Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nâng cao chất lượng chè nguyên liệu cho chế biến chè Olong và chè xanh chất lượng cao tại tỉnh Lai Châu” được thực hiện với mục tiêu: Hỗ trợ ứng dụng thành công tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng chè nguyên liệu phục vụ chế biến chè Olong và chè xanh chất lượng cao tạo ra sản phẩm hàng hoá giá trị cao, góp phần xoá đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn vùng Dự án.
Mô hình trồng thâm canh chè tại Lai Châu
Thay mặt nhóm thực hiện Dự án, ThS. Chu Huy Tưởng, đã báo cáo tóm tắt quá trình triển khai và các kết quả đạt được của Dự án, cụ thể như sau:
- Điều tra, khảo sát bổ sung thực trạng tại vùng dự án, đánh giá được thực trạng sản xuất cây chè trên địa bàn huyện Tam Đường, từ đó đề xuất giải pháp phát triển sản xuất và chế biến chè Olong và chè xanh phù hợp với điều kiện của huyện.
- Hoàn thiện và chuyển giao 07 quy trình kỹ thuật.
Trong đó Cơ quan chuyển giao công nghệ là Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng - Bộ KH&CN, chuyển giao 05 quy trình:
+ Quy trình nhân giống chè mới PH8 và PH10 bằng phương pháp giâm cành;
+ Quy trình kỹ thuật thiết kế đồi nương, trồng chè thâm canh chè giống mới PH8 và PH10 giai đoạn kiến thiết cơ bản;
+ Quy trình kỹ thuật cải tạo nương chè theo hướng thâm canh, giai đoạn sản xuất kinh doanh đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP;
+ Quy trình kỹ thuật sản xuất chè vụ đông xuân trong điều kiện có tưới để nâng cao chất lượng chè nguyên liệu trong chế biến chè Olong;
+ Quy trình kỹ thuật chế biến và sử dụng phân hữu cơ vi sinh cho chè;
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc chuyển giao 02 quy trình kỹ:
+ Quy trình kỹ thuật thu hái, bảo quản và chế biến chè Olong từ nguyên liệu chè PH8 và PH10;
+ Quy trình kỹ thuật thu hái, bảo quản và chế biến chè xanh chất lượng cao từ nguyên liệu PH8.
- Xây dựng 05 mô hình:
+ Mô hình nhân giống chè mới PH8 và PH10 bằng phương pháp giâm cành. (Diện tích mô hình 7000 m2, quy mô PH8: 3.000.000 cây giống/năm, Ph10: 30.000 cây giống/năm).
+ Mô hình trồng thâm canh giống chè mới PH8 và PH10 giai đoạn kiến thiết cơ bản. (Quy mô 20 ha, tỉ lệ sống trên 94%).
+ Mô hình cải tạo nương chè theo hướng thâm canh giai đoạn sản xuất kinh doanh đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP. (Quy mô 40 ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất chè sau cải tạo đạt 6,5 tấn/ha/năm, năng suất vụ đông tăng 20,7%).
+ Mô hình chế biến chè xanh chất lượng cao và chè Olong. (Công suất 5 tấn chè tươi/ngày).
+ Mô hình chế biến phân hữu cơ vi sinh chuyên dụng cho cây chè. (Công ty đã được cấp giấy phép sản xuất phân bón, kết quả đã sản xuất được 306,6 tấn phân vi sinh Fitohoocmon 31 và Fitohoocmon 20, 02 loại phân bón Fitohoocmon 31 và Fitohoocmon 20 sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng phân bón và được cấp giấy chứng nhận).
- Đào tạo, tập huấn được:
+ Đào tạo 10 cán bộ kỹ thuật viên cơ sở nắm vững các quy trình công nghệ chuyển giao, có khả năng tham gia triển khai dự án tại địa phương.
+ Tập huấn được 08 lớp, với 302 lượt cán bộ người dân tham dự, nắm được cơ bản các quy trình kỹ thuật sản xuất mà dự án chuyển giao.
Sau 4 năm triển khai, Dự án góp phần thúc đẩy quá trình ứng dụng KH&CN trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân vùng dự án, và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từng bước tạo mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân. Dự án góp phần phủ xanh đất trống, hạn chế xói mòn rửa trôi, điều tiết nguồn nước, tạo môi trường xanh sạch đẹp, gắn phát triển chè với du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường trước điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu. Hình thành vùng sản xuất chè tập trung, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa đặc sản, chất lượng cao. Là cơ sở để nhân rộng, mở rộng diện tích chè trên địa bàn trong những năm tới. Là điều kiện cho các địa phương học tập, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng mô hình ra các vùng lân cận qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Thay mặt cho Hội đồng KH&CN cấp Nhà nước, ông PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Dự án. Dự án đã có đóng góp nhất định và ý nghĩa trong việc khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển cây chè tại huyện Tam Đường nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung. Kết quả của Dự án, đặc biệt là giống và quy trình, tiến bộ kĩ thuật góp phần hiện thực hóa đề án phát triển vùng chè nguyên liệu tập trung chất lượng cao, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, góp phần tích cực vào quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nông thôn. Nâng cao vị thế, thương hiệu cho sản phẩm chè Olong, chè xanh của Tam Đường, là nền tảng cung cấp sản phẩm chè an toàn, chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài nước.
Hội đồng đã bỏ phiếu nhất trí thông qua dự án, đạt loại khá./.