Thứ sáu, 20/11/2020 15:47 GMT+7

Kết nối chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt

Công nghệ lưu trữ pin, tái chế vật liệu, tế bào gốc... của Australia được giới thiệu tới các doanh nghiệp Việt Nam sáng 17/11.

Các công nghệ được giới thiệu tại sự kiện chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư và kết nối thị trường quốc tế do Dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu (VCIC) (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức.

Từ phía đầu cầu Australia, GS. Veena Sahajwalla, Đại học New South Wales đã giới thiệu về công nghệ tái chế và gia tăng giá trị cho các vật liệu có thể tái chế mà các đơn vị sở hữu sẵn sàng chuyển giao cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trong số này có các công nghệ trong lĩnh vực sản xuất xanh với ngành công nghiệp, sử dụng chất thải và các sản phẩm cũ làm nguyên liệu thô. Các công nghệ có thể sản xuất hợp kim đen từ chất thải ô tô và hợp kim đồng gốc từ chất thải điện tử, tái chế thủy tinh, nhựa, gỗ, chất thải biển và hàng dệt bị ô nhiễm lẫn lộn để sản xuất vật liệu xây dựng hiệu suất cao...
 

Các nhóm kết nối với chuyên gia để thảo luận về về công nghệ quan tâm. Ảnh: TT
 

Ở lĩnh vực công nghệ sinh học, các chuyên gia giới thiệu công nghệ về liệu pháp tế bào gốc IV - sử dụng tế bào gốc chiết xuất từ mỡ kích thích cơ chế tái tạo tế bào tự nhiên của cơ thể để đẩy nhanh và tăng cường chữa bệnh toàn thân, chống lão hóa. Công nghệ huyết tương giàu tiểu cầu để giảm đau và hồi phục chức năng do chấn thương cơ xương và thoái hóa khớp...

Lĩnh vực công nghệ xanh, các công nghệ tiên tiến trong năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, lưu trữ pin... cũng được đại diện Formosa Energy Australia giới thiệu.

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Giám đốc Ban quản lý VCIC cho biết, hoạt động kết nối chuyển giao công nghệ sẽ được tổ chức thường xuyên nhằm khai thác, tìm kiếm, chuyển giao nhanh các tiến bộ kỹ thuật quốc tế vào Việt Nam.

Tiêu chí của việc chọn lựa các công nghệ bao gồm các lĩnh vực ưu tiên, tạo ra điều kiện phát triển lâu dài, gắn với dân sinh. Mục tiêu khai thác các nguồn trí thức nước ngoài, gồm cả công nghệ và chuyên gia để thay đổi nhanh trình độ sản xuất công nghệ trong nước. Các công nghệ được ưu tiên gồm của Australia, Hàn Quốc, Hà Lan...
 

Ông Phạm Đức Nghiệm phát biểu tại diễn đàn kết nối. Ảnh: TT.
 

VCIC được Bộ Khoa học và Công nghệ và WB giao nhiệm vụ thiết kế kênh chuyển giao, tiếp nhận công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam bao gồm thẩm định, định giá công nghệ, giúp các doanh nghiệp Việt tiếp cận thông tin, xây dựng các phương án đàm phán với đối tác nước ngoài để đạt các thỏa thuận hợp tác.

"VCIC Connect thông qua các đối tác nước ngoài lựa chọn, đánh giá những công nghệ khả thi về mặt kỹ thuật và tài chính, sẵn sàng thương mại. Đây cũng là những nhóm sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam", ông Nghiệm nói và cho biết các công nghệ của Việt Nam có tiềm năng cũng được giới thiệu ra thị trường quốc tế. Hiện đã có 2 công nghệ của Việt Nam gồm máy gieo hạt và công nghệ sản xuất hỗn hợp fullerene tận thu được các loại phụ phẩm nông nghiệp sẵn có với hàm lượng carbon cao như vỏ trấu, sọ dừa... đã chuyển giao thành công sang Israel.

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/ket-noi-chuyen-giao-cong-nghe-cho-doanh-nghiep-viet-4192819.html

Nguồn: vnexpress.net

Lượt xem: 2231

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)