“Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa” (Viettel TeleHealth) do Viettel xây dựng đã kết nối các bệnh viện tuyến trung ương và tỉnh với bệnh viện tuyến dưới. Trong ảnh: Các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội điều hành mổ tim qua hệ thống Viettel TeleHealth với Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ ngày 6-8-2020.
Ra mắt 33 nền tảng số dùng chung
Ngoài ứng dụng khai báo y tế NCOVI (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT phát triển) và Vietnam Health Declaration (Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội - Viettel phát triển) ra mắt đầu tháng 3-2020, không thể không nhắc tới ứng dụng truy vết Bluezone (Công ty cổ phần Bkav phát triển) bảo vệ cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19 (ra mắt tháng 4-2020). Bluezone hiện có hơn 23 triệu lượt cài đặt, sử dụng. Và từ dữ liệu của cộng đồng người dùng, cơ quan y tế đã phát hiện 1.920 trường hợp tiếp xúc gần với các ca nghi mắc hoặc mắc Covid-19…
Để giúp nhà trường và học sinh duy trì việc dạy, học tập trong thời gian giãn cách xã hội, cuối tháng 3-2020, Bộ Thông tin và Truyền thông ra mắt 2 nền tảng quản lý dạy và học trực tuyến của Viettel và VNPT. Theo đó, các cơ sở đào tạo có thể triển khai dạy, học, thi, đánh giá kết quả trực tuyến; học sinh có thể học tập mọi lúc, mọi nơi. Tính đến đầu tháng 11-2020, nền tảng giáo dục trực tuyến VNPT E-Learning đã được 21.165 trường, 179.000 giáo viên, 1,2 triệu học sinh và 881.390 khóa học trên toàn quốc sử dụng.
Nói về các ứng dụng trực tuyến phục vụ người dân không thể không nhắc đến “Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa” do Viettel xây dựng (Viettel TeleHealth), gồm 6 lĩnh vực theo quy định của Bộ Y tế. Đến nay đã có 1.000 cơ sở y tế áp dụng khám, chữa bệnh từ xa. 27 bệnh viện tuyến trung ương và tỉnh kết nối với các bệnh viện tuyến dưới bao gồm cả vùng núi và hải đảo qua Viettel TeleHealth.
Trên đây là những ví dụ về hiệu quả mà các ứng dụng, nền tảng số đem lại cho xã hội và người dân. Theo Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ đầu năm 2020 đến nay đã có 33 nền tảng số phục vụ cộng đồng, người dân, doanh nghiệp được đưa vào sử dụng. Trong đó, phục vụ khối doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức phải kể đến các nền tảng hội nghị trực tuyến (nền tảng Zavi, CoMeet, Stringee); nền tảng phục vụ quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp (gồm quản trị tổng thể doanh nghiệp 1Office, FPT akaChain, Viettel AI Open Platform, VNPT eKYC)… Các nền tảng này đã có lượng khách hàng không nhỏ sử dụng và giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, kinh doanh trên môi trường số cũng như thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số tại đơn vị.
Đoàn viên, thanh niên phường Điện Biên (quận Ba Đình) hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Bluezone.
Duy trì “Ngày thứ 6 công nghệ”
Đánh giá về các ứng dụng số, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) Triệu Minh Long nhấn mạnh, một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 là việc làm chủ khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ vào công tác phòng, chống và điều trị Covid-19.
Còn Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bkav Nguyễn Tử Quảng chia sẻ, hưởng ứng Chương trình chuyển đổi số quốc gia, các doanh nghiệp công nghệ đã nghiên cứu, phát triển các ứng dụng, giải pháp số hướng tới cộng đồng, phục vụ người dân. Cùng quan điểm, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long cũng cho biết, VNPT cung cấp miễn phí giải pháp, đồng thời miễn cước băng rộng di động, miễn phí hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở đào tạo đại học trong năm 2020. “Việc miễn phí dữ liệu dùng ứng dụng, đường truyền là chủ trương của ngành Thông tin và Truyền thông và VNPT, thể hiện sự chia sẻ, chung tay cùng cộng đồng chuyển đổi số”, ông Phạm Đức Long khẳng định.
Là một doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng cũng thông tin, Viettel cam kết đồng hành cùng các ngành chuyển đổi số; trong đó với riêng ngành Y tế, Viettel sẽ tham gia hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện thông minh, nền tảng quản trị y tế thông minh…
Đề cập về quá trình ra mắt các nền tảng chuyển đổi số, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Đỗ Công Anh cho biết, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định quan điểm: “Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả”. Trong đó, nhiệm vụ đặt ra là: “Xác định danh sách các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung rộng khắp trong một số lĩnh vực như thương mại điện tử, nông nghiệp, y tế, giáo dục… và có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đầu tư phát triển các hệ thống này”.
Vì vậy, Cục Tin học hóa được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông giao nhiệm vụ tìm kiếm, phát hiện, đánh giá các nền tảng số tốt do doanh nghiệp Việt Nam phát triển để tham gia Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Và Cục đã tổ chức “Ngày thứ 6 công nghệ” hằng tuần, với mục tiêu mỗi tuần ra mắt một nền tảng số.
Cũng theo ông Đỗ Công Anh, trong số 33 nền tảng công nghệ phục vụ chuyển đổi số đã ra mắt, hầu hết đều phục vụ chuyển đổi số trên diện rộng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân trong giai đoạn bình thường mới. Đáng chú ý, các nền tảng số đều do doanh nghiệp trong nước phát triển, cho thấy tiềm năng ứng dụng khoa học công nghệ trong nước rất lớn. Trong năm 2021, Cục sẽ tiếp tục duy trì, thúc đẩy hoạt động này.
Liên kết nguồn tin: