Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thực hiện Kế hoạch số 155-KH/ĐUK và Hướng dẫn số 14-HD/ĐUK của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về một số nội dung Đại hội đảng bộ các cấp trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ KH&CN lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020-2025 trong 02 ngày 27 và 28/8.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.
Phát biểu tại Đại hội sáng 28/8, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá, trong nhiệm kỳ vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức trước các diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, Ban cán sự Đảng và Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ đã có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực đổi mới tư duy; năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động; toàn Đảng bộ đã nỗ lực rất lớn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị và đạt nhiều kết quả tích cực, quan trọng trên các mặt công tác của ngành, của Bộ cũng như trong công tác xây dựng Đảng, tổ chức cán bộ và kiểm tra, giám sát.
Bộ KH&CN đã đi tiên phong trong nỗ lực đưa đổi mới sáng tạo trở thành một tư duy mới và ngày càng trở nên phổ quát trong quản lý, vận hành nền kinh tế, xã hội và doanh nghiệp ở Việt Nam. Chính phủ coi đổi mới sáng tạo như một lĩnh vực mới trong quản lý nhà nước, một trụ cột mới trong phát triển kinh tế - xã hội và lần đầu tiên, chỉ số về đổi mới sáng tạo trở thành tiêu chí đo lường hiệu quả của môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia hằng năm.
Nội hàm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo do Bộ KH&CN tham mưu đã được đưa vào các Nghị quyết quan trọng của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân, chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Trên cơ sở đó, nhiều sáng kiến pháp luật và chính sách mới như Luật Chuyển giao Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ, Đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Đề án Tri thức Việt số hóa được khởi xướng đã mở ra các đường hướng và không gian mới cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và truyền bá tri thức, công nghệ trong đời sống kinh tế - xã hội, phục vụ các mục tiêu phát triển quốc gia.
Bộ KH&CN cũng đã chú trọng đổi mới cơ chế quản lý KH&CN, tạo môi trường thuận lợi và cạnh tranh lành mạnh trong nghiên cứu sáng tạo. Đã từng bước xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính quan liêu, thực hiện cơ chế khoán chi và kiểm soát chi thông thoáng; gắn nhiệm vụ nghiên cứu với thực tiễn và thị trường; kiên trì thực hiện trao quyền tự chủ trong khoa học gắn với trách nhiệm giải trình; khuyến khích doanh nghiệp thành lập viện nghiên cứu và đầu tư cho khoa học - công nghệ; thí điểm mô hình thu hút, trọng dụng cán bộ khoa học tài năng trong nước và trí thức kiều bào.
Hệ thống bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quản lý tiêu chuẩn và chất lượng hàng hóa được đổi mới, nâng cấp đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được hình thành và phát triển, kết nối với mạng lưới các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực và thế giới; thị trường công nghệ phát triển năng động hơn với nhiều phương thức mới trong kết nối đầu tư và cung cầu. Lĩnh vực năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân dù gặp nhiều khó khăn khách quan nhưng vẫn được quan tâm phát triển trình độ và tiềm lực, có ứng dụng thiết thực trong các ngành kinh tế, xã hội và sẵn sàng cho nhu cầu phát triển năng lượng mới trong tương lai.
“Với các nỗ lực của toàn ngành KH&CN, chúng ta vui mừng nhận thấy tiềm lực và trình độ KH&CN của đất nước đã có bước tiến đáng khích lệ. KH&CN đã thực sự đồng hành cùng các cấp, các ngành và địa phương để bám sát thực tiễn, đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần tạo nên thế và lực mới cho đất nước”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.
Minh chứng cho điều này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho hay, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam được cải thiện vượt bậc trên bảng xếp hạng thế giới. Số lượng sáng chế và công bố quốc tế của Việt Nam tăng cao hàng năm. Đầu tư của tư nhân và doanh nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng đầu tư xã hội cho KH&CN. Doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo dần trở thành một lực lượng tăng trưởng mới. Các công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ứng dụng sâu rộng hơn trong các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, chúng ta đã kịp thời đặt hàng nghiên cứu, phát triển kit xét nghiệm nhanh, hỗ trợ truy vết người tiếp xúc, thiết kế, sản xuất robot, máy thở, phác đồ điều trị và kháng thể đơn dòng để sản xuất thuốc đặc hiệu điều trị Covid-19. Các nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất vắc – xin phòng Covid-19 cũng đang được triển khai đúng hướng, bước đầu đạt được những kết quả khả quan.
Đây được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu giúp Việt Nam kiểm soát và khống chế dịch bệnh, là minh chứng rõ nhất cho hiệu quả của sự đầu tư kiên trì và chiến lược cho tiềm lực KH&CN nước nhà trong nhiều năm qua.
Liên kết nguồn tin: https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/tiem-luc-va-trinh-do-khcn-da-co-buoc-tien-dang-khich-le-20200828143520536.htm