Thứ sáu, 04/12/2020 18:30 GMT+7

Cuộc họp trực tuyến các điều phối viên quốc gia về hợp tác với IAEA năm 2020

Ngày 02/12/2020, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã chủ trì tổ chức Cuộc họp trực tuyến dành cho các điều phối viên quốc gia với IAEA (NLO), trợ lý điều phối viên (NLA) và các thành viên của Dự án hợp tác vùng (RCA-NR) và Hiệp định hợp tác về nghiên cứu, phát triển và đào tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân cho các nước Ả Rập (ARASIA) với chủ đề “Hướng tới thành công và xây dựng tương lai cho chương trình hợp tác kỹ thuật ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Tham dự Cuộc họp trực tuyến, về phía IAEA có sự tham gia của Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi, Phó Tổng Giám đốc IAEA phụ trách về hợp tác kỹ thuật Dazhu Yang, bà Jane Gerardo Abaya, Giám đốc Vụ châu Á - Thái Bình Dương (TCAP); ông Gashaw Gebeyehu Wolde, Trưởng Bộ phận phụ trách TCAP1 cùng các chuyên gia quản lý dự án hợp tác kỹ thuật thuộc Vụ châu Á - Thái Bình Dương (TCAP) và Ban Hợp tác kỹ thuật . Chủ tịch cuộc họp năm nay là Điều phối viên quốc gia của Pakistan. Cuộc họp có sự tham dự của hơn 120 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên của IAEA.

Chủ trì tham dự Hội thảo trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội có bà Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử - Điều phối viên quốc gia về hợp tác với IAEA tại Việt Nam; ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam - Điều phối viên quốc gia của Hiệp định hợp tác vùng (RCA) và một số đại diện của Cục NLNT, Viện NLNTVN.

Phát biểu khai mạc Cuộc họp, bà Jane Gerardo Abaya, Giám đốc TCAP đã tóm tắt một số hoạt động Vụ Châu Á -Thái Bình Dương đã triển khai từ sau cuộc họp năm 2019. Bà cho biết trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các hoạt động hợp tác kỹ thuật, đặc biệt là các hoạt động đào tạo, trao đổi chuyên gia, cung cấp thiết bị và tổ chức các khóa thực tập. Tuy nhiên, IAEA đã tích cực, chủ động trước diễn biến của dịch Covid-19 và đã tổ chức thành công nhiều hoạt động thông qua hình thức trực tuyến với nỗ lực duy trì hợp tác, kết nối cùng các nước thành viên. Bà cũng đưa ra một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh sự tham gia và hỗ trợ tích cực của các nước thành viên là điều kiện quan trọng để IAEA có thể triển khai các hoạt động hợp tác. Bà Jane Abaya cũng đã đưa ra 04 sáng kiến gần đây của IAEA để các quốc gia nghiên cứu tham gia, bao gồm: Chương trình học bổng Mari Sklodowska-Curie, dự án Hành động Tích hợp chống dịch bệnh lây truyền qua động vật (ZODIAC), dự án Công nghệ hạt nhân để kiểm soát rác thải nhựa (NUTEC), Sáng kiến đối tác toàn cầu về chống ung thư cho phụ nữ ở các nước đang phát triển.
 

Hình ảnh một số đại biểu tham dự cuộc họp trực tuyến.
 

Phát biểu tại Cuộc họp, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi biểu dương nỗ lực của các nước thành viên và IAEA đã vượt qua những khó khăn thách thức của đại dịch Covid-19 để triển khai các hoạt động hợp tác kỹ thuật và thu được những thành tựu đáng ghi nhận. Ông cũng nhấn mạnh IAEA sẽ huy động tất cả các nguồn lực và sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia khi được yêu cầu. Đồng thời, ông kêu gọi các nước thành viên tích cực phối hợp với IAEA để đạt được các mục tiêu phát triển.

Tiếp sau bài phát biểu của Tổng Giám đốc IAEA, Điều phối viên về hợp tác với IAEA của một số quốc gia (Campuchia, Iran, Philippines, Kuwait, Fiji, Việt Nam, Bangladesh và Mông Cổ) đã có bài phát biểu về hoạt động hợp tác với IAEA trong thời gian qua. Các quốc gia đều khẳng định tầm quan trọng của các dự án hợp tác kỹ thuật IAEA trong việc hỗ trợ các quốc gia phát triển kinh tế-xã hội và ứng phó với đại dịch Covid-19; cảm ơn IAEA đã giúp đỡ các nước sử dụng kỹ thuật RT-PCR (Phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược thời gian thực) trong cuộc chiến chống đại dịch, góp phần vào nỗ lực toàn cầu nhằm quản lý và giảm sự lây lan của bệnh. Các đại biểu cũng hoan nghênh các sáng kiến của IAEA như dự án Hành động Tích hợp chống dịch bệnh lây truyền qua động vật (ZODIAC) và dự án Công nghệ hạt nhân để kiểm soát rác thải nhựa (NUTEC) góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, vì sự phát triển bền vững, đặc biệt là giải quyết các vấn đề nan giải và toàn cầu.

Phát biểu đại diện cho Việt Nam, bà Trần Bích Ngọc đánh giá cao những nỗ lực của IAEA nói chung và của Ban hợp tác kỹ thuật nói riêng để bảo đảm sử dụng năng lượng nguyên tử vì hòa bình, bảo đảm an toàn an ninh trên toàn thế giới. Bà khẳng định trong khuôn khổ Chương trình quốc gia (CPF) giai đoạn 2016-2021, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực và kịp thời của IAEA thông qua các dự án kỹ thuật trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân quốc gia, bảo đảm an toàn và an ninh, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Cục NLNT đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, Việt Nam và IAEA sẽ xây dựng Khung chương trình quốc gia giai đoạn 2021-2026, dự kiến ký kết cuối năm 2021.Với kinh nghiệm hỗ trợ các quốc gia trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tích cực hợp tác với IAEA và nước bạn Lào, Campuchia để xây dựng chương trình hợp tác ba bên nhằm thúc đẩy hợp tác kỹ thuật giữa các quốc gia đang phát triển và tăng cường hợp tác Nam - Nam. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các bên đang tích cực phối hợp xây dựng các chương trình đào tạo và hoạt động trao đổi kinh nghiệm thông qua hình thức trực tuyến. Bà Trần Bích Ngọc cũng đề cập đến những đóng góp quan trọng của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt để đáp ứng nhu cầu dược chất phóng xạ trong nước, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, lò Đà Lạt đã phải nâng công suất lên gấp ba lần so với năm 2017. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân, dự kiến hợp đồng nghiên cứu khả thi sẽ được ký kết vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021. Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của IAEA để phát triển cơ sở hạ tầng cho lò phản ứng nghiên cứu mới trong tương lai.

Cuộc họp đã bầu Chủ tịch mới cho giai đoạn tiếp theo là Điều phối viên của Trung Quốc, đồng Chủ tịch là điều phối viên của Kuwait và thống nhất tổ chức Cuộc họp trực tiếp năm 2021 tại Bắc Kinh.

Kết thúc Cuộc họp, thay mặt IAEA, Phó Tổng Giám đốc phụ trách hợp tác kỹ thuật Dazhu Yang khẳng định vai trò quan trọng của các dự án hợp tác kỹ thuật, dự án hợp tác vùng trong thời gian qua. Ông đánh giá cao vai trò lãnh đạo của IAEA và tinh thần chủ động, tích cực của các nước thành viên để triển khai hiệu quả các dự án hợp tác. Ông đề nghị các quốc gia phối hợp với IAEA nghiên cứu, rút ra bài học kinh nghiệm cho giai đoạn mới. Ông cũng nhấn mạnh bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19, IAEA đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia sử dụng năng lượng nguyên tử vì hòa bình, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn, an ninh.

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 1543

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)