Kết quả đạt được rất ấn tượng. Ngoài hơn 6500 lượt người tham dự trực tiếp tại hơn 40 hội thảo, hội nghị, tọa đàm, thì đã có trên 35.000 lượt tham dự trực tuyến, trong đó, trung bình mỗi hội thảo chuyên đề có sự tham gia của trên 10 chuyên gia có uy tín trong các lĩnh vực công nghệ, đặc biệt có nhiều chuyên gia quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài. Các chương trình kết nối trực tuyến với Thung lũng Silicon, Singapore, Hàn Quốc, ... được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Điểm mới của Techfest năm nay có thể điểm lại như sau:
Thứ nhất, sự tham gia tích cực của các tập đoàn lớn, các quỹ đầu tư, cả trực tiếp và trực tuyến, phát huy vai trò và nguồn lực từ các tập đoàn cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.
Bên cạnh đó là sự tham gia trực tiếp tại sự kiện của hơn 150 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Với chuỗi các hoạt động kết nối đầu tư được chuẩn bị công phu, chu đáo, kết quả quan tâm đầu tư đạt hơn 14 triệu đô-la Mỹ, vượt trên các năm trước, chưa kể đến kết quả của các hoạt động kết nối đầu tư riêng tại các vườn ươm của khu vực tư nhân, các làng công nghệ cùng hợp tác tổ chức trong khuôn khổ Techfest.
Thứ hai, trong bối cảnh “bình thường mới”, trong khó khăn, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh, các dự án tham gia tăng cao cả về quy mô lẫn chất lượng. Nhiều dự án trực tiếp giải quyết những nhu cầu bức thiết trong tình hình mới như: công cụ dạy học/phòng học trực tuyến, khám bệnh trực tuyến, v..v., ứng dụng những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo tăng cường, ...
Thứ ba, về công tác tổ chức, tiếp tục thu hút được khu vực tư nhân và các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp cùng tham gia tổ chức. Hơn 100 đối tác cùng chung sức triển khai chuỗi các hoạt động, huy động được tối đa sức mạnh và nguồn lực từ các khu vực trong xã hội, điển hình là hội nghị phát triển thị trường KH&CN, Doanh nghiệp KH&CN, chuỗi sự kiện của Thành Đoàn HN, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, VCCI, Báo Công thương, Báo Diễn đàn doanh nghiệp, ... Mô hình kết hợp giữa Bộ KH&CN và các trường đại học đã phát huy được thế mạnh, sức mạnh trong khối cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế thành phố HCM thể hiện được năng lực triển khai chiến lược xây dựng hệ sinh thái cho khởi nghiệp ĐMST tại các trường đại học và tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng trong phạm vi cả nước. Bên cạnh đó là các tổ chức quốc tế như UNDP, các Đại sứ quán, tập đoàn công nghệ nước ngoài như Qualcomm, Shinhan Bank, ... cũng tích cực tham gia với hoạt động chuyên nghiệp hơn và quy mô lớn hơn các năm trước. Mô hình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại các tập đoàn nước ngoài là những bài học kinh nghiệm có giá trị trong định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia trong giai đoạn mới. Mạng lưới đại diện KH&CN tại nước ngoài cũng hết sức tích cực tham gia kết nối, giới thiệu nhiều chuyên gia tốt tham gia các sự kiện của Techfest.
Kết quả là,
Sức sáng tạo của trí tuệ Việt, con người Việt được cộng đồng đánh giá cao, đặc biệt là đối với cộng đồng khu vực ASEAN và quốc tế. Với định hướng chủ đạo: thu hút nguồn lực con người, trí tuệ, công nghệ, nguồn vốn để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia, các hoạt động của Techfest đã được thiết kế nhằm thể hiện rõ nét các định hướng này theo mô hình liên kết Nhà nước – Doanh nghiệp - Viện trường với những mô hình và giải pháp mới.
Sự lan tỏa mạnh mẽ của chuỗi sự kiện Techfest trong giới truyền thông quốc tế, trong nước đã tạo hiệu ứng tích cực đối với vai trò của Việt Nam trong khu vực ASEAN, với hơn 700 tin, bài đã được đưa tại 25 quốc gia, vùng lãnh thổ trong tuần lễ diễn ra sự kiện tại Hà Nội. Hầu hết các bài viết đều đánh giá cao tác động, hiệu quả, cách thức Việt Nam tổ chức, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia. Vừa kiểm soát hiệu quả được bệnh dịch, vừa biến thách thức thành cơ hội lớn cho khởi nghiệp ĐMST và thu hút, liên kết các nguồn lực trong nước, quốc tế. Một số tấm gương khởi nghiệp trẻ thậm chí ở bậc học phổ thông được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao, ví dụ như mũ cách ly di động do một nhóm học sinh tại Hà Nội phát triển đã đạt giải cao trong cuộc thi sáng kiến quốc tế. Đặc biệt, nhóm đã tình nguyện đóng góp sản phẩm sáng tạo của mình để cộng đồng quốc tế khai thác miễn phí, qua đó lan tỏa tinh thần cống hiến cộng đồng và ý thức, trách nhiệm quốc tế tới giới trẻ toàn cầu.
Phản hồi từ cộng đồng, từ các thành phần xây dựng hệ sinh thái đều rất tích cực, tự hào về một Việt Nam quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái mở và hội nhập cao. Ngay sau Techfest, nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới, Singapore, Hàn Quốc, US-ASEAN, UNDP đã có ngay những đề xuất gặp gỡ để xúc tiến cơ hội hợp tác tiếp theo. Đặc biệt, sự tham gia và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đối thoại của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tại các diễn đàn, hội nghị đã truyền tải thông điệp quyết tâm của hệ thống chính trị trong việc tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.