Gạo Ba Chăm Mang Yang là sản phẩm gạo đặc sản gắn liền với nhiều thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số BahNar của huyện Mang Yang tỉnh Gia Lai.
“Ba” theo tiếng Bahnar có nghĩa là “lúa”, còn Chăm là người dân tộc Chăm, giống lúa Chăm. Những già làng trong xã Đăk Trôi huyện Mang Yang đều không thể xác định được nguồn gốc giống lúa Ba Chăm có từ khi nào, chỉ biết rằng người dân nơi đây đã ăn gạo Ba Chăm từ rất lâu rồi và cho đến bây giờ cũng vẫn chỉ ăn một loại gạo này.
Cũng có một lưu truyền khác về giống lúa này là vào khoảng những năm 1960, những người Chăm vùng Bình Định, Phú Yên khi tham gia hoạt động cách mạng thời chống Pháp đã đem loại giống lúa này lên huyện Mang Yang để gieo trồng, và gìn giữ cho đến ngày nay.
Hạt gạo Ba Chăm Mang Yang thuôn, bụng hạt gạo hơi tròn, màu trắng đục và có mùi thơm đặc trưng.
Hạt gạo Ba Chăm Mang Yang
Khu vực trồng lúa Chăm tại huyện Mang Yang là vùng cánh đồng trũng phân bố ở độ cao từ 700m - 1.000m so với mực nước biển, biên độ nhiệt độ ngày đêm vào các tháng cây lúa trỗ bông và vào hạt (tháng 9 - tháng 10) là từ 9 - 10 độ C, độ ẩm không khí trên 80% trong suốt mùa vụ canh tác (tháng 4 đến tháng 11). Đặc thù địa hình và khí hậu này cùng với mùa vụ canh tác dài (giống lúa Chăm là giống lúa cạn dài ngày) đã tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa trồng tại huyện Mang Yang có thời gian tích lũy chất dinh dưỡng, hạt gạo có màu trắng đục và có mùi thơm đặc trưng.
Cùng là giống lúa cạn dài ngày, nhưng khác với giống lúa cạn dài ngày như giống lúa A ri ở huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế có truyền thống canh tác trên vùng đất cạn, cây lúa Chăm tại huyện Mang Yang tỉnh Gia Lai được canh tác trên cánh đồng trũng có mạch nước nổi.
Mạch nước nổi trong cánh đồng canh tác được hình thành từ lưu vực của sông A Yun, suối Đăk Trôi, nhờ đó, khu vực địa lý có nguồn nước ngầm phong phú. Nguồn nước ngầm phong phú, trong khi mùa vụ canh tác lại trùng với mùa mưa, do vậy, thổ nhưỡng trong khu vực địa lý vào mùa vụ canh tác có độ ẩm lớn (độ ẩm từ 60 - 70%). Đặc thù về điều kiện khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng này đã làm cho:
1. Phương pháp canh tác truyền thống tại huyện Mang Yang khác với phương pháp canh tác lúa thông thường:
- Tại huyện Mang Yang: Gieo trồng theo phương pháp chọc trỉa. Cụ thể là ngay sau lần bừa đất cuối cùng kết thúc, khoảng ngày 15/4 hàng năm (khi mùa mưa bắt đầu được khoảng 14 ngày), người dân dùng cọc tre/gỗ có đầu nhọn để chọc lỗ hoặc dùng cuốc để cuốc hố. Chọc lỗ hoặc cuốc hố đến đâu sẽ thả hạt giống khô (không qua ngâm ủ) xuống đó, lấp một lớp đất mỏng lên miệng lỗ (hố). Độ ẩm trong đất cao sẽ giúp hạt giống khô nảy mầm, sinh trưởng phát triển ngay tại đó cho đến khi thu hoạch (cũng là khi kết thúc mùa mưa). Phương pháp canh tác đặc thù này được người dân tại khu vực địa lý gọi là phương pháp chọc trỉa.
- Tại các địa phương khác: Gieo trồng theo phương pháp gieo sạ, cấy. Cụ thể là hạt giống phải ngâm ủ trước khi canh tác, sau ngâm ủ hạt giống được đem đi gieo mạ. Khi mạ đủ điều kiện, người dân sẽ tiến hành nhổ mạ và đem mạ đi trồng tại ruộng lúa.
2. Hạt gạo Ba Chăm trồng tại huyện Mang Yang có độ ẩm lý tưởng (độ ẩm của gạo từ 14,08% - 15,44%), dẫn đến khi nấu nướng hạt gạo dễ hóa hồ hoặc trở hồ (nhiệt độ hóa hồ thấp), độ phân hủy kiềm từ 6 - 7, hạt gạo sẽ nhanh chín, rút ngắn thời gian nấu nướng.
Lúa Chăm mặc dù là giống lúa tẻ, nhưng có nét tương đồng với các giống lúa có nguồn gốc từ giống Japonica. Đặc thù về giống này cộng với đặc thù về điều kiện địa lý nêu trên đã làm cho hạt cơm từ gạo Ba Chăm tại huyện Mang Yang mềm và dẻo (độ bền gel của gạo từ 46mm - 139mm, hàm lượng Amylose của gạo từ 13,62% - 19,98%), cơm có mùi giống gạo nếp nhưng nhẹ hơn, vì vậy, dù có rất nhiều loại gạo trên thị trường nhưng nhiều thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số BahNar của huyện Mang Yang tỉnh Gia Lai vẫn luôn gắn bó với gạo Ba Chăm. Thời gian thu hoạch là tháng 11 khi ít nhất 85% số hạt trên bông lúa có màu vàng.
Ảnh: Internet
Khu vực địa lý bao gồm: Xã Đăk Trôi, xã Đê Ar, xã Kon Chiêng, xã Kon Thụp, xã Lơ Pang huyện Mang Yang tỉnh Gia Lai./.