Là diễn giả có bài thuyết trình tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) 2020, nhìn ở góc độ đào tạo PGS. TS Quản Thành Thơ, Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng xây dựng hệ sinh thái AI phải kết hợp từ nhiều nguồn, nhiều góc độ khác nhau. Trong đó lộ trình phát triển để có chuẩn kỹ sư AI phải từ giáo dục phổ thông, đại học và doanh nghiệp mới hy vọng có được đội ngũ nhân lực đáp ứng được bức tranh lớn về AI.
Theo ông, một kỹ sư giỏi AI cần 10 năm đào tạo, trong đó 3 năm học ở phổ thông, làm quen kiến thức; 4 năm đại học; 3 năm trải nghiệm thực tế khi đó mới thực sự có khái niệm kỹ sư AI. TP HCM đang thực hiện theo lộ trình này, đào tạo cho học sinh làm quen với AI ngay ở bậc phổ thông.
PGS Thơ cho rằng, với chuẩn đầu ra ở bậc đại học là kiến thức, nhận thức và hành vi. Mục tiêu đào tạo là sinh viên tốt nghiệp có thể làm được điều đó từ 3-5 năm sau khi ra trường. Do đó, nhiệm vụ của đại học là đào tạo sinh viên đáp ứng chuẩn đầu ra, còn doanh nghiệp sẽ giúp họ đạt được mục tiêu đào tạo 3-5 năm. Nói cách khác, doanh nghiệp cũng là nhân tố quan trọng trong quá trình đào tạo nhân lực AI. "Sự gắn kết giữa trường đại học và doanh nghiệp sẽ gắn chặt sau 3-5 năm này. Không phải sinh viên ra trường là nhiệm vụ của đại học đã hết", ông Thơ nhận định.
Hiện có hai loại hình đào tạo AI. Một là đào tạo lực lượng lao động chuyên nghiệp AI, chủ yếu là đào tạo chính quy trong các trường đại học. Hai là các khoá học ngắn cho những người đã đi làm, có xu hướng chuyển sang ngành AI, do nhiều viện, trung tâm đào tạo. Về lâu dài, muốn có một nguồn nhân sự vững mạnh ở ngành này, việc đào tạo ở các đại học, sau đại học là quan trọng.
Tuy nhiên có một thực tế, ở không ít trường chưa có chương trình đào tạo thạc sĩ hoặc tiến sĩ ngành AI, Khoa học dữ liệu hoặc các ngành gần. Vì vậy ông Thơ đề xuất đào tạo kết hợp chuyên ngành hoặc liên ngành, cho phép cá thể hoá định hướng học tập dưới sự tư vấn, hướng dẫn của các chuyên gia. Việc bồi dưỡng và đào tạo nên khuyến khích, phát huy người học trên cả 3 lĩnh vực: nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo mỗi định hướng, cần có các môn học và hoạt động chuyên môn phù hợp để hỗ trợ năng lực tư duy, kỹ năng chuyên môn và kỹ năng xã hội cần thiết cho người học.
"Giảng viên cần được đầu tư cơ chế giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Tất cả các yếu tố này hiện có nhiều khó khăn", ông Thơ nhận định.
Dẫn lời các chuyên gia đầu ngành về AI nhận định về học thuật AI Việt Nam có thể bắt kịp với nước ngoài, song PGS Thơ đề nghị Nhà nước hình thành các quỹ hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và xây dựng dữ liệu AI. "Các quỹ này cũng có thể dùng nguồn tiền tạo học bổng thu hút các nghiên cứu sinh, tổ chức các cuộc thi AI, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, tập hợp lại cùng xây dựng và khai thác, phát triển sẽ rất tốt", ông nói.
Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/pgs-quan-thanh-tho-lap-quy-nghien-cuu-ho-tro-nghien-cuu-dao-tao-nhan-luc-ai-4201889.html