Thứ năm, 24/12/2020 16:34 GMT+7
Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen dược liệu Trọng lâu Việt Nam (Paris vietnamensis (Takht.) H. Li)
Cây Trọng lâu Việt Nam có tên khoa học là Paris vietnamensis (Takht) H. Li thuộc họ Trọng lâu - Melanthiaceae. Trên thế giới, các loài thuộc chi Paris (Melanthiaceae) thường phân bố ở Nepal, Ấn Độ, Trung Quốc, Bhutan, Lào, Myanma, Nepal, Sikkim, Thái Lan và Việt Nam.
Trọng lâu được xếp vào cấp R (race) - cấp hiếm trong Sách đỏ Việt Nam và đã được sử dụng trong Y học cổ truyền từ hàng trăm năm nay. Với thành phần hóa học chính là Saponin steroid và Polyphyllin, Trọng lâu Việt Nam (P. vietnamensis (Takht) H. Li) đã được chứng minh có các tác dụng: giảm đau chống viêm, cầm máu, kích thích miễn dịch, ức chế sự phát triển của khối u, chữa rắn độc cắn. Thân rễ của một số loài thuộc chi Trọng lâu (Chonglou) - Paris (Trilliaceae) được sử dụng làm thuốc trong y học cổ truyền của nhiều nước như: Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Việt Nam... Nhu cầu sử dụng thân rễ cây Trọng lâu Việt Nam làm thuốc ngày càng tăng cao, hiện nay với giá trị 3,5tr đồng/kg người dân khai thác nhiều đã làm cho số lượng giảm đi nhanh chóng, có nguy cơ biến mất. Vì vậy, nhu cầu cần khai thác và phát triển hiệu quả, bền vững loài cây này ở Việt Nam là cần thiết.
Ở trong nước, chưa có công trình nghiên cứu nào một cách có hệ thống từ khâu chọn cây giống gốc (cây mẹ), nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế và bảo quản dược liệu Trọng lâu Việt Nam, đặc biệt là chưa đánh giá toàn diện được các đặc điểm sinh học, giá trị dược liệu, giá trị nguồn gen, và đa dạng di truyền các xuất xứ dược liệu Trọng lâu Việt Nam, cũng như chưa có quy trình kỹ thuật để khai thác và phát triển nguồn gen cây Trọng lâu Việt Nam.
Vì vậy, với chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai “bảo tồn tại chỗ nguồn gen cây dược liệu đặc hữu, quý, hiếm và có giá trị cao tại một số vùng sinh thái đặc trưng” (Quyết định 1671/QĐ-TTg, ngày 28/09/2015) và xuất phát từ những vấn đề nêu trên Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng - Bộ khoa học và Công nghệ triển khai đề tài: “Khai thác và phát triển nguồn gen Trọng lâu Việt Nam (P. vietnamensis (Takht) H. Li) làm nguyên liệu sản xuất thuốc”. Đây là đề tài có ý nghĩa cả về khoa học và thực tiễn, góp phần khai thác và phát triển bền vững nguồn gen cây Trọng lâu Việt Nam; đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên cây thuốc Việt Nam./.