Thứ hai, 05/10/2020 15:21 GMT+7

Hội thảo khoa học về đánh giá liều dân chúng

Ngày 01/10/2020, Viện Nghiên cứu hạt nhân (Viện NLNT Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học trước nghiệm thu Đề tài cấp Bộ 2018-2020 về “Nghiên cứu xây dựng phương pháp đánh giá liều dân chúng – Áp dụng thử nghiệm tại Hàng Gòn, Long Khánh tỉnh Đồng Nai” do ThS Lê Như Siêu làm chủ nhiệm. TS Phan Sơn Hải, Viện trưởng và các thành viên Hội đồng Khoa học – Công nghệ và Đào tạo của Viện cũng tham dự.

Ba nội dung khoa học chính đã được các thành viên của đề tài trình bày gồm: 1) Nghiên cứu khảo sát nền phông phóng xạ môi trường tại tỉnh Đồng Nai; 2) Nghiên cứu lựa chọn mô hình thích hợp để đánh giá liều dân chúng tại vùng dự kiến xây dựng cơ sở hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu; và 3) Áp dụng gói phần mềm RESRAD để đánh giá thử nghiệm liều dân chúng tại Hàng Gòn, Đồng Nai.
 

ThS Lê Như Siêu trình bày tại Hội thảo

Để khảo sát nền phông phóng xạ môi trường, các số liệu đã được thu thập gồm: Suất liều gamma hiện trường tại 133 điểm phân bố trên toàn tỉnh; nồng độ Radon trong không khí nhà ở và ngoài trời (31 vị trí); hoạt độ các nhân phóng xạ tự nhiên và nhân tạo trong 45 mẫu đất (theo 9 nhóm đất chủ yếu trong vùng nghiên cứu của tỉnh), trong 42 mẫu nước các loại từ hồ, sông, suối (21 vị trí, theo 2 mùa), trong 41 mẫu lương thực, thực phẩm, trong 38 mẫu vật liệu xây dựng; đặc biệt là trong các mẫu son khí và rơi lắng (khô và ướt) được thu góp hàng tháng giai đoạn từ tháng 11/2018 đến 3/2020 tại điểm quan trắc ở Hàng Gòn. Các số liệu phân tích đã được so sánh với các các số liệu cùng loại từ các công trình thực hiện trước đây tại Việt Nam cũng như tại một số nước trên thế giới.
 

ThS Nguyễn Thị Thanh Nga trình bày tại Hội thảo

Với mục tiêu đánh giá liều bức xạ nền và do phóng xạ phát thải ra từ cơ sở hạt nhân có lò phản ứng nghiên cứu hoạt động thông lệ cũng như rủi ro xảy ra tai nạn, tập thể đề tài đã khảo sát, tìm hiểu 7 gói phần mềm gồm NRCDose72, PAVAN, CAP88, ORION-WIN, GENII, RESRAD, và ERICA. Từ đó đã lựa chọn 2 gói phần mềm phù hợp nhất để áp dụng là gói NRCDose72 (gồm: XOQDOQ để đánh giá phát thải thông lệ hoặc dự đoán phát thải tầm gần tại cơ sở hạt nhân; GASPAR2 để đánh giá liều bức xạ đối với các cá nhân và các nhóm dân cư bị nhiễm xạ theo các đường hít thở, ăn uống và chiếu xạ ngoài do việc thải các nhân phóng xạ vào môi trường khí từ cơ sở hạt nhân khi hoạt động bình thường theo thông lệ; LADTAP2 để đánh giá liều bức xạ đối với các cá nhân, các nhóm dân cư và các vi sinh vật bị nhiễm xạ do việc thải các nhân phóng xạ vào môi trường nước bề mặt từ cơ sở hạt nhân khi hoạt động bình thường) và gói RESRAD (gồm RESRAD-ONSITE để đánh giá liều bức xạ và các rủi ro từ các hạt nhân phóng xạ nhiễm bẩn tồn dư trong đất, RESRAD-OFFSITE để đánh giá liều bức xạ và nguy cơ ung thư vượt mức của một cá nhân tiếp xúc bên trong và bên ngoài khu vực ô nhiễm, RESRAD-BUILD để đánh giá liều phóng xạ tiềm tàng lên một cá thể làm việc hoặc sống trong một tòa nhà bị nhiễm bẩn bởi vật liệu xây dựng có phóng xạ; RESRAD-BIOTA để đánh giá liều bức xạ đối với quần thể sinh vật dưới nước và trên cạn, bao gồm cả thực vật và động vật).
 

ThS Nguyễn Văn Phú trình bày tại Hội thảo

Để đánh giá khả năng ứng dụng, gói phần mềm RESRAD đã được thử nghiệm tại khu vực Hàng Gòn, Đồng Nai. Trong đó, sử dụng RESRAD-ONSITE để mô phỏng, kết quả thu được về phân bố liều hiệu dụng bức xạ hàng năm có nguồn gốc từ đất (chưa tính đến đóng góp của Radon) trên toàn tỉnh Đồng Nai nằm trong khoảng 32,9÷749,7 µSv/năm, giá trị trung bình là 368,6 µSv/năm, tương đương mức trung bình của một số vùng khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam và trên thế giới. Liều chiếu ngoài từ đất là 136,5 µSv/năm, gần với số liệu đo đạc bán thực nghiệm do tập thể đề tài thực hiện. Sử dụng RESRAD-BUILD để đánh giá liều chiếu trong gây ra bởi Radon trong nhà cho kết quả là 2,28 mSv/năm, tương đương với số liệu bán thực nghiệm của các tác giả thu được từ các khu vực khác nhau trong nước là 2,68 mSv/năm.

Qua trao đổi, phân tích và đánh giá, Hội thảo đã đưa ra một số kết luận ban đầu: 1) Chưa có bất kỳ sự dị thường nào về mặt phóng xạ môi trường (tự nhiên và nhân tạo) tại tỉnh Đồng Nai và vùng phụ cận nói chung và tại xã Hàng Gòn nói riêng trong khoảng thời gian nghiên cứu của đề tài; 2) Trên cơ sở số liệu khí tượng với 2 hướng gió chính là Tây Bắc và Tây, giả sử tại Hàng Gòn có cơ sở hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu và trong điều kiện lò vận hành bình thường, đánh giá bằng phần mềm XOQDOQ, thì nồng độ tương đối của nhóm các đồng vị iốt, son khí và khí trơ đạt cực đại khoảng 2,7x10-6 s/m3 tại vùng 300÷400 m từ ống thải khí, tức là hoàn toàn nằm trong khuôn viên của cơ sở, sẽ giảm nhanh xuống khoảng 10-7 s/m3 tại khoảng cách 1,6 km, và nhỏ không đáng kể tại khoảng cách 3 km, gây ra liều chiếu cho dân chúng nhỏ hơn nhiều lần 1mSv/năm; 3) Với các dụng cụ, thiết bị thu thập mẫu môi trường, các phòng thí nghiệm phân tích mẫu hoạt độ thấp theo TCVN ISO/IEC 17025:2017, công tác quản lý được chứng nhận phù hợp TCVN ISO 9001:2015, cùng với đội ngũ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực quan trắc môi trường và nghiên cứu các quá trình môi trường có nhiều kinh nghiệm, Viện Nghiên cứu hạt nhân có đầy đủ các điều kiện để tham gia lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (về mặt phóng xạ) cho các dự án đầu tư, kể cả cho các cơ sở hạt nhân xây dựng mới và cơ sở đang vận hành tại Việt Nam./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 1728

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)