Thứ sáu, 22/01/2021 11:06 GMT+7

Chuyển đổi sang Ngân hàng số - “cuộc chiến” sống còn của các ngân hàng trong thời đại công nghệ 4.0

Chuyển đổi số đang là một trong những mối quan tâm lớn nhất của các quốc gia trên toàn thế giới. Công cuộc chuyển đổi số tạo ra những thay đổi rõ rệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng trải nghiệm của người tiêu dùng. Chuyển đổi sang Ngân hàng số được xem là cuộc chiến sống còn của các ngân hàng trong thời đại công nghệ 4.0.

Toàn cảnh Hội thảo.

Xu hướng tất yếu

Những nội dung trên được đưa ra tại hội thảo “Ngân hàng số: Xoay chuyển thách thức thành cơ hội bứt tốc” do báo điện tử VTC News tổ chức sáng 21/1/2021 tại Hà Nội với sự phối hợp thực hiện của Viện chiến lược Thông tin và Truyền thông - Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (VTC1).

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, việc chuyển đổi số sẽ giúp cho ngân hàng phát triển các sản phẩm dịch vụ điện tử như các công ty công nghệ tài chính. Ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng sẽ làm giảm nhân sự, giảm bớt giấy tờ giao dịch… do đó, sẽ làm giảm chi phí xử lý trên hệ thống số.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho rằng số hóa là xu thế tất yếu, là cuộc chiến "sống còn" của ngành ngân hàng và bối cảnh dịch COVID-19 đã góp phần cộng hưởng, đẩy nhanh quá trình này. PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh, sự phát triển kỹ thuật số đã và đang thay đổi các nền kinh tế trên toàn cầu với tốc độ chóng mặt. Trong xu thế số hóa mạnh mẽ đó, phát triển ngân hàng số dường như là con đường tất yếu phải đi của các ngân hàng Việt Nam, là cuộc đua không có điểm dừng, thậm chí là cuộc chiến "sống còn" nếu không muốn thất bại.

Cùng với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ cũng như xu thế chung trên toàn cầu, hiện nay tất cả các ngân hàng Việt Nam đều đã và đang bắt tay vào xây dựng nền tảng số, tiến đến đến mô hình ngân hàng số toàn diện. Có thể dễ dàng nhận thấy những lợi ích và tiềm năng của việc chuyển đổi mô hình truyền thống sang ngân hàng số, và nó được xem như xu hướng tất yếu trong hoạt động của ngân hàng để đáp ứng và phục vụ tốt nhất cho khách hàng. Xu hướng này càng được củng cố hơn khi đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đặt mục tiêu đưa tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán giảm về mức 10% vào cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, thanh toán điện tử được đẩy mạnh, tạo nên làn sóng thúc đẩy phát triển mảng ngân hàng số tại Việt Nam. Xu hướng hiện nay là sẽ có các mô hình kinh doanh mới thay thế cho các mô hình kinh doanh truyền thống.

Theo ước tính của nhiều tổ chức nghiên cứu, đến năm 2025, doanh thu của các dịch vụ truyền thống ngành ngân hàng sẽ dịch chuyển 17 - 34% sang các dịch vụ mới. Đó cũng là xu thế diễn ra trên thế giới và sẽ xảy ra ở Việt Nam.

Cơ hội và thách thức

Tại Việt Nam, theo Ngân hàng nhà nước, hiện nay, 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 59% ngân hàng đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế.

Theo ông Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn trong phát triển ngân hàng số với hơn 50% dân số sở hữu smartphone, 130 triệu thuê bao di động, dân số dưới tuổi 35 chiếm hơn 50%, thuê bao Internet khoảng 67%, thời gian sử dụng điện thoại thông minh trung bình của người Việt  là 2 giờ/ngày; tăng trưởng thương mại điện tử đạt tốc độ 30%/năm.

Trong khi đó, dân số trưởng thành không được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng xấp xỉ 50%; đối tượng không đủ điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng khoảng 10%. Do đó, trở thành ngân hàng số hàng đầu là mục tiêu chính của nhiều ngân hàng thương mại trong nước và đã có nhiều ngân hàng xem ngân hàng số là trọng tâm phát triển thời gian qua.
 

Các diễn giả tại Hội thảo.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến nay có 95% tổ chức tín dụng (TCTD) đã, đang hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Trong đó, 38% TCTD đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp chuyển đổi số trong chiến lược phát triển kinh doanh/công nghệ thông tin; 42% đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 15% có dự định triển khai.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn về thị trường, nguồn lực và chính sách để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và ngân hàng số lên một tầm cao mới. Tuy vậy, để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng cần phải có giải pháp của cả hai phía là cơ quan quản lý và ngân hàng- các chuyên gia tại hội thảo nhấn mạnh.

Nhưng quá trình này đang đối mặt với nhiểu thách thức lớn. Trước hết là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, trở thành điểm nghẽn đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số mà cụ thể là những vướng mắc trong luật giao dịch điện tử, chứng thực chữ ký điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử trong giao dịch ngân hàng.

Bên cạnh đó là những hạn chế về cơ sở hạ tầng, liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng số đồng bộ, tập trung, chuẩn kỹ thuật kết nối, chuẩn dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung, hạ tầng an ninh, bảo mật….

Ngoài ra là sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) trong hợp tác với ngân hàng, đặt ra các vấn đề như: an ninh an toàn, bảo mật thông tin... Tội phạm công nghệ cũng là mối nguy lớn, buộc các ngân hàng phải xây dựng hệ thống bảo mật, đảm bảo hoạt động liên tục, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2524

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)