Thứ sáu, 25/12/2020 09:17 GMT+7

Khoa học công nghệ đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế đất nước

Theo đánh giá của chuyên gia, thời gian qua, khoa học và công nghệ đang từng bước đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thu hút vốn FDI

Phát biểu tại Diễn đàn “Kết nối đổi mới sáng tạo 2020”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho hay, qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, quy mô nền kinh tế được nâng lên, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết thêm, trong sự phát triển chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được bắt đầu từ năm 1988, tính đến 8/2020, đã có 32,539 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 137 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp trực tiếp vào GDP và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, thực hiện chuyển giao công nghệ và nghiên cứu phát triển.

Để tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, việc thay đổi mô hình phát triển để nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế đặt ra ngày một mạnh mẽ hơn với các nền tảng đột phá về thể chế, kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ và nguồn lực con người. Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cũng được điều chỉnh phù hợp theo hướng có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá. Điều này đã được khẳng định tại Nghị Quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Với vai trò quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, Bộ KH&CN đã ban hành nhiều chính sách cụ thể, góp phần phát huy hiệu quả dòng vốn FDI thông qua tăng cường quản lý, định hướng, khuyến khích nhập khẩu và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, tiêu biểu là Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

"Các cơ quan của Bộ KH&CN, nhất là cơ quan liên quan đến phát triển công nghệ, ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ luôn sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp. Bộ KH&CN tiếp nhận và tôn trọng mọi ý tưởng sáng tạo, mong muốn rằng có thể hỗ trợ cho những ý tưởng, những sáng tạo có thể phát triển, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước", Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
 

Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định, Bộ KH&CN luôn sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp.
 

KH&CN đóng góp lớn vào quá trình công nghiệp hóa đất nước

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, những năm qua Việt Nam luôn quan tâm thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Nhờ đó, khoa học và công nghệ đang từng bước đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Cụ thể, giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp luôn tăng trưởng; bước đầu cung ứng nhiều sản phẩm phục vụ cho các ngành sản xuất; KH&CN ngày càng đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển công nghiệp hóa của đất nước; đầu tư vào sản xuất công nghiệp công nghệ tiên tiến tăng ở khu vực kinh tế có vốn nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân; chất lượng và số lượng lao động khoa học và công nghệ qua đào tạo cũng được nâng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, TS. Tô Hoài Nam đã nêu một số điểm hạn chế còn tồn tại như: tăng trưởng sản xuất, dịch vụ dựa vào khoa học và công nghệ vẫn còn thiếu tính bền vững; tốc độ đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp còn thấp, hầu hết các doanh nghiệp chưa chú trọng đến hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; nguồn lao động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cho các doanh ngiệp chất lượng còn thấp.

Cùng chia sẻ về vấn đề trên, TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhận định, khoa học và công nghệ đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Cùng với đó, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang có chuyển biến tích cực, nguồn nhân lực dồi dào và có tiềm năng lớn. Để nắm bắt được cơ hội này, ngành khoa học và công nghệ nước ta cần phải nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, sẵn sàng tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư với tâm thế chủ động và tích cực.

Theo đó, cần phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong đội ngũ các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân. Phát động phong trào nâng cao năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp… Thời gian tới, ngành khoa học và công nghệ cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép về phòng, chống dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế nhằm duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian có dịch và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh.

Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe-dong-gop-ngay-cang-lon-vao-su-phat-trien-kinh-te-dat-nuoc-d182034.html

Nguồn: vietq.vn

Lượt xem: 3347

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)