Thứ sáu, 11/12/2020 16:09 GMT+7

Thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ trong thủy lợi

Để giải quyết bài toán chung của ngành nông nghiệp trước diễn biến của thời tiết, thời gian tới cần có các giải pháp tổng thể đối với ngành thủy lợi trong phạm vi quốc gia, trong đó có giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới tiên tiến, hiện đại.

Đây là đồng quan điểm chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN)  Phạm Công Tạc và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp tại buổi làm việc về hiện trạng và hoạt động KH&CN ngành Thủy lợi giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng giai đoạn 2021 -2015, diễn ra ngày 10/12, tại trụ sở Bộ KH&CN.
 

Toàn cảnh buổi làm việc

 

Ưu tiên nghiên cứu KH&CN phát triển ngành Thủy lợi

Báo cáo kết quả hoạt động KH&CN ngành Thủy lợi giai đoạn 2015 – 2020 và kiến nghị nghiên cứu giai đoạn 2021 – 2025, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Đình Hậu cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT đã luôn chú trọng, giành sự ưu tiên đối với hoạt động khoa học công nghệ phục vụ phát triển ngành thủy lợi.

Kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã trực tiếp phục vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai và ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước... Thông qua hoạt động KH&CN đã hỗ trợ các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong nước làm chủ nhiều quy trình công nghệ tiên tiến, xây dựng được các cơ sở dữ liệu, chế tạo được một số thiết bị, chủng loại vật liệu mới từ nguồn nguyên liệu trong nước đáp ứng phục vụ cho ngành thủy lợi nói chung và đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập và hồ chứa nói riêng.

Hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ trong lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai đã được bố trí ở các Chương trình KH&CN cấp quốc gia khác nhau, gồm Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai”, (KC08.16/20); Nhiệm vụ Nghị định thư; Chương trình KH&CN Tây Nam bộ; Chương trình KH&CN về biến đổi khí hậu,…

Ngoài ra, để giải quyết kịp thời các nhiệm vụ có tính đột xuất, phạm vi liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác nhau cũng được bố trí kịp thời tại nhiệm vụ độc lập cấp quốc gia.

Theo ông Nguyễn Đình Hậu, có thể thấy kết quả hoạt động KH&CN đã đóng góp tích cực trong việc cảnh báo nguy cơ, ngăn ngừa, phòng tránh các tác động do thiên tai và áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm đảm bảo an ninh nước, khắc phục và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Nhiều công nghệ đang được chuyển giao vào sản xuất, tạo thế cạnh tranh trên thị trường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng, thúc đẩy tăng trưởng ngành, như: Dự báo được nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, môi trường cho 2 vùng đồng bằng Sông Hồng và Sông Cửu Long phục vụ chỉ đạo điều hành sản xuất ổn định; Ứng dụng thành công các công nghệ tiên tiến, mô hình thủy văn, thủy lực trong đánh giá, dự báo diễn biến nước thượng nguồn, phân bổ theo các vùng, lưu vực sông; Triển khai ứng dụng công nghệ viễn thám, WEBGIS và tự động hóa cho việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước (mùa khô) theo thời gian thực ứng phó với BĐKH (áp dụng cho tỉnh Hà Tĩnh), sử dụng ảnh MODIS và Sentinel 3 phục vụ đánh giá hạn cho Ninh Thuận, các giải pháp nâng cao khả năng lưu giữ và khai thác hiệu quả tài nguyên nước mặt phục vụ phát triển kinh tế bền vững khu vực Tây Nguyên; Ứng dụng công nghệ không gian, viễn thám, GIS và thông tin-viễn thông trong theo dõi quá trình sạt lở, bồi lắng của bờ sông, bờ biển và cảnh báo nguy cơ mất an toàn của đê; Công nghệ Jet-grouting đã được ứng dụng khá rộng rãi để xử lý nền móng và chống thấm công trình; công nghệ túi địa kỹ thuật, công nghệ Neoweb để xây dựng đường giao thông nông thôn;...

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại như: Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu còn hạn chế; Việc đề xuất, triển khai nhiệm vụ còn tản mạn, còn thiếu các nhiệm vụ có quy mô lớn, thiếu sự kiên kết giữa lĩnh vực thủy lợi và các ngành, lĩnh vực khác để giải quyết bài toán chung của ngành nông nghiệp trước diễn biến của thời tiết…

Rà soát tổng thể để sắp xếp phù hợp

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh, hiện nay, chúng ta đã xây dựng được hệ thống công trình thủy lợi tương đối hoàn chỉnh giữ vai trò quan trọng, không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, tăng diện tích gieo trồng, tăng thời vụ, cải tạo đất, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, đưa sản lượng nông nghiệp Việt Nam từ chỗ không đủ cung cấp nội địa đến trở thành một trong nước xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hàng đầu.

Từ chỗ chỉ có 13 hệ thống thủy nông trong thời kỳ Pháp thuộc, đến nay, cả nước đã có trên 900 hệ thống thủy lợi có quy mô diện tích phục vụ từ 200 ha trở lên, trong đó có 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn với diện tích phục vụ trên 2000 ha.

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho rằng, nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng KH&CN để giải quyết các vấn đề của ngành thủy lợi trong giai đoạn hiện nay và lâu dài là rất lớn, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và phải huy động sự tham gia, hợp tác của các tổ chức, cá nhân thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau.

Với mục tiêu chủ động nguồn nước trong mọi tình huống, đảm bảo số lượng, chất lượng nước để đáp ứng nhu cầu nước của quốc gia, chủ động ứng phó có hiệu quả với các loại hình thiên tai liên quan đến nước, thời gian tới cần chú trọng các nhiệm vụ: triển khai rà soát, lập quy hoạch thủy lợi phạm vi quốc gia, trong đó tập trung xây dựng tầm nhìn, kịch bản phát triển, giải pháp phát triển bền vững cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên; Tiếp tục đầu tư công trình lớn, đa mục tiêu, hoàn thiện các hệ thống thủy lợi, triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư vào nước sạch nông thôn…

Trao đổi tại buổi làm việc, các chuyên gia, các nhà khoa học cho rằng, an ninh nguồn nước không chỉ là vấn đề của một quốc gia mà hiện đã trở thành vấn đề toàn cầu, chúng ta cần nhìn lại những vấn đề tồn tại, thiếu sót để hoàn thiện, từ đó đưa ra bức tranh toàn cảnh nhằm giải bài toán phát triển thủy lợi một cách bền vững.
 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại buổi làm việc
 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, thời gian qua, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã ứng dụng vào thực tiễn đem lại giá trị hiệu quả rất lớn. Đặc biệt, trải qua giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid – 19, có thể khẳng định nông nghiệp không chỉ là trụ đỡ mà nông nghiệp còn góp phần quan trọng trong ổn định xã hội, giá trị xuất khẩu nông nghiệp năm 2020 là hơn 40 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Có được những kết quả đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp vai trò của KH&CN là vô cùng quan trọng.

Đặc biệt trong lĩnh vực thủy lợi phòng chống thiên tai có rất nhiều yếu tố KH&CN đã được áp dụng, đơn cử như đề tài Bộ KH&CN giao cho Viện khoa học thủy lợi về dự báo nguồn nước ở đồng bằng sông Cửu Long trong Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai”, (KC08.16/20), đã đóng góp tích cực trong việc cảnh báo nguy cơ, ngăn ngừa, phòng tránh các tác động do thiên tai. Nhờ có dự báo trước 6 tháng của đề tài nghiên cứu như vậy mà Bộ NN&PTNT đã có những chỉ đạo kịp thời, hiệu quả trong sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Nói về định hướng trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, đối với những vấn đề nghiên cứu của thủy lợi cần có cả chiến thuật và chiến lược, có quá nhiều vấn đề lớn về KH&CN liên quan đến thủy lợi nên Bộ NN&PTNT sẽ có rà soát, tính toán tổng thể, tái cơ cấu lại và có đề xuất cụ thể với Bộ KH&CN.
 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu tại buổi làm việc
 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc khẳng định, Bộ KH&CN sẽ luôn đồng hành và ưu tiên tối đa cho nông nghiệp nói chung và thủy lợi nói riêng. Trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học, các đại biểu, Bộ NN&PTNT cần đánh giá, thống kê cơ sở dữ liệu để nhìn lại những vấn đề đã làm, kết quả đạt được và những vấn đề cần tiếp tục thực hiện. Thứ trưởng Phạm Công Tạc đề nghị hai Bộ cần phối hợp, đặt ra những vấn đề lớn về KHCN của ngành cần giải quyết trong giai đoạn tới, chỉ rõ Bộ NN&PTNT làm cụ thể những vấn đề gì, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, bộ ngành nào, Bộ KH&CN làm gì theo chức năng được giao, sau đó sẽ có tổng hợp báo cáo Chính phủ cho giai đoạn tiếp theo./.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN; Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật

Lượt xem: 3905

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)