Thứ ba, 19/01/2021 12:43 GMT+7

Truyền thông đại chúng: Phục vụ phát triển con người dựa trên quyền con người

Ngày 16/1/2021, tại Hà Nội đã diễn ra Hội đồng nghiệm thu Đề tài trọng điểm cấp Nhà nước “Truyền thông đại chúng đối với phát triển con người dựa trên quyền con người” với mã số KX.01.37/16-20, thuộc Chương trình KX.01/16-20 do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì.

PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương báo cáo trước Hội đồng.

Hội đồng nghiệm thu với sự tham dự của GS.TS. Lê Hồng Lý (Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng; GS.TS. Tạ Ngọc Tấn (Hội đồng lý luận Trung ương), Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng.

Tham dự Hội đồng còn có đại diện lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Tổng hợp; Vụ Khoa học xã hội Nhân văn và Tự nhiên; Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước và đại diện lãnh đạo các đơn vị, ban ngành chức năng có liên quan.

Phát biểu tại Hội đồng, PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương, Chủ nhiệm Đề tài cho biết, phát triển con người và quyền con người có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó và tác động qua lại mật thiết với nhau, trong đó, phát triển con người là tiền đề, là yếu tố nền tảng đảm bảo quyền con người, còn quyền con người vừa có tính độc lập tương đối, vừa tác động trở lại đối với sự phát triển. Phát triển con người và quyền con người đều có cùng quan điểm và mục đích chung là bảo đảm tự do, hạnh phúc và phẩm giá cho mọi người. Tuy nhiên, phát triển con người là nền tảng để công nhận quyền con người, và quyền con người là cơ sở để phát triển con người một cách đầy đủ.

Theo đó, Đề tài làm rõ hệ thống khái niệm liên quan đến truyền thông đại chúng (TTĐC), phát triển, phát triển bền vững, phát triển con người, quyền con người, quyền công dân, tiếp cận dựa trên quyền con người… Làm rõ các vấn đề lý luận, phương pháp luận, phương pháp tiếp cận, phương pháp nghiên cứu TTĐC, phát triển con người, và quyền con người; làm rõ mối quan hệ giữa phát triển con người và quyền con người dưới góc nhìn của khoa học truyền thông và báo chí học.

Bên cạnh đó, Đề tài hệ thống hóa phương pháp tiếp cận nghiên cứu TTĐC đối với phát triển con người dựa trên quyền con người. Các phương pháp nghiên cứu TTĐC đối với phát triển con người dựa trên quyền con người. Xây dựng khung lý thuyết về vai trò, cơ chế tác động, xây dựng khung phân tích và tiêu chí giám sát, đánh giá hoạt động TTĐC đối với phát triển con người dựa trên quyền con người; làm rõ thực trạng phát triển của hệ thống TTĐC ở Việt Nam hiện nay, hệ thống hóa và làm rõ thực trạng phát triển con người và quyền con người ở Việt Nam hiện nay.

Đồng thời, Đề tài làm rõ vai trò, tác động, hiệu quả và tính hai mặt (tác động tích cực và tiêu cực) của TTĐC đối với phát triển con người dựa trên quyền con người trên 5 khía cạnh: vấn đề bình đẳng trong phát triển con người, vấn đề hiệu quả, vấn đề phát triển bền vững, vấn đề tham gia của người dân trong phát triển con người, và vấn đề bảo vệ an ninh con người; vai trò, tác động, hiệu quả và tính hai mặt (tác động tích cực và tiêu cực) của truyền thông đại chúng đối với quyền con người trên các khía cạnh: quyền dân sự - chính trị, quyền kinh tế- văn hóa –xã hội; làm rõ mối quan hệ tương tác giữa hệ thống các phương tiện TTĐC truyền thống và mạng xã hội đối với phát triển con người dựa trên quyền con người.

Cũng theo PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương, Đề tài nhấn mạnh đến tiếp cận dựa trên quyền con người, lấy các tiêu chuẩn về quyền con người để xác định kết quả và lấy các nguyên tắc về quyền con người làm điều kiện, khuôn khổ cho quá trình đạt được và duy trì kết quả đó một cách bền vững. Đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của các bên liên quan đối với việc phát triển TTĐC phục vụ phát triển con người dựa trên quyền con người, cũng như trách nhiệm giải trình của các bên liên quan đối với những vấn đề hạn chế, bất cập trong việc phát triển TTĐC.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại: Khá.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2358

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)