHCM đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy các nghiên cứu KHCN gắn với cuộc sống, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo - nơi vừa có sự liên kết của các trường, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp, vừa có vai trò của chính quyền trong hỗ trợ đầu tư mạo hiểm cho các dự án khởi nghiệp.

Thành phố thành lập và phát triển Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm ươm tạo chuyên về trí tuệ nhân tạo, Công viên Khoa học và công nghệ tại Khu Công nghệ cao, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán…

Riêng Khu Công nghệ cao đến nay đã thu hút 162 dự án với tổng mức đầu tư hơn 7,65 tỷ USD, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao năm 2020 đạt hơn 20 tỷ USD, năng suất lao động bình quân gấp 20 lần bình quân của Thành phố và hơn 60 lần bình quân cả nước, thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia mạnh về công nghệ như Intel, Samsung, Nidec…

Đặc biệt, Thành phố đang nghiên cứu lập, xây dựng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông gắn với việc thành lập thành phố Thủ Đức. Khu vực này kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; dự kiến sau khi thành lập và đi vào hoạt động, thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp 30%-35% GRDP của TPHCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước.

Có thể thấy, KHCN và đổi mới sáng tạo đóng góp quan trọng ở tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong cả nước. Theo Bộ KH&CN, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp - TFP giai đoạn 2016-2020 đã tăng lên 45,2% so với mức 33,58% của giai đoạn 2011-2015 là 33,6%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đã tăng lên 5,8%/năm so với giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm. Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020.

Những đóng góp về KHCN và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020, Việt Nam xếp hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đầu trong nhóm 29 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được xếp hạng GII năm 2020; trong 10 nước khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 3, sau Singapore và Malaysia.

Với tư duy nhạy bén, những năm qua, Đảng, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.

Đặc biệt ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.

“Tư duy nhạy bén cũng như tinh thần của Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị đã được khẳng định, nâng tầm trong văn kiện Đại hội Đảng XIII và đổi mới sáng tạo có thể xem là một điểm nhấn của Đại hội Đảng XIII”, GS.TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định.



Trung tâm ươm tạo chuyên về AI (AI Innovation Hub) tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: VGP

 

Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, khuyến khích DN luôn đổi mới

Tuy nhiên, từ chủ trương, chính sách và thực tế đời sống thường còn một khoảng cách khá lớn. Để Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, để KHCN và đổi mới sáng tạo thực sự là đột phá chiến lược, GS.TS. Phùng Hữu Phú cho rằng, trong hoạt động thực tiễn, đổi mới sáng tạo phải được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực với nhiều giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, với lộ trình, bước đi được tính toán kỹ lưỡng, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế đất nước; tránh nôn nóng, duy ý chí dẫn đến phiêu lưu, mạo hiểm, hoặc bàng quan, do dự, ngại khó, ngại khổ, chậm trễ, bỏ lỡ thời cơ phát triển.

Thời gian tới, Việt Nam cần ưu tiên thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong phát triển công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quản trị…, từng bước hình thành kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, tạo ra những giá trị mới và sức mạnh tổng hợp mới của đất nước.

Để làm được điều này, theo Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải đi tiên phong, nêu gương sáng dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì sự nghiệp chung. Đội ngũ trí thức, doanh nhân đóng vai trò nòng cốt trong lao động, sáng tạo. Cùng với đó, cần động viên, phát huy vai trò chủ thể và sức sáng tạo vĩ đại của nhân dân; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Từ thực tế tại địa phương, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, cần ban hành các cơ chế, chính sách để hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo.

Cơ chế, chính sách phải thực sự vừa khuyến khích nhưng vừa tạo ra sự đòi hỏi các doanh nghiệp phải luôn đổi mới dựa trên công nghệ mới và thúc đẩy nhanh chóng sự ra đời các doanh nghiệp mới, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm mới, công nghệ mới; trong đó khâu then chốt là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, đề xuất Chính phủ cần lựa chọn và có chính sách đặc thù đối với một số doanh nghiệp có khát vọng và bản lĩnh, có đủ năng lực và quy mô cho đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, tiên phong vươn tầm thế giới. Từ đó, dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị khu vực, chuỗi giá trị toàn cầu; từng bước làm chủ công nghệ, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và hấp dẫn trong “sân chơi” toàn cầu.

Song song với đó, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ mạnh dạn đổi mới công nghệ, quy trình trình sản xuất và quản lý (TPHCM hiện chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp có quy mô lớn, 98% doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tỉ lệ này đối với cả nước cũng gần tương tự).

Một khi doanh nghiệp coi trọng đổi mới sáng tạo, quan tâm đầu tư hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng  KHCN sẽ có nhu cầu tuyển dụng đội ngũ nhân sự chất lượng cao, từ đó góp phần lan tỏa ra xã hội, phát triển lực lượng lao động tay nghề cao, giàu chất xám, tri thức.


Xây dựng cơ chế vượt trội, đột phá

Ngay sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ KH&CN đã tổ chức Hội nghị thông báo nhanh kết quả Đại hội, quán triệt công tác tư tưởng đến cán bộ đảng viên về kết quả và đặc biệt là Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, chưa bao giờ nội hàm về KHCN và đổi mới sáng tạo được thể hiện một cách rõ nét trong các các nội dung văn kiện trình ở Đại hội lần này. Nhiều báo cáo tham luận trình bày tại Đại hội đã đề cập sâu sắc về nội hàm KHCN và đổi mới sáng tạo cả tầm tư duy chiến lược, định hướng chiến lược phát triển đất nước, thể hiện rất rõ KHCN và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Triển khai Nghị quyết của Đảng, Bộ KH&CN cụ thể hóa ngay vào chương trình công tác của Bộ thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. Đặc biệt năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. Việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành trong năm 2021 sẽ tạo tiền đề và khích lệ mạnh mẽ cho các năm tiếp theo.

Theo đó, Bộ KH&CN chú trọng phối hợp sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về KHCN và đổi mới sáng tạo với các quy định khác có liên quan như thuế, đầu tư, đất đai... tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo định hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Xây dựng các chính sách và thể chế đột phá cho việc thí điểm triển khai các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao.

Hoàn thiện quy định pháp luật, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ chế tự chủ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ, phát triển thị trường các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, kinh tế chia sẻ, kinh tế số... theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, nhất là cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính để phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, thực hiện tái cơ cấu và tổ chức triển khai các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia giai đoạn mới theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hướng tới các chuẩn mực phù hợp với thông lệ quốc tế, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, đẩy mạnh thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và tăng cường sự gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong sản xuất, kinh doanh; kết nối các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, phát huy vai trò của hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, gắn kết với các địa phương thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế-xã hội các địa phương.

Liên kết nguồn tin: https://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Khang-dinh-su-menh-cua-KHCN-va-doi-moi-sang-tao/423617.vgp

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 10082

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)