Thứ năm, 18/02/2021 15:39 GMT+7

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy khai thác thông tin sở hữu công nghiệp

Công tác thông tin sở hữu công nghiệp được bảo đảm thông qua việc quản lý, phát triển và bảo đảm nguồn thông tin phục vụ cho hoạt động chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ và đáp ứng nhu cầu tra cứu của công chúng.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Để đáp ứng nhu cầu xác lập quyền sở hữu công nghiệp ngày càng tăng của các tổ chức, cá nhân, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đang thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), triển khai xây dựng Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo kế hoạch của Bộ Khoa học và Công nghệ và yêu cầu của Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính.

Năm 2020, số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (SHCN) được nộp qua Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của Cục đạt 15.231, tăng 51,8% so với năm 2019 và chiếm 22,7% tổng lượng đơn nộp vào Cục. 

Hệ thống quản trị đơn SHCN điện tử (WIPO IPAS) theo Thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho đối tượng Sáng chế và Giải pháp hữu ích đã được thực hiện thành công. Đến cuối năm 2020, hệ thống WIPO IPAS đã quản trị được 03 đối tượng SHCN là Kiểu dáng công nghiệp, Sáng chế và Giải pháp hữu ích.

Các thư viện điện tử về SHCN phục vụ công chúng như IPLib, WIPO PUBLISH được cập nhật định kỳ hàng tháng, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của công chúng. Cơ sở dữ liệu của hệ thống tra cứu toàn văn bằng độc quyền sáng chế DIGIPAT đã được tích hợp thành công sang hệ thống tra cứu WIPO PUBLISH để phục vụ người tra cứu thông tin hiệu quả hơn (phần mềm sử dụng giao diện dạng web, có tính thẩm mỹ cao, tốc độ tra cứu nhanh và chính xác, người dùng có khả năng cá nhân hóa các trường tra cứu theo nhu cầu sử dụng).



Giao diện hệ thống tra cứu WIPO PUBLISH


Để tăng cường năng lực CNTT phục vụ công việc chuyên môn, Cục đang tích cực triển khai một số dự án CNTT quan trọng như: Dự án Hiện đại hóa hệ thống CNTT, Dự án Số hóa tài liệu SHCN, Dự án Mua sắm trang thiết bị CNTT. Thông qua các dự án này, Cục SHTT kỳ vọng sẽ thiết lập được một Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn với các trang thiết bị hiện đại, tạo lập các cơ sở dữ liệu đầy đủ, tin cậy để phục vụ công tác thẩm định đơn đăng ký SHCN.

Đáp ứng nhu cầu tra cứu của công chúng 

Năm 2020, Cục SHTT đã xuất bản 12 số Công báo sở hữu công nghiệp (từ số 382 đến số 393, mỗi số 06 quyển) dưới dạng điện tử và công bố lên Cổng thông tin điện tử của Cục vào ngày 25 hằng tháng. Tổng số trang công báo năm 2020 là 84.924 trang, tăng 7% so với năm 2019. Cục đã chuyển đổi thành công hệ thống công bố sáng chế và kiểu dáng công nghiệp từ hệ thống quản trị đơn cũ sang hệ thống WIPO IPAS do WIPO hỗ trợ, tiến tới tăng chất lượng và hợp lý hóa quy trình công bố thông tin.

Định kỳ hằng tháng, Cục SHTT đăng tải số liệu thống kê số đơn sở hữu công nghiệp được nộp và văn bằng bảo hộ được cấp của các địa phương trên Cổng thông tin điện tử. Đáng chú ý là Cục đã hoàn thành trích xuất danh sách đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ SHCN được công bố trong 38 năm qua (từ năm 1982 đến hết năm 2020) của 63 tỉnh thành phố và đăng công khai lên Cổng thông tin điện tử để phục vụ công tác quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp của các địa phương cũng như các nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm. Cục cũng thực hiện tốt việc cung cấp các số liệu thống kê về sở hữu trí tuệ theo định kỳ hằng năm, một trong những nguồn dữ liệu dùng làm căn cứ tính toán Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), để gửi cho WIPO. 

Bên cạnh đó, phiên bản mới nhất của bảng phân loại quốc tế về sáng chế (IPC) phiên bản 2021.01 và Bảng phân loại danh mục hàng hóa/dịch vụ Ni-xơ phiên bản 11-2021 cũng đã được cập nhật và áp dụng cùng thời điểm WIPO áp dụng. Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận trong những năm qua để đảm bảo sự đồng nhất về phân loại của đơn đăng ký sở hữu công nghiệp từ nước ngoài nộp vào Việt Nam cũng như của đơn Việt Nam nộp ra nước ngoài. Cục đang tiến hành dịch và phê chuẩn danh mục các sản phẩm và dịch vụ thuộc Công cụ quản lý sản phẩm và dịch vụ Madrid của WIPO để hỗ trợ cho công tác nộp đơn nhãn hiệu quốc tế vào Việt Nam và ngược lại.

Thúc đẩy khai thác thông tin SHCN và truyền thông về sở hữu trí tuệ

Năm 2020, công tác thư viện SHCN được duy trì ổn định với 244 lượt bạn đọc và 1202 lượt mượn tài liệu. Cục đã tổ chức tập huấn tra cứu thông tin SHCN cho hàng trăm học viên tại Thư viện Cục và tại các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp như ĐH Dược Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, ĐH Nông lâm Thái Nguyên, Tập đoàn Viettel, Công ty Đóng tàu Hạ Long, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Trường Đại học FPT. Cục đã duy trì tốt hoạt động hướng dẫn thực tập về thủ tục đăng ký và kỹ năng tra cứu thông tin SHCN cho các sinh viên năm cuối các trường đại học, chủ yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội với số lượng trên 300 em trong năm 2020. Đây là hoạt động được triển khai từ năm 2015 đến nay, mỗi năm có hàng trăm sinh viên được bổ sung kỹ năng, kiến thức về sở hữu trí tuệ để phục vụ cho hoạt động đổi mới sáng tạo.



Hội thảo "Thúc đẩy đăng ký sáng chế từ kết quả nghiên cứu" do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Cục SHTT tổ chức tại Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên ngày 23 tháng 10 năm 2020. Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề: thủ tục đăng ký sáng chế, xác định đối tượng đăng ký sáng chế từ kết quả nghiên cứu; bộc lộ thông tin và tra cứu sáng chế; giới thiệu một số cơ sở dữ liệu tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp, đặc biệt là hướng dẫn sử dụng và thực hành viết bản mô tả sáng chế bằng phần mềm hỗ trợ viết bản mô tả sáng chế

 

Mặc dù tình hình Covid-19 ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động đào tạo, tuyên truyền, tập huấn về thông tin SHCN nhưng công tác truyền thông về sở hữu trí tuệ trong năm 2020 vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ so với năm 2019. Cục đã phối hợp với các đơn vị báo chí, truyền thông trong và ngoài Bộ Khoa học và Công nghệ để tăng cường hoạt động truyền thông theo các chủ đề trọng tâm như Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4, Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5, Ngày thành lập Cục Sở hữu trí tuệ 29-7. Từ đầu năm 2020, chuyên mục “Sáng chế Việt” truyền thông về các sáng chế của chủ thể Việt Nam đã trở thành một nguồn thông tin tham khảo hữu ích cho các doanh nghiệp và bạn đọc quan tâm. Số lượng tin bài đăng trên Cổng thông tin điện tử của Cục năm 2020 tăng trên 50% so với năm 2019. Đặc biệt, với số lượng tin, bài đóng góp cho Cổng thông tin điện tử Bộ Khoa học và Công nghệ gia tăng đột biến (từ 127 tin bài năm 2019 lên 297 tin bài năm 2020), Cục SHTT đã trở thành đơn vị đứng đầu trong số các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cung cấp thông tin cho Cổng thông tin điện tử của Bộ.  



Một số bài viết trên chuyên mục “Sáng chế Việt”

 

Liên kết viện, trường hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo

Trong năm 2020, công tác phát triển Mạng lưới TISC về Phát triển Mạng lưới các Trung tâm Hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo và IP-HUB về Xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong viện/trường tiếp tục được thực hiện với việc xây dựng chuyên trang về Mạng lưới TISC và IP-HUB và tích hợp trên Cổng thông tin của Cục. Cục đã duy trì các cuộc họp trực tuyến với nhóm chuyên gia WIPO để phối hợp triển khai các hoạt động theo đúng lộ trình. Năm 2020 Cục đã triển khai 05 Môđun tập huấn cho các thành viên Mạng lưới tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tập trung vào các kỹ năng: quản lý tài sản trí tuệ của viện/trường, chuẩn bị hồ sơ đăng ký sáng chế và soạn thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ. Hàng trăm lượt tác giả sáng chế và nhà nghiên cứu thuộc các viện/trường/doanh nghiệp thuộc mạng lưới TISC và IP-HUB đã được tư vấn về thủ tục nộp đơn sáng chế, tư vấn viết bản mô tả sáng chế cũng như tra cứu thông tin sáng chế. 



Lớp tập huấn Môđun 11-13 cho các cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ thuộc Mạng lưới TISC và IP-HUB do Cục SHTT phối hợp tổ chức tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ngày 03-05 tháng 11 năm 2020

 

Bên cạnh đó, Cục SHTT cũng tích cực tham gia vào các hoạt động nhằm cải thiện Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) và Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, truyền thông về sở hữu trí tuệ nhằm phục vụ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 2156

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)