Thứ sáu, 13/11/2020 09:02 GMT+7

Bộ Quốc sử: Bao quát lịch sử các cộng đồng cư dân, tộc người, vương quốc trên lãnh thổ Việt Nam

Là bộ Quốc sử mang tính chính thống, Bộ Lịch sử Việt Nam được biên soạn gồm 25 tập thông sử và 5 tập Biên niên sự kiện lịch sử được biên soạn trên tinh thần tổng kết và nâng cao được toàn bộ kết quả nghiên cứu của giới sử học cả nước và bao quát lịch sử các cộng đồng cư dân, tộc người, vương quốc đã từng tồn tại trên không gian lãnh thổ Việt Nam.

Đó là những điểm mới của Bộ Quốc sử được Ban chủ nhiệm đề án nêu ra tại sự kiện Bộ KH&CN đã tiếp nhận bản thảo Đề án "Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam" (còn gọi là Quốc sử) ngày 12/11. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện các bộ, ban, ngành, nhà khoa học tham dự sự kiện.
 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định bộ Quốc sử có ý nghĩa rất đặc biệt về mặt khoa học, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, người dân ở trong nước và nhà khoa học quốc tế.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, Đề án biên soạn Bộ Lịch sử Việt Nam được Bộ KH&CN chủ trì phê duyệt mục tiêu, nội dung và tổ chức thực hiện từ năm 2014, đến nay đã hoàn thành bản thảo gồm 25 tập thông sử (trong đó, 13 tập Lịch sử Việt nam thời kỳ cổ-trung đại, 12 tập thời kỳ cận-hiện đại) và 5 tập Biên niên sự kiện lịch sử (trong đó, 3 tập thời kỳ cổ-trung đại, 2 tập thời kỳ cận-hiện đại). Đội ngũ biên soạn gồm có chủ nhiệm là cố GS Phan Huy Lê, các phó chủ nhiệm gồm PGS Trần Đức Cường, GS Vũ Minh Giang, GS Nguyễn Quang Ngọc, là các nhà khoa học uy tín, được giới sử học Việt Nam tin cậy và gần 300 nhà khoa học thuộc các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy lịch sử trên cả nước, tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, chủ yếu ở Hà Nội, Thừa Thiên - Huế và TP Hồ Chí Minh.

“Trong các chương trình về khoa học xã hội và nhân văn, đây là đề án hết sức đặc biệt, lớn về quy mô, phạm vi nghiên cứu, nhận được sự quan tâm của giới học giả trong, ngoài nước và cả người dân. Đây cũng là Đề án của khối ngành KHXH&NV đầu tiên thực hiện việc xây dựng Thể lệ biên soạn để bảo đảm sự thống nhất của công trình, xác định rõ yêu cầu chung của công trình, mối quan hệ giữa các tập và quy định cụ thể về bố cục nội dung và các quy định trong cách trình bày của mỗi tập, bảo đảm ngay từ khi bắt đầu thực hiện, Ban Biên soạn của các đề tài cùng triển khai trong quỹ đạo thống nhất”, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nói. Và chính vì ý nghĩa quan trọng này nên Đề án có được một cơ chế đặc biệt: Đây là đề án đầu tiên được cơ chế tài chính đặc biệt cho phép thực hiện theo hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng (Kinh phí thực hiện Đề án được Quỹ NAFOSTED cấp), và Bộ KH&CN đã ban hành những quyết định riêng về quy chế tổ chức hoạt động của đề án và quy chế hoạt động của hội đồng khoa học của Đề án.
 

Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết Đây là đề án đầu tiên được cơ chế tài chính đặc biệt cho phép thực hiện theo hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.
 

Sau khi tiếp nhận bản thảo, Bộ KH&CN sẽ tổ chức thẩm định chuyên gia, đánh giá nghiệm thu các đề tài thuộc đề án. Các đề tài tiếp tục điều chỉnh bản thảo theo ý kiến chuyên gia và kết luận của Hội đồng khoa học, đối chiếu giữa các tập Chính sử, Biên niên, để bảo đảm chất lượng biên soạn, tính thống nhất của bộ Quốc sử trước khi đưa vào biên tập xuất bản.

Tại lễ tiếp nhận, đại diện các nhóm nghiên cứu đã báo cáo về quá trình thực hiện và nội dung của các nhiệm vụ trong Đề án. Để thực hiện bộ quốc sử mang tính quốc gia, chính thống, “có thể coi là tập đại thành của giới lịch sử” như GS Vũ Minh Giang phát biểu tại sự kiện, Ban Biên soạn đã tổng hợp toàn bộ kết quả nghiên cứu của nền sử học Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những kết quả nghiên cứu có giá trị của giới Việt Nam học quốc tế, bảo đảm tính khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật lịch sử; bản thảo được trình bày theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế.

Về những điểm mới của bộ quốc sử, GS Vũ Minh Giang cho biết Bộ quốc sử đã khắc phục những điều mà các bộ sách trước đây chưa làm được. Đó là, “quan điểm trước đây thường cho lịch sử khởi đầu từ các lớp cư dân nguyên thủy ở miền Bắc, về phía Nam, người Việt đi đến đâu thì mới có lịch sử tới đó và gần như bỏ trống thời gian trước thế kỷ 16-17 trong lịch sử Trung bộ và Nam bộ như thời kỳ của các vương quốc Chăm pa và Phù Nam đã được khắc phục triệt để. Trước đây quá chú trọng tới lịch sử ngoại xâm còn bộ sử này đã trình bày tương đối cân đối toàn diện các lĩnh vực trọng yếu nói trên và mọi vấn đề liên quan tới kinh tế chính trị văn hóa xã hội. Bộ sử cũng khắc phục tình trạng thường thấy trong các bố sách sử trước đây là lịch sử Việt Nam được trình bày tương đối biệt lập so với thế giới, chú ý nhiều hơn tới quan hệ giao lưu kinh tế văn hóa với khu vực và thế giới. Một điểm mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam là tiếp cận môi trường, các biến cố lịch sử được xem xét, nghiên cứu trong quan hệ với những thay đổi về khí hậu, môi trường và điều kiện tự nhiên được quan tâm nhiều hơn trước”, GS Vũ Minh Giang nói.

“Đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về sự kiện, nhân vật, các tác giả đã cố gắng trình bày một cách khách quan để người đọc hiểu được đó là những vấn đề còn tiếp tục cần được nghiên cứu nhưng đồng thời cũng đưa ra những luận giải khoa học để có thể cập nhật được những nhận thức khoa học mới nhất”, GS Vũ Minh Giang cho biết thêm.
 

GS Nguyễn Văn Khánh (bìa phải) bàn giao bản thảo cho ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Quỹ NAFOSTED.
 

Tại lễ tiếp nhận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định bộ Quốc sử có ý nghĩa rất đặc biệt về mặt khoa học và thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học lịch sử, các nhà khoa học thuộc các ngành khác nhau, của nhân trong nước và học giả quốc tế.

Dân tộc ta có bề dày lịch sử và truyền thống anh hùng, văn hiến nhưng trải qua rất nhiều triều đại số bộ quốc sử còn lại không nhiều. Sau rất nhiều chuẩn bị, chúng ta đã có quyết định về một loạt nhiệm vụ, đề tài khoa học xã hội ở tầm quốc gia rất quan trọng là nghiên cứu, biên soạn, tiến tới xuất bản bộ Quốc sử, bộ Quốc chí, bộ Bách khoa thư và dự án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông, Phó Thủ tướng cho biết. Những nhiệm vụ này, đặc biệt là đề án biên soạn bộ Quốc sử nhận được sự quan tâm đặc biệt của các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng trân trọng ghi nhận sự đóng góp của gần 300 nhà khoa học lịch sử, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cố giáo sư sử học Phan Huy Lê, cán cán bộ nghiên cứu, lưu trữ đã trực tiếp, gián tiếp tham gia hỗ trợ các nhà khoa học, các cơ quan nhà nước trong quá trình nghiên cứu, biên soạn bộ Quốc sử.
 

Từ phải sang: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với hai phó chủ nhiệm đề án, GS Vũ Minh Giang và GS Nguyễn Quang Ngọc.
 

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN khẩn trương, nghiêm túc, khoa học và cẩn trọng để chính thức nghiệm thu đề án ở cấp quốc gia. Các cơ quan hữu quan cùng nhau chuẩn bị các công việc cần thiết để có thể xuất bản bộ Quốc sử. Các đề án, đề tài khác như bộ Quốc chí, bộ Bách khoa thư, dự án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông cần đẩy nhanh tiến độ nhằm hình thành những công trình đồng bộ, cùng nhau hợp thành những bộ phận quan trọng của khoa học xã hội và nhân văn. “Đây là trách nhiệm của chúng ta đối với quá khứ, lịch sử, tổ tiên; là trách nhiệm với tương lai và ngay cả hiện tại”, Phó Thủ tướng nói.

Liên kết nguồn tin: https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/bo-quoc-su-bao-quat-lich-su-cac-cong-dong-cu-dan-toc-nguoi-vuong-quoc-tren-lanh-tho-viet-nam/20201113125536763p1c160.htm

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 4882

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)