Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ gồm 09 thành viên do GS.TS. Trần Văn Trị, Tổng hội Địa chất làm Chủ tịch Hội đồng; PGS.TSKH. Trần Trọng Hòa, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam làm Phó Chủ tịch Hội đồng.
Khu vực Tam Giang - Bạch Mã và phụ cận có diện tích khoảng 1.600km2 bao gồm Thành phố Huế, huyện Phú Vang, huyện Quảng Điền và một phần các huyện Phú Lộc, Hương Thủy, Nam Đông, Hương Trà và Phong Điền của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong khu vực này có Cố đô Huế là Di sản văn hóa thế giới với nhiều danh thắng đặc sắc như sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ... từ lâu đã đi vào thơ ca và là biểu tượng của thành phố Huế cổ kính và xinh đẹp.
Về góc độ khoa học địa chất, đây là vùng có lịch sử phát triển địa chất lâu dài, cấu trúc địa chất phức tạp. Cơ chế hình thành và phát triển các thành tạo địa chất ở đây mang dấu ấn riêng biệt, khác hẳn với các khu vực ven biển khác ở Việt Nam. Theo phương từ lục địa ra biển có sự thay đổi nhanh về đặc điểm địa hình và các thành tạo địa chất: Ở vùng núi cao và rìa đồng bằng chủ yếu lộ các thành tạo lục nguyên, lục nguyên xen carbonat tuổi Paleozoi, các đá magma axit và bazơ tuổi Permi muộn - Trias sớm; vùng đồng bằng ven biển được lấp đầy bởi các thành tạo gắn kết yếu, bở rời nguồn gốc sông, biển và hỗn hợp sông - biển tuổi Neogen - Đệ tứ phủ trên móng đá gốc tuổi Paleozoi, Mesozoi.
Về góc độ đa dạng sinh học, khu vực này có sự đa dạng cao về loài và đa dạng về hệ sinh thái. Ở đây có các hệ sinh thái điển hình như: Hệ sinh thái rừng nhiệt đới thường xanh, hệ sinh thái đồng ruộng - khu dân cư, hệ sinh thái đầm phá, hệ sinh thái cồn cát, hệ sinh thái bãi triều, hệ sinh thái vùng ngập nước mặn...
Về lĩnh vực văn hóa: Thừa Thiên Huế là kinh đô của nước Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn. Thừa Thiên Huế nói chung và khu vực nghiên cứu Tam Giang - Bạch Mã nói riêng là một điểm đến có 7 danh hiệu được UNECO công nhận: Quần thể Di tích Cố đô Huế (năm 1993), Mộc bản triều Nguyễn (năm 2009), Châu bản triều Nguyễn (năm 2014), Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (năm 2016), Nhã nhạc Cung đình Huế (năm 2003), Tín ngưỡng thờ Mẫu (năm 2016) và Bài Chòi (2017). Các giá trị di sản văn hóa (văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể) nơi đây vừa hội tụ những đặc trưng và tinh hoa của văn hóa dân tộc, vừa thể hiện nét riêng hấp dẫn của một vùng văn hóa.
Hiện nay, các nhà khoa học địa chất Việt Nam đang hướng tới việc điều tra, xác lập các giá trị di sản địa chất (DSĐC) và thành lập mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) quốc gia để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cho sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội.
Việc xác lập danh hiệu CVĐC quốc gia, tiến tới phát triển thành CVĐC quốc tế cho khu vực Tam Giang - Bạch Mã là cơ sở để đẩy mạnh du lịch, phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn lâu dài các giá trị di sản thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa cho các thế hệ tương lai.
Bộ KH&CN đã phê duyệt nhiệm vụ “Nghiên cứu di sản địa chất làm cơ sở khoa học để thành lập công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Tam Giang - Bạch Mã” do TS. Vũ Quang Lân làm chủ nhiệm; Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc là Cơ quan chủ trì được thực hiện từ tháng 01/2018 đến tháng 10/2020 với ba mục tiêu chính:
1. Xác lập được các di sản địa chất phân bố trong khu vực Tam Giang - Bạch Mã.
2. Đánh giá các giá trị nổi bật của các kiểu di sản địa chất trong khu vực Tam Giang - Bạch Mã.
3. Xây dựng cơ sở khoa học cho việc thành lập công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Tam Giang - Bạch Mã.
TS. Vũ Quang Lân trình bày các nội dung nghiên cứu trước Hội đồng
I. Kết quả đã đạt được của nhiệm vụ
1. Sản phẩm dạng II
1.1. Báo cáo tổng hợp và Báo cáo tóm tắt.
1.2. Bản đồ phân bố các di sản địa chất tỷ lệ 1:50.000 và cơ sở dữ liệu kèm theo.
1.3. Bản đồ phân bố các giá trị di sản khác tỷ lệ 1:50.000.
1.4. Bản đồ du lịch địa chất tỷ lệ 1:50.000.
1.5. Hồ sơ di sản địa chất quốc gia/quốc tế.
1.6. Cơ sở khoa học thành lập công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Tam Giang – Bạch Mã.
2. Sản phẩm dạng III
2.1. 01 bài báo quốc tế và 06 bài đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước.
2.2. 02 bài tham dự hội nghị quốc tế.
2.3. Bộ mẫu bảo tàng về địa chất, khoáng sản.
2.4. Đào tạo 02 thạc sỹ, hỗ trợ 02 nghiên cứu sinh.
II. Danh mục sản phẩm khoa học dự kiến ứng dụng, chuyển giao
Số TT
|
Tên sản phẩm
|
Thời gian dự kiến ứng dụng
|
Cơ quan dự kiến ứng dụng
|
1
|
Báo cáo tổng kết đề tài.
|
Tháng 12/2020
|
Ủy ban UNESCO Việt Nam, Sở KH&CN tỉnh TTH
|
2
|
Bản đồ phân bố các di sản địa chất tỷ lệ 1:50.000.
|
Tháng 12/2020
|
Ủy ban UNESCO Việt Nam, Sở KH&CN tỉnh TTH
|
3
|
Bản đồ phân bố các di sản khác tỷ lệ 1:50.000.
|
Tháng 12/2020
|
Ủy ban UNESCO Việt Nam, Sở KH&CN tỉnh TTH
|
4
|
Bản đồ du lịch địa chất tỷ lệ 1:50.000.
|
Tháng 12/2020
|
Ủy ban UNESCO Việt Nam, Sở KH&CN tỉnh TTH
|
5
|
Hồ sơ khoa học về các di sản địa chất có giá trị quốc gia/quốc tế.
|
Tháng 12/2020
|
Ủy ban UNESCO Việt Nam, Sở KH&CN tỉnh TTH
|
6
|
Cơ sở khoa học để thành lập công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Tam Giang – Bạch Mã.
|
Tháng 12/2020
|
Ủy ban UNESCO Việt Nam, Sở KH&CN tỉnh TTH
|
7
|
Bộ sưu tập mẫu vật.
|
Tháng 12/2020
|
Bảo tàng Địa chất
|
III. Về những đóng góp mới của nhiệm vụ
1. Xác lập và phân loại được 115 DSĐC thuộc 8 kiểu DSĐC ở khu vực Tam Giang - Bạch Mã; bước đầu phân cấp các DSĐC này thành 05 DS cấp quốc tế, 41 DS cấp quốc gia và 69 DS cấp địa phương.
2. Đánh giá tổng hợp đa dạng địa chất, văn hóa và sinh học ở khu vực Tam Giang - Bạch Mã; bước đầu nhận dạng được mối quan hệ giữa DSĐC với di sản văn hóa và đánh giá được các giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế của các DSĐC ở khu vực này.
3. Góp phần làm sáng tỏ lịch sử phát triển đồng bằng ven biển Thừa Thiên Huế trong Holocen trong mối liên hệ với sự thay đổi mực nước biển. Phát hiện và khoanh định diện phân bố của một vịnh biển cổ ở đồng bằng Huế phát triển trong Holocen sớm - giữa và bị lấp đầy bởi vật liệu do sông mang đến trong Holocen giữa - muộn.
IV. Về hiệu quả về kinh tế và xã hội của nhiệm vụ
1. Kết quả của đề tài là cơ sở cho các cơ quan quản lý Nhà nước bảo vệ, bảo tồn di sản, kịp thời ngăn chặn các hoạt động nhân sinh xâm hại di sản. Kết quả của đề tài sẽ giúp các nhà quản lý quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế xã hội, các ban ngành liên quan định hướng quy hoạch phát triển kinh tế ngành nghề ở tỉnh Thừa Thiên Huế và phụ cận. Đặc biệt là ngành du lịch: khai thác dịch vụ du lịch, du lịch địa chất, du lịch sinh thái và các ngành nghề, làng nghề liên quan đến dịch vụ du lịch đều có cơ hội phát triển.
2. Các đơn vị bảo tàng và các ngành liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận có điều kiện nâng cao nhận thức về DSĐC, tham gia nghiên cứu DSTN, bảo vệ bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững hệ thống di sản ở ngay địa bàn mình quản lý.
3. Người dân địa phương có điều kiện tiếp xúc với kết quả đề tài để nâng cao nhận thức về di sản, từ đó sẽ đóng góp tích cực và thiết thực trong công tác bảo tồn di sản nói chung.
Toàn cảnh phiên họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp quốc gia
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những đóng góp của Chủ nhiệm, tập thể tác giả và Cơ quản chủ trì; phần báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt có cấu trúc hợp lý, phù hợp với yêu cầu của một báo cáo khoa học. Về số lượng, khối lượng, tiến độ và chất lượng sản phẩm đều đạt yêu cầu nhiệm vụ. Với kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài đạt yêu cầu, đồng thời, yêu cầu tập thể tác giả tiếp thu các nội dung và chỉnh sửa cho phù hợp, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ KH&CN ra quyết định công nhận kết quả của nhiệm vụ.