Thứ sáu, 28/08/2020 12:03 GMT+7

Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng

Trong ba năm, Việt Nam tăng 17 bậc về chỉ số đổi mới sáng tạo. Lần đầu tiên, chỉ số này trở thành tiêu chí đo lường năng lực cạnh tranh quốc gia hàng năm.

Những đóng góp của khoa học và công nghệ được nêu trong báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020-2025 trong phiên khai mạc sáng 28/8. Ông Sơn Minh Thắng, Ủy viên BCH, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TƯ, ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng, ông Trần Văn Tùng, Bí thư Đảng uỷ Bộ, Thứ trưởng và 213 đại biểu đại diện cho gần 2.000 đảng viên của Bộ Khoa học và Công nghệ tham dự đại hội.
 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Giang Huy.
 

Sau phần phát biểu khai mạc của Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Lê Xuân Định đã báo cáo hoạt động giai đoạn 2015-2020. Điểm đặc biệt ở nhiệm kỳ này Chính phủ đã bổ sung chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động đổi mới sáng tạo cho Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ông Định cho biết, giai đoạn 2015 - 2020 khoa học công nghệ (KHCN) có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Năng suất lao động được nâng lên thể hiện qua chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp TFP (tăng từ 33,6% giai đoạn 2011-2015 lên 44,46% giai đoạn 2016-2019), tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 50% năm 2020.

Tiềm lực nghiên cứu và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao thông qua số lượng các bài báo khoa học, công trình công bố quốc tế tăng trưởng nhanh, trung bình trên 20%/năm. Hiện cả nước có gần 67.000 cán bộ nghiên cứu và phát triển quy đổi tương đương toàn thời gian – TFP (đạt 7 người/vạn dân).
 

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội. Ảnh: Giang Huy.
 

Hiện Đề án Hệ Tri thức Việt số hóa được triển khai để hình thành cơ sở dữ liệu số của người Việt. Có 3 khu công nghệ cao quốc gia là Hòa Lạc, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư với số vốn hàng chục tỷ USD. Nguồn lực tài chính từ xã hội và doanh nghiệp cho KHCN tăng, thể hiện qua tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp là (52/48) so với tỷ lệ 70/30 của hơn 5 năm trước.

Vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động nghiên cứu và ĐMST ngày càng trở nên quan trọng. Thị trường công nghệ được thúc đẩy phát triển, cả nước có 15 sàn giao dịch công nghệ, 50 vườn ươm công nghệ, 186 tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp và mạng lưới các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN trên toàn quốc.

Ông Định nhấn mạnh, những đóng góp của KHCN còn thể hiện qua chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng. Năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng 2 bậc, năm 2019 tăng tiếp 3 bậc, xếp thứ 42 trên 129 quốc gia, đưa Việt Nam vươn lên dẫn đầu nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 ASEAN.
 

Thứ trưởng Lê Xuân Định trình bày báo cáo chính trị. Ảnh: Giang Huy.
 

Khi Covid-19 bùng phát, các nhà khoa học Việt Nam đã nhanh chóng nuôi cấy và phân lập virus corona chủng mới, đưa Việt Nam là một trong bốn quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công việc phân lập virus. Nghiên cứu, chế tạo thành công và được Bộ Y tế cấp phép sử dụng 4 bộ sinh phẩm RT-PCR và realtime RT-PCR phát hiện nCoV, được Vương Quốc Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Châu Âu (CE) và giấy chứng nhận được bán tự do tại thị trường Châu Âu (CFS). Bộ kit chẩn đoán đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước, giá rẻ hơn so với giá nhập khẩu, tiết kiệm ngân sách và có năng lực xuất khẩu.

Hiện vaccine Covid-19 của Việt Nam đang ở giai đoạn thử nghiệm khả năng sinh kháng thể trên chuột. Việc truy vết người tiếp xúc, kiểm soát các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch, dự báo dịch tễ thể hiện vai trò của ứng dụng công nghệ, phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa trong việc xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap... giúp Việt Nam kiểm soát dịch bệnh.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định thời gian qua toàn Đảng bộ đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị và đạt nhiều kết quả trên các mặt công tác của ngành. Đổi mới sáng tạo trở thành một tư duy mới trong quản lý, vận hành nền kinh tế, xã hội và doanh nghiệp ở Việt Nam. "Chính phủ coi đổi mới sáng tạo như một lĩnh vực mới trong quản lý nhà nước, một trụ cột mới trong phát triển kinh tế - xã hội và lần đầu tiên, chỉ số về đổi mới sáng tạo trở thành tiêu chí đo lường hiệu quả của môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia hàng năm", Bộ trưởng nói.

Ông cũng cho biết, nội hàm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo do Bộ KHCN tham mưu đã được đưa vào các Nghị quyết quan trọng của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân, chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Hiện nhiều sáng kiến pháp luật và chính sách mới như Luật Chuyển giao Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ, Đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Đề án Tri thức Việt số hóa được khởi xướng đã mở ra các đường hướng và không gian mới cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và truyền bá tri thức, công nghệ trong đời sống kinh tế - xã hội, phục vụ các mục tiêu phát triển quốc gia.

"KHCN đã thực sự đồng hành cùng các cấp, ngành và địa phương để bám sát thực tiễn, đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần tạo nên thế và lực mới cho đất nước", Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Sau phần tham luận, Đại hội sẽ bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025. Kết quả sẽ được công bố vào phiên buổi chiều.

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/chi-so-doi-moi-sang-tao-cua-viet-nam-lien-tuc-tang-4153380.html

Nguồn: vnexpress.net

Lượt xem: 14396

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)