Tại Ngày hội Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam (AI4VN) 2020 vừa tổ chức tại TP HCM, các chuyên gia, nhà quản lý, đào tạo... đã đưa ra nhiều kiến nghị để xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như có được nguồn nhân lực chất lượng cao. Một trong số kiến nghị đó là cần có những Trung tâm AI tầm quốc gia và những mô hình "học đi đôi với hành" để Việt Nam sớm có đội ngũ làm AI giỏi.
TS Nguyễn Xuân Phong, Nhà nghiên cứu AI, Viện Nghiên cứu AI Mila (Canada) dẫn ví dụ về mô hình Mila đang vận hành - đơn vị đang hợp tác cùng FPT - để chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng hệ sinh thái và đào tạo tài năng AI, để minh họa về việc hình thành các trung tâm mang tầm quốc gia sẽ là "điểm tựa" ban đầu vững, các trung tâm vệ tinh từ đó cùng phát triển.
Ông Phong cho biết, Mila là mô hình đào tạo, gắn kết nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp. Viện được Chính phủ hỗ trợ về thuế, đất, các cơ chế thử nghiệm xe tự lái, chương trình AI và được hỗ trợ nền tảng tính toán... Viện này hiện có khoảng 20 công ty là các đối tác, trong đó có các tên tuổi lớn như Microsoft, Google, WeBank... Sau một thời gian hình thành, Mila không chỉ dừng lại ở trong các phòng nghiên cứu mà tại đây thu hút một lượng lớn kỹ sư giỏi từ các nơi về phát triển các công nghệ, ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau.
Theo TS Phong, nếu Việt Nam có những trung tâm tương tự như vậy sẽ góp phần tích cực vào việc đào tạo nâng cao, phát triển nguồn nhân lực AI.
GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia KC 4.0 đồng tình và cho biết, Chiến lược quốc gia về phát triển AI đã tính đến việc hình thành các Trung tâm AI. Theo đó, Việt Nam sẽ có 3 trung tâm quốc gia về trí tuệ nhân tạo (tại TPHCM, Hà Nội và miền Trung).
GS Thủy cho rằng, các Trung tâm này không nhất thiết là của công hay tư. Ông cũng đề xuất: "Bộ Khoa học và Công nghệ cân nhắc xây dựng trung tâm AI tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, trong đó kết hợp giữa AI và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Ở đó có thể kết nối cả những người nghiên cứu và doanh nghiệp khởi nghiệp (startup). Ở miền Trung đã có FPT Quy Nhơn, cũng có thể xem là trung tâm của Quốc gia theo mô hình đầu tư công - tư. Tại TP HCM với quyết tâm của lãnh đạo thành phố có thể thành lập một Trung tâm AI gắn kết với Khu CNC TP HCM", GS Thủy nói và cho biết Việt Nam đã bắt đầu hình thành những trung tâm tương tự như Mila.
GS Thủy cũng nhấn mạnh quan điểm, trong một hệ sinh thái, các trung tâm do các doanh nghiệp thành lập phát triển và làm chủ các sản phẩm công nghệ cũng có vai trò quan trọng. Bởi một người làm AI giỏi không chỉ là người sáng tạo ra mô hình lý thuyết mà còn tạo ra sản phẩm có ích cho xã hội.
"Cần có cơ chế phát hiện những người có năng lực tốt. Cách làm thế nào phụ thuộc vào sáng tạo của từng doanh nghiệp, trường đại học... mỗi nơi theo cách khác nhau để thu hút người tài. Nhóm nhân lực này được ví như V0 (vận tốc ban đầu). Tiếp đến nếu muốn chuyển động nhanh dần đều phải tạo được gia tốc. Gia tốc này phụ thuộc vào mô hình 3 cấp (đi đầu là các thầy, chuyên gia, đi giữa là người triển khai và người đi tiếp theo là thực thi (có thể là sinh viên, kỹ sư mới ra trường...), GS Thủy nói.
Ông cho rằng, kiến trúc ba tầng trong phát triển nhân lực nếu làm tốt sẽ tạo được nền tảng vững chắc và Việt Nam sẽ sớm đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao về AI.
Chương trình AI4VN 2020 là sự kiện thường niên do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TPHCM, Báo điện tử VnExpress tổ chức nhằm thúc đẩy hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/nhan-to-moi-de-tang-toc-phat-trien-ai-4202598.html