Thứ sáu, 29/01/2021 11:49 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 22/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 108/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thực hiện Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, Luật số 35/2018/QH14, Nghị định số 41/2019/NĐ-CP và thực hiện Chương trình công tác năm 2020 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức lập Nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/QĐ-TTg ngày 22/01/2021.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm tiếp tục hoàn thiện công cụ quản lý nhà nước, khắc phục những thiếu sót, bất cập và hạn chế trong hoạt động quy hoạch thời kỳ trước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; Xác định những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá trong phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong từng ngành, lĩnh vực; Đề ra định hướng và phương án phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, chú trọng hiệu quả hoạt động, ứng dụng công nghệ mới, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, phát triển nguồn nhân lực.

Nội dung chính của Quy hoạch gồm: Quan điểm phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; Mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chung đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn 2050 phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân, đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân; phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành, lĩnh vực: y tế, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật khác; Định hướng phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo; danh mục chương trình, dự án quan trọng, ưu tiên.

Giải pháp, nguồn lực thực hiện Quy hoạch bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; bảo đảm an toàn, an ninh; nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của cộng đồng; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế; đầu tư, tài chính và huy động vốn; tổ chức thực hiện quy hoạch.

Các hợp phần được xây dựng để tích hợp vào Quy hoạch bao gồm:

- Hợp phần phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân, đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lập;

- Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành y tế do Bộ Y tế tổ chức lập;

- Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành tài nguyên và môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập;

- Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập;

- Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành công nghiệp do Bộ Công Thương tổ chức lập.

Nội dung chính của các hợp phần quy hoạch, bao gồm: quan điểm, mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chung, mục tiêu cụ thể; định hướng phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo; danh mục chương trình, dự án quan trọng, ưu tiên; giải pháp, nguồn lực thực hiện. Các hợp phần quy hoạch được lập phải phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, phương pháp lập quy hoạch, yêu cầu về rà soát, đánh giá quy hoạch thời kỳ trước, dự báo triển vọng, nhu cầu phát triển và nguồn nhân lực trong thời kỳ quy hoạch. Việc tích hợp quy hoạch và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quá trình tích hợp quy hoạch được thực hiện theo Nghị định 41/2019/NĐ-CP ngày 15/5/2019 của Chính phủ và pháp luật về quy hoạch có liên quan, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu quả của quy hoạch, không chồng chéo, mâu thuẫn.

Tại Quyết định, Thủ tướng đã phân công Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai tổ chức lập quy hoạch theo Nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả; Phê duyệt chi tiết nội dung, dự toán chi phí lập Quy hoạch.

Các bộ, cơ quan được giao tổ chức lập hợp phần quy hoạch có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định hợp phần quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp để tích hợp vào Quy hoạch. Các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, cơ quan được giao tổ chức lập hợp phần quy hoạch trong quá trình lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định của pháp luật và phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai Quyết định số 108/QĐ-TTg, Bộ Khoa học và Công nghệ đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch lập quy hoạch, phê duyệt dự toán chi phí và lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, các hợp phần quy hoạch. Theo kế hoạch được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Quy hoạch cần được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2021. Quy hoạch được ban hành sẽ là công cụ quản lý quan trọng, tạo cơ sở cho sự phát triển nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hạt nhân có đóng góp trực tiếp và hiệu quả trên các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật khác, đồng thời là cơ sở để triển khai các nhiệm vụ và giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và đảm bảo an toàn an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 1658

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)