Trong năm 2020, mặc dù các khó khăn về nguồn nhân lực và trang thiết bị phục vụ công việc từ những năm trước còn chưa được khắc phục triệt để, đại dịch Covid-19 khiến công việc trong năm có lúc bị gián đoạn, Trung tâm Thẩm định Kiểu dáng công nghiệp (Cục Sở hữu trí tuệ) vẫn thực hiện được một khối lượng công việc tương đối lớn, hoàn thành và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra từ đầu năm.
Về công tác tiếp nhận đơn, do tình hình Covid-19, số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp (KDCN) nộp theo đường quốc gia đạt 3.213 đơn, giảm 8% so với năm 2019. Năm 2020 là năm đầu tiên Việt Nam tiếp nhận đơn đăng ký quốc tế KDCN theo Thỏa ước La Hay với số lượng đăng ký quốc tế chỉ định Việt Nam là 174, trong đó bao gồm 328 KDCN.
Về công tác xử lý đơn, tổng số lượng đơn kết thúc quá trình xử lý (bao gồm từ chối và chấp nhận bảo hộ) đạt 2.869 đơn, tăng 2,8% so với năm 2019. Số lượng đơn được thẩm định hình thức đạt 3.270 đơn, tăng 4,8% so với năm 2019. Các đơn KDCN nộp trước ngày 01/01/2019 được Trung tâm KDCN tập trung xử lý để tránh tình trạng đơn bị tồn đọng sâu. Về cơ bản, công tác thẩm định đơn KDCN đáp ứng được yêu cầu về số lượng cũng như về tiến độ xử lý đơn. Tất cả các thẩm định viên KDCN đều vượt định mức lao động, trong đó có nhiều thẩm định viên vượt ở mức cao.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận nêu trên, song công việc xử lý đơn KDCN vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: chưa giải quyết được dứt điểm lượng đơn tồn đọng từ những năm trước, thời hạn thẩm định hình thức của một số đơn KDCN chưa đúng quy định. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên là khối lượng công việc rất lớn trong khi trang bị cơ sở vật chất chưa được đáp ứng đầy đủ. Ngoài ra, nguồn nhân lực chưa được bổ sung kịp thời, đầy đủ để bù đắp sự thiếu hụt do một số cán bộ của Trung tâm nghỉ chế độ hưu trí và chuyển công tác trong những năm qua. Việc bổ sung nguồn nhân lực cũng như trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị cho các thẩm định viên là điều cần thiết để có thể nâng cao hiệu quả xử lý đơn KDCN cả về năng suất và chất lượng.
Kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2019, Việt Nam trở thành thành viên chính thức trong Hệ thống La Hay về đăng ký quốc tế KDCN (gọi tắt là Hệ thống). Các cá nhân, tổ chức nước ngoài có thể đăng ký bảo hộ KDCN tại Việt Nam thông qua Hệ thống, đồng thời, các cá nhân, tổ chức trong nước cũng có thể sử dụng Hệ thống để đăng ký bảo hộ KDCN tại các nước là thành viên của Thỏa ước La Hay. Lợi ích của việc sử dụng Hệ thống này là giúp việc đăng ký bảo hộ KDCN tại nhiều quốc gia trở nên đơn giản và tiết kiệm do chỉ cần nộp một đơn đăng ký duy nhất tại Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trong đó chỉ định tới các nước mà người nộp đơn mong muốn KDCN của mình được bảo hộ mà không phải nộp từng đơn riêng lẻ đến từng quốc gia. Để phổ biến về Hệ thống, ngày 25 tháng 11 năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức Hội thảo “Hệ thống La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp” tại Hà Nội nhằm giới thiệu và phổ biến thông tin, kiến thức và cách thức sử dụng hệ thống này. Bên cạnh đó, Cục đã có một loạt các bài viết truyền thông trên Cổng thông tin của Cục, của Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan báo chí về Hệ thống, ví dụ Tổng quan về Thỏa ước La Hay liên quan đến đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, Hướng dẫn đăng ký quốc tế kiểu dáng theo Thỏa ước La Hay, Thỏa ước La Hay: Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam bước ra quốc tế, Cách thức đăng ký, chuẩn bị hồ sơ kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay, Thỏa ước La Hay: Những thắc mắc thường gặp.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2020 và nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại, trong năm 2021 các cán bộ của Trung tâm Thẩm định KDCN (Cục Sở hữu trí tuệ) sẽ tiếp tục chủ động, nỗ lực và sáng tạo trong công việc để hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra từ đầu năm. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về việc đăng ký quốc tế KDCN theo Thỏa ước La Hay cũng sẽ được tiếp tục thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng lượng đơn KDCN.