Thứ tư, 06/01/2021 15:14 GMT+7

Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Chiều 5/1, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ đã có buổi làm việc và ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung tâm sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự buổi làm việc có ông Trần Việt Thanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc thường trực Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; cùng các Phó Cục trưởng, các cán bộ chủ chốt của Cục Sở hữu trí tuệ và trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hoàng Hạnh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: Từ năm 2005 đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chính thức qua Biên bản ghi nhớ với Đại học Quốc gia Hà Nội và một số thành viên, trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Mạng lưới các Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp (TISC) đã kết nối gần 40 thành viên là các trường đại học, viện nghiên cứu khắp cả nước. Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã phối hợp với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu để triển khai các hoạt động với quy mô khác nhau.

Bà Nguyễn Minh Huyền Trang, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (IPTC) cho biết: tiềm lực KH&CN của nhà trường hiện có hơn 80 nhóm nghiên cứu tiềm năng, 9 nhóm nghiên cứu mạnh, hai phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia, 11 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh. Khối tài sản trí tuệ của nhà trường khá lớn, với 288 bằng độc quyền về sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp…, trong đó, khoảng 60% bằng độc quyền về sáng chế và giải pháp hữu ích có tiềm năng thương mại hóa.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã trở thành thành viên của Mạng lưới các trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới khởi xướng. Để quản trị, phát triển tài sản trí tuệ, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, ban hành Quy chế quản trị tài sản trí tuệ và ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2020-2021.
 

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
 

Tại buổi làm việc, đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, Mục tiêu của chương trình ký kết nhằm hỗ trợ hoạt động quản trị và phát triển tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Hợp tác xây dựng, triển khai các hoạt động về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trên cơ sở sử dụng nguồn lực sẵn có của hai Bên, cùng có trách nhiệm đối với các hoạt động này theo quy định của pháp luật; Tăng cường sự phối hợp giữa hai Bên để thực hiện có hiệu quả các hoạt động vì mục tiêu phát triển tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ, tạo ra các sản phẩm có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao, cũng như sử dụng hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ trong khối các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp của khu vực phía Nam.

Cụ thể, hai bên sẽ phối hợp hỗ trợ hoạt động quản trị và phát triển tài sản trí tuệ tại Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Hỗ trợ phát triển IPTC trở thành đối tác quan trọng của Cục Sở hữu trí tuệ trong hoạt động sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ của các trường đại học, viện nghiên cứu tại Khu vực phía Nam; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ cho cán bộ, giảng viên, nhà quản lý, nhà khoa học và sinh viên trong khối các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp Khu vực phía Nam; Nâng cao nhận thức về vai trò của tài sản trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu thông qua hoạt động phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi, xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ;

Tư vấn về xác lập, bảo vệ, quản lý và phát triển giá trị quyền sở hữu công nghiệp; hỗ trợ thương mại hóa, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong trường đại học, viện nghiên cứu;

Phối hợp thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về sở hữu trí tuệ; thống kê về sở hữu công nghiệp; thực hiện các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
 

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu tại Lễ ký kết.
 

Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí cho biết, từ năm 2005 đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã hợp tác với một số trường đại học, nhằm nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho sinh viên, giáo viên thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, các cuộc thi…; hỗ trợ một số trường xây dựng chính sách và thành lập bộ phận quản trị tài sản trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ cũng là đầu mối kết nối, đề xuất các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên các trường tham gia đào tạo về sở hữu trí tuệ do các tổ chức quốc tế hoặc cơ quan sở hữu trí tuệ các nước tổ chức. Đối với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, sau khi ký kết, các bên cần nghiêm túc triển khai thực hiện để có kết quả cụ thể thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
 

Ông Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc thường trực Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ ký kết.
 

Ông Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc thường trực Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hoạt động quản trị và phát triển tài sản trí tuệ là một trong những lĩnh vực then chốt được nhà trường ưu tiên hàng đầu. Ông Vũ Hải Quân bày tỏ hy vọng qua ký kết giữa hai đơn vị, trường kỳ vọng sẽ tăng số lượng sinh viên hưởng thụ từ các chương trình nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ; gia tăng số đơn đăng ký bảo hộ về sở hữu trí tuệ và tăng hợp đồng chuyển giao công nghệ; phát huy được trí tuệ của các thầy, cô giáo và Cục Sở hữu trí tuệ trong việc đóng góp các chính sách liên quan đến sở hữu trí tuệ.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2819

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)