Thứ ba, 15/12/2020 17:03 GMT+7

Nghiên cứu phát triển dược liệu Cam thảo đất và Cam thảo dây tại Gia Viễn, Ninh Bình

Cam thảo đất có tên khoa học là Scoparia dulcis L., họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae). Cây thảo mọc thẳng đứng, cao 30-80cm, có thân nhẵn hoá gỗ ở gốc và rễ to hình trụ. Lá đơn mọc đối hay mọc vòng ba lá một, phiến lá hình mác hay hình trứng có ít răng cưa ở nửa trên, không lông.

Cam thảo dây Abrus precatoriu thuộc họ Cánh bướm (Fabaceae Papilionaceae) hay còn gọi tương tư, cườm thảo đỏ, chi chi, cườm cườm, cảm sảo, hương tư tử.  Cây sinh trưởng dạng thân leo với các lá hình lông chim dài bao gồm nhiều lá chét mọc so le. Loài cây này mọc hoang nhiều ở vùng rừng núi cũng như ven biển.

 

Cây Cam thảo dây

Cam thảo có vị ngọt tính bình, có tác dụng bổ tỳ vị, nhuận phế thanh nhiệt giải độc là loại thuốc thông dụng sử dụng trong đông y và tây y. Trong tây y bột cam thảo có tác dụng chữa bệnh viêm nhiễm và thải độc, điều chế thuốc chống co thắt cơ trơn của ống tiêu hóa, điều chế thuốc chữa dạ dày. Trong đông y cam thảo có tác dụng giải cảm, trị loét dạ dày, tăng cường sức khỏe cơ thể, làm đẹp da, trị mụn… Amellin trong cây Cam thảo đất là một chất chống bệnh đái đường, dùng uống làm giảm đường – huyết và các triệu chứng của bệnh đái đường và tăng hồng cầu, làm giảm mỡ trong mô mỡ và thúc đẩy quá trình hàn liền vết thương…

Ninh Bình và đặc biệt là Gia Viễn được thiên nhiên ưu đãi có điều kiện tự nhiên thuận lợi với đầy đủ 3 vùng sinh thái đặc trưng nên rất phù hợp để phát triển rất nhiều loại dược liệu như: Bồ công anh, Bạch, Đương Quy, Ngưu bàng, Sinh địa. Tuy nhiên, tỷ lệ trồng cây lược liệu vẫn còn khá khiêm tốn so với diện tích đất để trồng cây trồng của Ninh Bình (trên 110 nghìn ha) vì vậy việc bổ sung một số loài cây dược liệu như cây cam thảo là rất cần thiết.

Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng phối hợp với Công ty Cổ phần S-Garden triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình nhân giống, trồng, sơ chế cây Cam thảo đất (Scoparia dulcis L.) và Cam thảo dây (Abrus preatorius L.) theo hướng GACP-WHO phục vụ người tiêu dùng và khách du lịch tỉnh Ninh Bình, bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2020. Đến nay, Viện cùng đơn vị phối hợp đã xây dựng được vườn sản xuất cây giống với quy mô 500 m2 để thực hiện nhân giống và triển khai thực hiện mô hình cho năm 2021.
 

Vườn sản xuất cây giống Cam thảo dây, Cam thảo đất

Trong quá trình thực hiện, nhóm đề tài đã nghiên cứu hoàn thiện 01 quy trình nhân giống cây Cam thảo đất bằng hạt và 01 quy trình nhân giống cây Cam thảo dây bằng hom. Để nhân rộng và phát triển cây trồng dược liệu hai loại cây này ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành nghiên cứu và hoàn thiện các quy trình trồng cũng như sơ chế dược liệu cây Cam thảo đất và Cam thảo dây theo hướng GACP-WHO.

Tiếp tục đến năm 2021, nhóm đề tài sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trồng 2 loại cây này quy mô 0,5 ha mỗi loại để đánh giá được hiệu quả kinh tế cũng như khả năng áp dụng và nhân rộng mô hình cho huyện cũng như trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình./.

Nguồn: Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng

Lượt xem: 5548

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)