Thứ năm, 10/09/2020 16:29 GMT+7

Tổng Giám đốc WIPO: Việt Nam có chỉ số đổi mới sáng tạo vượt trên tầm mức phát triển

Tổng Giám đốc Tổ chức WIPO Francis Gurry cho biết, Việt Nam nằm trong số các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp có được đầu ra từ đổi mới sáng tạo hiệu quả hơn so với đầu vào và thuộc nhóm các nền kinh tế có chỉ số đổi mới sáng tạo vượt trên tầm mức phát triển.

Hội thảo Chỉ số Đổi mới sáng tạo (ĐMST) năm 2020 và Kết quả của Việt Nam.

Việt Nam tiếp tục được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển

Chiều 8-9, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức Hội thảo Chỉ số Đổi mới sáng tạo (ĐMST) năm 2020 và Kết quả của Việt Nam nhằm giúp các bộ, cơ quan, địa phương hiểu rõ hơn về Chỉ số GII và kết quả của Việt Nam, từ đó, tiếp tục xây dựng, triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số nhằm đạt mục tiêu như Chính phủ đã đặt ra và phân công cho các bộ, cơ quan, địa phương.

Hội thảo diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố trực tuyến Báo cáo về xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020 ngày 2-9, theo đó Việt Nam tiếp tục giữ thứ hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế.

Ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc Tổ chức WIPO phát biểu trực tuyến.

Hội thảo có sự tham gia trực tuyến của các chuyên gia từ Tổ chức WIPO, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế và đại diện KH-CN Việt Nam tại Geneva, Thụy Sĩ; đại diện các Bộ, Cơ quan được giao chủ trì chỉ số các đơn vị thuộc Bộ KH-CN được giao chủ trì chỉ số GII, GCI và một số đơn vị.

Ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc Tổ chức WIPO cho biết: “ĐMST là động lực chính của tăng trưởng và phát triển kinh tế. Mục tiêu của bộ chỉ số GII là cung cấp dữ liệu với thông tin chi tiết về ĐMST, năng lực để ĐMST và kết quả ĐMST cũng như cho phép các nhà hoạch định chính sách đánh giá hiện trạng ĐMST của họ, kết quả ĐMST của các quốc gia và đưa ra các quyết định sáng suốt về chính sách ĐMST”.

“Trong bộ chỉ số GII năm 2020, Việt Nam tiếp tục được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển khác trong việc thiết lập ĐMST như là một ưu tiên quốc gia. Việc ban hành Nghị quyết từ năm 2017, sử dụng bộ chỉ số GII như một công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động ĐMST của quốc gia là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của ĐMST đối với sự phát triển đất nước", Tổng Giám đốc Tổ chức WIPO nhấn mạnh.

"Chúng tôi chúc mừng Việt Nam với những nỗ lực đã đạt được và hoan nghênh những chương trình hành động trong các năm qua để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết đã nêu”, ông Francis Gurry nói,

Cũng theo Tổng Giám đốc Tổ chức WIPO Francis Gurry, về xếp hạng ĐMST, trong năm 2020, Việt Nam xếp hạng thứ 42 trong bộ chỉ số GII - năm thứ hai liên tiếp là một sự thăng hạng từ vị trí thứ 71 năm 2014. Cùng với ba quốc gia đang phát triển khác là Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines, Việt Nam đã đạt được tiến bộ ấn tượng nhất về thứ hạng trong bộ chỉ số GII.

Việt Nam cũng đứng đầu trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp và khi tính chung những năm qua, Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế GII trong top 50 có sự tiến bộ đáng kể nhất về vị trí xếp hạng trong việc tăng thứ hạng theo thời gian.

“Đất nước của các bạn cũng giữ kỷ lục cùng với chỉ ba nền kinh tế khác khi được đề xuất là một Quốc gia vượt trội về ĐMST trong 10 năm liên tiếp. Đây là một nhóm các nền kinh tế tuyển chọn có kết quả ĐMST vượt trên tầm mức phát triển của họ. Việt Nam nằm trong số các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp có được đầu ra từ ĐMST hiệu quả hơn so với đầu vào. Vì vậy, xét về tính hiệu quả, khía cạnh kinh tế về hiệu suất của hệ sinh thái ĐMST đang vận hành là cực kỳ tốt. Việt Nam tiếp tục đạt được mức điểm số vượt mức trung bình của nhóm thu nhập này trong tất cả bảy lĩnh vực của GII”, Tổng Giám đốc Tổ chức WIPO Francis Gurry cho biết.

Tổng Giám đốc Tổ chức WIPO Francis Gurry cũng bày tỏ kỳ vọng và chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên ĐMST trong sự phát triển kinh tế thông qua một quy trình có hệ thống nhằm cải thiện việc thu thập dữ liệu và bằng cách tập trung vào việc điều phối chính sách ở tất cả các cấp chính quyền. Đồng thời hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục vươn lên trên các nước đang phát triển trên toàn thế giới, hướng tới nối liền sự ngăn cách về Đổi mới sáng tạo toàn cầu giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Không khí sôi nổi về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam
 

Thứ trưởng KH-CN Bùi Thế Duy phát biểu.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng KH-CN Bùi Thế Duy cho biết, từ năm 2017 đến nay, với sự vào cuộc quyết liệt từ WIPO cũng như phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Chính phủ Việt Nam đã đưa chỉ số GII vào như một biện pháp điều hành. Thông qua chỉ số GII, các tiêu chí con đã được đưa thành các nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương trong các Nghị quyết ngay từ đầu năm. Với sự hỗ trợ và phân tích của chuyên gia WIPO, Việt Nam nhìn thấy rõ điểm mạnh, yếu để đẩy mạnh cần tập trung giải quyết và duy trì, thúc đẩy chỉ số đổi mới sáng tạo. Các bộ ngành đã quyết liệt trong việc cải thiện từng chỉ số trong bộ chỉ số của GII.

Có thể thấy rõ trong nhiệm kỳ vừa qua, không khí về ĐMST, sự quan tâm về ĐMST của các Bộ, ngành, địa phương, nhà nước, doanh nghiệp tư nhân rất sôi nổi. Hàng loạt dự án, viện nghiên cứu của doanh nghiệp tư nhân, trung tâm đổi mới sáng tạo được hình thành. Sự thay đổi này được đánh giá khách quan thông qua chỉ số GII từ năm 2017 đến nay liên tục tăng.

Trong bối cảnh khó khăn của năm 2020 khi nền kinh tế của các quốc gia đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đang nổi lên như một hình mẫu không chỉ về chống dịch cũng như tích lũy được kết quả nghiên cứu trong nhiều năm và đã đưa ra các giải pháp về KH-CN để chống lại đại dịch Covid-19.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, một chỉ số đáng bất ngờ khác là mặc dù trong sáu tháng giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, nhưng số lượng bằng sáng chế, đơn sở hữu trí tuệ khác, bằng phát minh sáng chế vẫn tiếp tục tăng và số được công nhận cũng tăng hơn so với năm 2019.

WIPO đã vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ Việt Nam không chỉ trong đánh giá chỉ số GII mà còn trong các việc xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ của Việt Nam giai đoạn 10 năm tới, hình thành mạng lưới IP Hub thúc đẩy sáng chế của Việt Nam và các kết quả đó tương đối rõ nét.

Trong bảng xếp hạng GII 2020, Việt Nam xếp hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế, duy trì thành công thứ hạng đã đạt được năm 2019 – được các chuyên gia WIPO đánh giá là cao hơn so với trình độ phát triển hiện nay của Việt Nam (năm 2019, Việt Nam xếp hạng 42/129 quốc gia/nền kinh tế). Cụ thể, so với năm 2019, chỉ số GII của Việt Nam có những kết quả tích cực đáng chú ý:

Cải thiện về Trình độ phát triển của kinh doanh

Theo đánh giá của WIPO, năm 2020 hệ thống ĐMST của Việt Nam có kết quả nổi bật về Trình độ phát triển của thị trường, xếp hạng 39, tăng 30 bậc từ vị trí 69 năm 2019. Trong đó, tiến bộ đáng chú ý là về liên kết ĐMST, với kết quả tốt hơn ở chỉ số Hợp tác Viện trường - doanh nghiệp (tăng 10 bậc, từ vị trí 75 lên 65) và chỉ số Quy mô phát triển của cụm công nghiệp (tăng 32 bậc, từ vị trí 74 lên 42). Năng lực Hấp thụ tri thức tăng 13 bậc so với năm 2019, xếp hạng 10 - là thế mạnh của Việt Nam nhờ sự dẫn đầu về Nhập khẩu công nghệ cao (hạng 4) và Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) (hạng 19).

Cải thiện về Cơ sở hạ tầng chung

Năm 2020, Cơ sở hạ tầng tiếp tục có sự cải thiện tích cực, tăng 9 bậc so với năm 2019. Trong đó, đáng kể nhất là nhóm chỉ số về Hạ tầng ICT – tăng 6 bậc so với 2019 với tiến bộ rõ rệt về Tiếp cận ICT (tăng 4 bậc từ vị trí 90 lên 86) và Sử dụng ICT (tăng 27 bậc, từ vị trí 92 lên 65).

Các chỉ số liên quan tới năng lượng trong GII 2020 cũng có sự cải thiện tích cực. Chỉ số Sản lượng điện theo đầu người tiếp tục cải thiện so với 2019, tăng 5 bậc, từ vị trí 81 lên 76. Chỉ số GDP/đơn vị năng lượng sử dụng tăng 7 bậc từ vị trí 92 lên 85.

Cải thiện về đầu ra ĐMST

Về đầu ra ĐMST, nhóm chỉ số Sáng tạo tri thức và Lan truyền tri thức có cải thiện tích cực so với 2019, trong đó, nhóm chỉ số Lan truyền tri thức xếp hạng 14 được coi là thế mạnh của Việt Nam, nhờ sự dẫn đầu về Xuất khẩu công nghệ cao (hạng 2). Đặc biệt, chỉ số Số công bố bài báo khoa học và kỹ thuật đã tăng 13 bậc so với 2019, từ vị trí 74 lên 61.

Trụ cột Sản phẩm sáng tạo tăng 9 bậc so với năm 2019, xếp hạng 38. Có sáu chỉ số ở trụ cột này cải thiện so với 2019 và có thứ hạng cao như Số lượng ứng dụng phần mềm được sản xuất (hạng 10, tăng 3 bậc); chỉ số Đăng ký nhãn hiệu theo xuất xứ (hạng 20, tăng 4 bậc). Chỉ số Sản lượng ngành công nghệ cao và công nghệ trung bình cao tăng 4 bậc, từ 27 lên 23. Đặc biệt, với 33 thương hiệu nằm trong top 5.000, dẫn đầu là công ty viễn thông Viettel Telecom, Việt Nam xếp hạng thứ 19 ở chỉ số mới được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trong GII 2020 – chỉ số Giá trị thương hiệu toàn cầu.

Liên kết nguồn tin:

https://nhandan.com.vn/khoa-hoc/tong-giam-doc-wipo-viet-nam-co-chi-so-doi-moi-sang-tao-vuot-tren-tam-muc-phat-trien-616107/

 

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

Lượt xem: 7679

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)