Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc.
Đây là những nội dung chính được đưa ra tại buổi làm việc giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ngày 19/1, tại Hà Nội dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Khoa học và Công nghệ góp phần nâng cao vị thế, thứ hạng cơ sở giáo dục đại học
Báo cáo tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ GD&ĐT Tạ Ngọc Đôn cho biết, thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2017 – 2020, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ GD&ĐT triển khai gần 50 nhiệm vụ liên quan đến xây dựng chính sách đổi mới GD&ĐT. Đồng thời hai bên đã xây dựng thành công 02 Nghị quyết của Ban Bí thư TW; 02 Luật; 01 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 19 Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; 22 Thông tư và Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT,…
Bên cạnh đó, Chương trình phối hợp giữa hai bên đã được triển khai tích cực, tạo chuyển biến tốt cho hoạt động KH&CN, góp phần thực hiện các mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nâng cao thứ hạng, vị thế của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Với kết quả Chương trình trọng điểm quốc gia về Toán, việc công bố ISI đến năm 2020 tăng 100% so với năm 2010, trong đó 75% công bố ISI toàn quốc thuộc về các cơ sở giáo dục đại học, thứ hạng Toán học Việt Nam tăng từ vị trí 53 (2010) lên 32 (2018), đồng thời hoạt động công bố ISI đứng đầu ASEAN cả về số lượng và tỷ lệ trích dẫn. Chương trình Vật lý cũng đạt được kết quả quan trọng khi đã tăng hạng từ 60 (năm 2014) lên 52 (năm 2017).
Liên quan đến xây dựng, triển khai hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), hai Bộ đã phối hợp tập trung trọng điểm vào 3 trường đại học (Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Huế và trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) qua việc xây dựng Cổng thông tin hỗ trợ hướng nghiệp online; tổ chức thành công ngày Hội khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên lần thứ nhất năm 2018, lần thứ hai năm 2019, phát động cuộc thi “Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”,...
Ngoài ra, Việt Nam đã được Thời báo Giáo dục Đại học (Times Higher Education) công bố có 03 cơ sở giáo dục đại học (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội) được xếp hạng cùng 1527 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới (02/9/2020) và hàng đầu Châu Á (03/6/2020),…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Vụ trưởng Tạ Ngọc Đôn cũng đề cập đến một số bất cập, hạn chế trong công tác triển khai các Chương trình liên quan giữa hai bên, một số hoạt động liên quan chưa tương xứng với tiềm lực, nguồn nhân lực cũng như sự đóng góp từ các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc cho GDĐH, KH&CN Việt Nam; tiến độ triển khai, số lượng và kinh phí bố trí cho các nhiệm vụ thuộc các Chương trình KH&CN đã được Thủ tướng phê duyệt còn khiêm tốn,…
Tăng cường liên kết, phối hợp giữa các trường đại học, viện nghiên cứu
Toàn cảnh buổi làm việc.
Để triển khai hiệu quả các Chương trình liên quan, Vụ trưởng Tạ Ngọc Đôn cho rằng, cần tiếp tục triển khai, xây dựng Đề án nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học để trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó ưu tiên triển khai các Chương trình nghiên cứu đối với các nhóm nghiên cứu mạnh theo Đề án được duyệt, đồng thời ưu tiên đầu tư trọng điểm cho một số đại học/trường đại học đã được xếp hạng Châu Á và thế giới.
Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho hoạt động KH&CN trong cơ sở giáo dục đại học; khuyến khích khởi nghiệp, ĐMST và chuyển giao công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, tăng cường đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích; xây dựng triển khai cơ sở dữ liệu chuyên gia KH&CN trong cơ sở giáo dục đại học, xây dựng báo cáo thường niên về hoạt động KH&CN của Bộ; rà soát, sắp xếp lại mạng lưới tạp chí khoa học trong cơ sở giáo dục đại học trực thuộc; đầu tư nâng cấp một số tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ để gia nhập hệ thống ISI, hệ thống ISI/Scopus,…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc hai Bộ đã có những trao đổi, đề xuất để hoạt động phối hợp ngày càng hiệu quả hơn nữa cũng như chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và đề ra những giải pháp tháo gỡ nhằm tạo ra xung lực mới, trong đó nhấn mạnh đến việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách tạo đột phá trong hoạt động KHCN & ĐMST của cơ sở giáo dục đại học.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định vai trò quan trọng của hai Bộ trong sứ mệnh phát triển KHCN& ĐMST, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với chủ thể là các trường đại học, Viện nghiên cứu. Nhằm tháo gỡ vướng mắc hoạt động nghiên cứu khoa học và ĐMST, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề ra 5 nhóm vấn đề cần tăng cường phối hợp giữa Bộ GD&ĐT và Bộ KH&CN trong năm 2021 và giai đoạn 5 năm tới gồm: tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình KH&CN cấp quốc gia; tạo cơ chế đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh; phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống tạp chí khoa học trong các trường đại học; tích hợp triển khai Đề án 2395 về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước và Đề án 89 về nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT; đẩy mạnh hoạt động ĐMST, khởi nghiệp trong các trường đại học.
Thống nhất với 5 nội dung Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề xuất, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đề nghị các đơn vị chức năng thuộc hai Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt là các đơn vị đầu mối đã được phân công; tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết, phối hợp giữa các trường đại học, viện nghiên cứu thuộc hai Bộ. Đồng thời, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ xây dựng Chiến lược KH&CN giai đoạn 2020 – 2030; phối hợp, triển khai hoạt động liên quan đến chỉ số GII; công tác triển khai đào tạo sau đại học của Học Viện KHCN&ĐMST,…