Người dùng hào hứng sử dụng sản phẩm của Vulcan Augmetics. Ảnh: Ella Trịnh
Những cuộc gặp gỡ giá trị
Một ngày cuối năm 2017, Vũ Thị Thái An từ Anh trở về Việt Nam cùng với Tubudd – một nền tảng công nghệ kết nối du khách và bạn bè địa phương trên toàn thế giới. Dù rất hào hứng và tự tin vào sản phẩm nhưng cô không khỏi lo lắng: bắt đầu như thế nào tại Việt Nam, ai có thể tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, làm sao để kêu gọi đầu tư,…. Giữa những rắm rối đó, Thái An ‘may mắn’ – như lời cô tự nhận – đã biết đến TECHFEST.
“Tôi cảm thấy mình đã đến đúng nơi cần đến. Tôi nhìn mọi người đang pitching trên sân khấu và thầm ước có thể đứng trên đó nói về sản phẩm của mình và kết nối với mọi người” – Thái An nói. Đúng một năm sau, với sự giúp đỡ của Văn phòng đề án 844 những điều Thái An muốn đã trở thành hiện thực. Một sự khởi đầu mà CEO của Tubudd nhận định là ‘tuyệt vời và cần phải có với bất kỳ startup nào”, bởi ở đây có mọi thứ startup cần.
Tận dụng cơ hội có được tại TECHFEST 2018, CEO của Tubudd đã gặp gỡ hơn 10 nhà đầu tư và mentor, trong đó một mentor nhận lời tư vấn về tài chính, mô hình kinh doanh, cách thức vận hành cho startup này. Vui hơn nữa, sau một năm làm việc chung, hiểu được tầm nhìn sứ mệnh của Tubudd, mentor này đã đề nghị trở thành nhà đầu tư cá nhân.
“TECHFEST đã cho Tubudd một cuộc gặp chất lượng mang ý nghĩa thay đổi”– Vũ Thị Thái An hào hứng nói.
Tất nhiên đến với TECHFEST, mỗi founder đều có một mục tiêu riêng. Nếu Tubudd tới đây để gia nhập vào hệ sinh thái và tìm kiếm cho mình những mentor hay nhà đầu tư thì Shipway của Founder Dương Minh Hùng đến để giới thiệu startup của mình với nhiều người chứ không có ý định gọi vốn.
Với một startup đặt nền tảng ở Quảng Trị - một địa phương không mấy quen thuộc với giới khởi nghiệp, anh Dương Minh Hùng hiểu rằng mình cần đi tìm một tấm vé bảo hộ về chất lượng và uy tín. “Chúng tôi tham gia cuộc thi Khởi nghiệp của TECHFEST và đặt mục tiêu lọt vào top 60, nhưng đã lọt vào top 10”. Tấm giấy chứng nhận đã giúp Shipway nhận được sự tin tưởng lớn từ khách hàng. Nhờ vậy, sau gần hai năm hoạt động và tăng trưởng đều đặn, chi phí cho maketing và truyền thông của Shipway là 0 đồng.
Giống như anh Dương Minh Hùng, Founder của Trusting Social anh Nguyễn An Nguyên cũng có trải nghiệm tương tự dù ở một vị thế khác. Vào thời điểm năm 2019, các ngân hàng không mấy mặn mà với giải pháp định danh điện tử. Mọi chuyện đã thay đổi đáng kể khi cuối năm 2019, ngân hàng nhà nước có chính sách cởi mở hơn với giải pháp này cộng thêm tác động của Covid-19 diễn ra hồi đầu năm, khiến định danh điện tử trở thành vấn đề các ngân hàng quan tâm. Và Trusting Social đã trở thành giải pháp được lựa chọn.
“Giải thưởng và sự giới thiệu mà Trusting Social có được trong TECHFEST đóng vai trò quan trọng giúp chúng tôi kết nối với các ngân hàng và được họ tin tưởng” – anh Nguyên nói thêm.
Sản phẩm của Vulcan Augmetics. Ảnh: Ella Trịnh
Trong khi đó. vai trò của TECHFEST nói riêng và Bộ KH&CN với startup Vulcan Augmetics theo một cách khác. Founder Trịnh Khánh Hạ thở phào nhẹ nhõm khi chia sẻ về niềm vui sản phẩm tay giả dành cho người khuyết tật của startup này đã có đầy đủ giấy tờ như tiêu chuẩn ISO, chứng nhận an toàn chất lượng… để bán ra thị trường trong tháng 9/2020. Khánh Hạ nói rằng, nhờ có sự kết nối của Bộ KH&CN mà Vulcan Augmetics đã thuận lợi đăng ký và làm thủ tục cấp phép theo quy định.
“Đây là điều rất quý giá dù rằng nhìn lại hai năm vừa qua, từ startup non trẻ mới chỉ có một sản phẩm prototype, TECHFEST đã cho chúng tôi cơ hội được tham gia nhiều cuộc thi khác từ trong nước đến quốc tế. Mỗi chặng đường của Vulcan Augmetics đều có TECHFEST hỗ trợ” – Trịnh Khánh Hạ nói. Gần đây nhất, startup này tiếp tục được kết nối với Qualcom mở ra cơ hội trong việc sản xuất phần cứng liên quan đến AI và IoT trong thời gian tới.
Tận dụng cơ hội tại TECHFEST?
Làm sao để tận dụng được hết các cơ hội có được tại TECHFEST là câu hỏi của tất cả startup? Thực tế, đây không phải điều dễ dàng bởi sự kiện có hàng nghìn người tham gia, hàng trăm nhà đầu tư, mentor với hàng chục sự kiện lớn nhỏ. Như shark Thái Vân Linh từng chia sẻ rằng trong các sự kiện lớn, chị thường xuyên nhận được lời đề nghị tư vấn, chia sẻ về khởi nghiệp nhưng không dễ nhận lời, bởi chưa biết startup này đến từ đâu và có thể giúp gì cho họ. Thực tế, băn khoăn của shark Linh cũng là vẫn đề chung của bất cứ ai. Vì thế, Founder Shipway Dương Minh Hùng cho rằng, startup khi tới TECHFEST cần chuẩn bị mục tiêu cụ thể và chỉ tập trung vào nó tại sự kiện. Ví dụ như Shipway đặt mục tiêu có thể truyền thông, lan tỏa thông tin tới các nhà đầu tư, truyền thông, các startup khác… Từ đó, đội ngũ của Shipway vạch ra các kế hoạch để thu hút nhiều người nhất có thể như tham gia cuộc thi, mở gian hàng… và không bị phân tâm bởi các hoạt động khác.
Khi đã có mục tiêu cụ thể, mỗi startup cần biết cách làm cho câu chuyện của mình trở nên nổi bật bằng một tầm nhìn tốt cho sản phẩm và câu chuyện có thể làm rung động người nghe. Đơn cử như Trusting Social đưa ra câu chuyện về định chế tài chính và cách mà công nghệ có thể giúp người nghèo trong lĩnh vực tín dụng. “Tính nhân văn của câu chuyện sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh” – ông Nguyễn An Nguyên nhấn mạnh.
Khi đã có được câu chuyện cho riêng mình, các startup cần phải chuẩn bị kỹ càng, thậm chí theo chị Vũ Thị Thái An, cần phải viết sẵn những điều cần nói ra giấy và học thuộc, tập luyện về cách thuyết trình.
“Chúng ta dễ bị choáng ngợp trước một sự kiện lớn. Vì thế hãy chuẩn bị thật kỹ phần thuyết trình để tận dụng tối đa cơ hội và chuẩn bị tâm lý để trình bày với nhà đầu tư bất kỳ lúc nào” – CEO của Tubudd chia sẻ và cho biết bản thân đã dành một tháng trước sự kiện để tập luyện.
Việc chuẩn bị này dường như là điều mà mọi startup đều từng làm, bởi CEO của Shipway cho biết, anh thậm chí còn đứng trước gương tập từng cử động tay, ánh mắt, cách nói để thuyết trình tự nhiên và thu hút nhất.
Sau phần pitching trước nhà đầu tư, CEO của Vulcan Augmetics cho biết cần phải nắm bắt mọi cơ hội để mở rộng networking với mọi người theo như mục tiêu ban đầu. Chị Khánh Hạ cũng đặc biệt nhấn mạnh, các startup hãy tìm đến nhà đầu tư và những người đã đặt câu hỏi cho phần thuyết trình. “Khi bạn vừa gây được ấn tượng hãy gặp gỡ và trao đổi thêm về những điều vẫn chưa nói hết trong phần trình bày. Đây là cơ hội để bạn giúp nhà đầu tư hiểu hơn về sản phẩm của mình cũng như kết nối với họ” – chị Khánh Hạ cho biết và tiết lộ, chính cách làm này đã giúp Vulcan Augmetics có được mạng lưới nhà đầu tư, cũng như mentor rộng lớn và chất lượng.
Techfest 2020: trình diễn công nghệ phục vụ chuyển đổi số Là những lĩnh vực gắn với đời sống thường ngày của người dân, trong Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TECHFEST 2020, các trưởng làng Công nghệ y tế, giáo dục và đô thị thông minh sẽ chia sẻ những hướng đi mà nhiều doanh nghiệp trong ngành đang nhắm tới.
Ông Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Trưởng làng Đô thị thông minh: Kết nối với doanh nghiệp
Ông Trần Quang Hưng.
Bởi đô thị thông minh là lĩnh vực rất rộng nên chúng tôi sẽ tập trung thảo luận cách tiếp cận theo những thành tố từ nhỏ tới lớn - từ mức độ công dân thông minh sử dụng những ứng dụng thông minh, cho đến việc thiết lập các khu dân cư thông minh, sau đó nâng cấp thành những vấn đề chung của một thành phố.
Hiện nay, những ứng dụng, sản phẩm về thành phố thông minh đang có hơi hướng cục bộ, chỉ áp dụng ở quy mô nhỏ cho nhóm đối tượng cụ thể, chưa thấy rõ vai trò của một “nhạc trưởng” – có thể là một liên minh, hoặc một cơ quan nhà nước – trong việc đồng bộ hệ thống. Trong tương lai, chính quyền, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ phải tiến tới mức liên kết cao hơn, đặc biệt về chia sẻ dữ liệu. Ở nước ngoài, người dân có thể dùng một chiếc thẻ để định danh, tiêu dùng tất cả dịch vụ tiện ích, đó chính là sự “thông minh” mà chúng ta nói đến.
Bằng cách đi cùng các doanh nghiệp lớn, các startup có thể phát triển lên được quy mô cao hơn, vượt qua ngưỡng giới hạn của mình và thậm chí đi tìm những vấn đề mới để giải quyết. Do vậy, điểm nhấn của làng đô thị thông minh năm nay là lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các tập đoàn bất động sản với những công ty phát triển công nghệ để tạo thị trường, đưa các thiết bị hay kết quả nghiên cứu này vào sử dụng thực tế.
Ông Ngô Thanh Sơn - Phó TGĐ Tập đoàn VMED, VMED Group, Trưởng làng Công nghệ Y tế: Mô phỏng bệnh viện thu nhỏ tại TECHFEST
Ông Ngô Thanh Sơn.
Bên cạnh việc kết nối các startup tiềm năng đến với cuộc thi, tổ chức webinar, hội thảo với sự tham gia của những chuyên gia trong nước và quốc tế để chia sẻ về xu hướng đổi mới sáng tạo công nghệ trong lĩnh vực y tế trên thế giới, làng công nghệ y tế cũng mang tới những trao đổi trực tiếp với startup để tư vấn tổng thể về kiến trúc và mô hình kinh doanh, định hướng startup giải quyết những vấn đề thực tiễn của xã hội.
Không chỉ tham gia với tư cách trưởng làng, với tư cách là đại diện của VMED Group, tôi cũng quan sát TECHFEST với con mắt của nhà đầu tư để tìm kiếm startup phù hợp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xây dựng tại TECHFEST một trung tâm mô phỏng bệnh viện thu nhỏ có đầy đủ phần cứng, phần mềm, quy trình, biểu mẫu; cung cấp những dịch vụ như hoạch định, tài chính, quản trị... để các startup có thể tới tìm hiểu các vấn đề, thử nghiệm, trình diễn các sản phẩm, giải pháp với các nhà đầu tư, người sử dụng.
Năm nay bài toán chúng tôi tập trung vào là thay đổi thói quen khám bệnh, chữa bệnh của hàng triệu người: đang từ giấy, bút chuyển sang công nghệ như máy tính, điện thoại… Covid-19 đã giúp bệnh nhân quen hơn với khái niệm khám chữa bệnh từ xa, tư vấn chuyên môn từ xa nhưng để nó trở thành thói quen của người dân là một chặng đường dài.
Khi đảm nhận vai trò trưởng làng, VMED Group mong muốn có thể hướng dẫn cho startup trong lĩnh vực y tế cách giải quyết những bài toán thực sự của ngành y và phát huy hiệu quả mối quan hệ đã có với các chuyên gia, nhà đầu tư...
Ông Muhammad Umer - CEO tại STI, Trưởng làng Công nghệ Fintech: Giải quyết các bài toán lõi bằng giáo dục
Ông Muhammad Umer.
Năm nay, làng Fintech ra mắt “Fintech Accelerator Hub” - một chương trình được thiết kế để startup trau dồi tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam thông qua hoạt động thử nghiệm, cố vấn và đào tạo, từ đó phát triển ra các giải pháp tốt nhất để phục vụ khách hàng trong nền kinh tế số. Đây cũng sẽ là nơi giới thiệu các xu hướng mới nổi trong dịch vụ tài chính và thảo luận về cách thức những xu hướng đó tác động đến ngành Fintech trong tương lai. Hơn thế nữa, startup sẽ được trao quyền với các chuyên gia hàng đầu và nâng cao kiến thức của họ bằng các giải pháp thực tế trong nghiên cứu và phòng Lab.
Chúng tôi nhận thấy hoạt động giám sát tài chính trong nước vẫn mang tính bản địa và đặc thù của Việt Nam. Mỗi cấp chính quyền địa phương như tỉnh, thành phố hay quận đều phải đối mặt với các vấn đề quản lý tài chính; nhưng các phòng tài chính này liên tục phụ thuộc vào các sở ban ngành cấp trên vốn thiếu nhân sự và nguồn lực. Điều này khiến chính quyền địa phương chịu áp lực rất lớn trong việc thúc đẩy ổn định tài chính. Do vậy, Fintech Accelerator Hub muốn khuyến khích và giúp đỡ họ vượt qua những khó khăn khổng lồ này.
Ngoài ra, chúng tôi cũng cho rằng chìa khóa quan trọng để liên tục tiếp cận những công nghệ đột phá là định hướng giáo dục sinh viên và startup một cách đúng đắn. Một nhóm khởi nghiệp tốt có thể chỉ mất 1-3 năm để nghiên cứu, thử nghiệp và đưa vào áp dụng công nghệ. Vậy câu hỏi đặt ra là phải làm sao để dẫn dắt những người trẻ quan tâm đến công nghệ có chỗ đứng trong cuộc đua của cách mạng công nghệ đang diễn ra với tốc độ cực nhanh này?
Trong trung và ngắn hạn, chúng tôi hy vọng TECHFEST sẽ tiếp tục là cầu nối để chính phủ và các startup hiểu nhau hơn, giúp hành lang pháp lý theo kịp sự phát triển của công nghệ và nhu cầu từ thực tế.
Liên kết nguồn tin: https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/techfest-su-khoi-dau-can-phai-co-cua-startup/20201112094714586p1c785.htm