“Mũi tên” đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19
Năm 2020, các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tại Việt Nam, Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh, sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thậm chí nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh phá sản do thiếu vốn, thiếu nguồn nguyên liệu, hàng hóa ùn ứ, không thể lưu thông…
Đứng trước khó khăn của doanh nghiệp, Chính phủ ngay lập tức đã có những chỉ đạo kịp thời, huy động vai trò của các bộ, ngành, hiệp hội… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khủng hoảng. Cùng với sự nỗ lực của các bộ ngành khác, năm 2020, ngành khoa học và công nghệ cũng là một trong những mũi tiên phong về thực hiện các giải pháp “cứu nguy” cho doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Chính phủ cho Bộ KH&CN.
Thấu hiểu khó khăn và những yêu cầu cấp bách của doanh nghiệp, ngoài việc đề xuất, phối hợp với Bộ Tài chính giảm 50% mức phí đối với việc đăng ký sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài và mức lệ phí sở hữu công nghiệp, Bộ KH&CN còn cùng với các cấp, các ngành và địa phương hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế như máy thở, khẩu trang y tế...; sản xuất thuốc phóng xạ tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt phục vụ khám và chữa bệnh cho bệnh nhân trong đại dịch Covid-19; Cung cấp miễn phí các tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực trong lĩnh vực trang thiết bị y tế, tổ chức nhiều khóa đào tạo miễn phí cho doanh nghiệp về giải pháp quản trị, duy trì áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến để ổn định sản xuất kinh doanh…
Bộ KH&CN cũng huy động hiệu quả mạng lưới đại diện khoa học và công nghệ tại các nước để kết nối các nhóm nghiên cứu và trao đổi, thử nghiệm thiết bị, công nghệ sản phẩm phòng, chống dịch. Thu thập những công bố khoa học quốc tế được xuất bản về SARS-CoV-2 để rút ra kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, điều trị và cung cấp truy cập miễn phí phục vụ các bác sĩ, nhân viên y tế và các nhà nghiên cứu của Việt Nam.
Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất thành công bộ sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (bộ kít) do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện, trở thành một trong số ít quốc gia phát triển được các bộ kít xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2. Đặc biệt, với việc lên kế hoạch triển khai thử nghiệm vaccine Nanocovax (từ giữa tháng 12/2020) và vaccine Covivac (dự kiến trong tháng 1/2021) cũng cho thấy, năng lực y tế, năng lực khoa học và công nghệ của Việt Nam đủ mạnh để đối phó với những thách thức mà dịch Covid-19 đem lại.
Khơi nguồn sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp
Song song với các hoạt động phục vụ phòng chống dịch Covid-19 cũng như hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các khó khăn từ đại dịch, 2020 cũng là năm ghi dấu ấn mạnh mẽ của ngành khoa học và công nghệ trong việc tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Những tưởng Covid-19 sẽ làm các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bị đình trệ, tuy nhiên, trong năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn có những bước vươn mình mạnh mẽ, số lượng cũng như chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp ngày càng nâng cao.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có nhiều bước đột phá.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 36/QĐ/ TTg Ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030.
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất; xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, kế hoạch nâng cao năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong Quyết định, Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch; Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch.
|
Theo số liệu thống kê, tới tháng 11/2020, Việt Nam đã có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 108 quỹ, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ “thuần Việt”.
Điều đáng mừng, con số này liên tục tăng trong những năm vừa qua. Năm 2020, Việt Nam tiếp tục giữ vững thứ hạng 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và tiếp tục được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển khác trong việc thiết lập đổi mới sáng tạo như một ưu tiên quốc gia.
Để có được những kết quả trên, ngoài sự chủ động, sáng tạo từ phía doanh nghiệp, không thể không kể đến vai trò to lớn của ngành khoa học và công nghệ trong những năm qua. Bởi ngay từ thời điểm định nghĩa về “khởi nghiệp sáng tạo” còn chưa quen thuộc với người dân thì nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt từ các cơ quan, tổ chức trong ngành.
Thậm chí, việc tạo thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm mà ngành khoa học và công nghệ trong những năm gần đây đều hướng tới triển khai, thực hiện. Từ đây, những chủ trương, chính sách đã được cụ thể hóa bằng các hành động cụ thể như hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về vốn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, hỗ trợ các vấn đề về hoàn thiện, thương mại hóa sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ…
Kỳ vọng vào năm 2021 khởi sắc
2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng, Chính phủ và nhà nước ta, là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Trước bối cảnh lịch sử quan trọng này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, Bộ KH&CN sẽ chủ động, tích cực quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện thật tốt ngay từ đầu năm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao, hòa nhập với tinh thần chung của cả nước là phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn, đạt kết quả tổng thể cao hơn các năm trước và nhiệm kỳ trước để khoa học và công nghệ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của đất nước, ngày càng đóng góp thiết thực, hiệu quả và cụ thể hơn trong các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.
Năm 2020, Bộ KH&CN đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.
Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương triển khai các nhiệm vụ như các Chương trình, đề án trọng tâm của Chính phủ; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ sản xuất và đời sống, đặc biệt là nghiên cứu sản xuất vắc-xin phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ thúc đẩy mạnh việc đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp, thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, viện nghiên cứu, doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/khoi-nguon-sang-tao-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-vuot-kho-d183753.html