Báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành nông nghiệp phát triển nông thôn giai đoạn 2013 - 2020 của UBND TP HCM cho thấy nhiều nhiệm vụ khoa học được thực hiện có tính ứng dụng cao.
Một trong số đó là nhiệm vụ nghiên cứu, tạo chế phẩm sinh học phòng bệnh thối rễ, lở cổ rễ do nấm gây ra trên rau; sản xuất thử nghiệm chế phẩm vi sinh vật cố định đạm và phân giải lân phục vụ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; tạo chế phẩm sinh học từ nấm xanh và nấm trắng phòng bệnh sâu ăn tạp và bọ nhảy trên rau.
Bằng việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhiều mô hình sản xuất rau an toàn hình thành ở TP HCM như hợp tác xã Phước An, Ba Dòng... Mô hình trồng rau sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón vi sinh, sinh học được nhân rộng. Cơ giới hóa trong sản xuất rau được ứng dụng ở mô hình trồng dưa lê, dưa lưới, cà chua ở Khu nông nghiệp công nghệ cao (huyện Củ Chi). Hai giống dưa lê Kim Anh và Alien trong nhà màng có năng suất cao 1,5 đến 2 lần so với dưa lê trồng ngoài đồng ruộng.
Mô hình nuôi tôm trong nhà màng, sử dụng bạt HDPE được ứng dụng tại huyện Cần Giờ năm 2019. Ảnh: Hà An.
Với ngành chăn nuôi, thành phố đã nghiên cứu chế phẩm có nguồn gốc thảo dược như xuyên tâm liên, chùm ngây, diệp hạ châu... tiến đến hạn chế, thay thế việc sử dụng kháng sinh. Chế phẩm được ứng dụng tại hợp tác xã chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (huyện Củ Chi), mang lại nhiều kết quả trong hình thành mô hình thịt heo sạch của thành phố.
Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/168-ty-dong-thuc-day-khoa-hoc-cong-nghe-nganh-nong-nghiep-4210654.html