Chạy thử máy tuốt gai tại xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình
Đầu tháng 10/2020, Viện SCCN đã tổ chức chuyến công tác thực địa với nhà sáng chế Nguyễn Đức Thành (Tân Yên, Bắc Giang) ở vùng trồng nguyên liệu cây gai xanh (là nguyên liệu đầu vào phục vụ ngành dệt may) tại xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình với mục đích khảo sát vùng nguyên liệu, chạy thử nghiệm máy, phát hiện các bất cập và hiệu chỉnh. Tham gia đoàn công tác về phía Viện SCCN có TS. Đỗ Đức Nam, Phó Viện trưởng; ThS. Nguyễn Công Đức, Nghiên cứu viên Trung tâm Mô phỏng công nghệ và Phát triển sản phẩm thuộc Viện SCCN; nhà sáng chế Nguyễn Đức Thành, đại diện hội nông dân xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Trong quá trình chạy thử máy tuốt gai của nhà sáng chế Nguyễn Đức Thành, nhìn chung máy chạy tốt, tăng năng suất chuốt sợi và chất lượng tơ sợi chuốt đã gần đáp ứng được nguyên liệu đầu vào được dùng trong các công đoạn đệt tại các nhà máy dệt vải. Tuy nhiên theo TS. Đỗ Đức Nam các máy tuốt gai này vẫn có nhiều nhược điểm cần khắc phục và đổi mới một số chi tiết như sau:
- Chưa tự động hoá việc đưa nguyên liệu đầu vào, vẫn cần có sự can thiệp của người vận hành, lượng thân cây đưa vào một lần rất ít, năng suất không cao;
- Việc kéo ra và đút lại thân cây gai rất dễ gây tai nạn lao động cho người vận hành;
- Chất lượng tơ sợi của máy chưa đảm bảo chất lượng tơ sợi theo yêu cầu của các công ty nhập nguyên liệu;
- Khâu thiết kế và chế tạo chưa được tối ưu và mô đun hoá do vậy sẽ khó khăn khi triển khai sản xuất hàng loạt và việc bảo trì, bảo dưỡng cũng sẽ không thuận lợi.
TS. Đỗ Đức Nam, Phó Viện trưởng trong buổi chạy thử máy tuốt gai tại xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình
Để giải quyết các vấn đề trên, các chuyên gia của Viện SCCN đã tìm hiểu, nghiên cứu và lên phương án hoàn thiện cho máy tuốt gai từ khâu hoàn thiện ý tưởng, thiết kế đến khâu chế tạo, hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng. Viện SCCN cũng cam kết đồng hành cùng nhà sáng chế Nguyễn Đức Thành tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng được những đặc thù trong việc trồng cây gai lấy sợi, nhằm mục đích nâng cao năng suất và chất lượng sợi không chỉ ở vùng nguyên liệu này mà còn mở rộng ra nhiều vùng nguyên liệu tương tự khác đang rất có tiềm năng khai thác.
Kết quả của chuyến khảo sát thực địa và thử nghiệm là điển hình cho hoạt động phối hợp nghiên cứu và triển khai giữa Viện SCCN, doanh nghiệp và nhà sáng chế. Mô hình hợp tác như vậy trong những năm qua đang được Viện SCCN thúc đẩy và nhân rộng hơn nữa nhằm giúp đỡ các nhà sáng chế không chuyên đổi mới công nghệ trong các khâu thiết kế, chế tạo và thương mại hóa, đối với người nông dân giúp giảm thiểu chi phí nhân công, an toàn lao động và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa./.