Tình hình bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận trong năm 2019
Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 380 đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho 287 nhãn hiệu tập thể (NHTT), nhãn hiệu chứng nhận (NHCN). Cơ cấu sản phẩm của các NHTT, NHCN được bảo hộ trong năm vừa qua chưa có sự thay đổi nhiều, các sản phẩm nông sản vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu. Đa phần sản phẩm được bảo hộ là nông sản tươi sống, sản phẩm thô và nguyên liệu, trong khi bảo hộ cho sản phẩm chế biến sâu còn hạn chế.
Tình hình bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2019
Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 14 đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý, trong đó cấp 10 giấy chứng nhận đăng ký và sửa đổi một giấy chứng nhận. Các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý năm 2019 bao gồm: nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa - Vũng Tàu, mãng cầu ta Cát Lở Bà Rịa - Vũng Tàu, muối ăn Bà Rịa - Vũng Tàu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhung hươu Hương Sơn của tỉnh Hà Tĩnh, thịt bò Hà Giang của tỉnh Hà Giang, dứa Đồng Giao của tỉnh Ninh Bình, hành tím Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng, gừng Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An, xoài Cao Lãnh của tỉnh Đồng Tháp và cà phê Đắk Hà của tỉnh Kon Tum.
Chỉ dẫn địa lý “vải thiều Lục Ngạn”
Chỉ dẫn địa lý “xoài cát Cao Lãnh”
Trong số các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong năm vừa qua, các sản phẩm tươi sống vẫn chiếm tỷ lệ lớn (7/10 sản phẩm tương đương 70%); các sản phẩm chế biến chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (3/10 sản phẩm tương đương 30%). Đặc biệt, chỉ dẫn địa lý Đắk Hà đã được bảo hộ cho 4 loại sản phẩm, không chỉ bao gồm cà phê nhân, cà phê hạt rang mà còn bao gồm cả sản phẩm chế biến sâu là cà phê bột và cà phê tinh.
Chỉ dẫn địa lý “cà phê Đăk Hà” dạng sản phẩm cà phê nhân
Chỉ dẫn địa lý “cà phê Đăk Hà” dạng sản phẩm cà phê bột
Các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trong năm 2019 đều do các tổ chức thuộc hệ thống chính quyền địa phương nộp đơn đăng ký và thực hiện vai trò quản lý chỉ dẫn địa lý. Sự tham gia của các nhà sản xuất, doanh nghiệp, hiệp hội các nhà sản xuất và kinh doanh sản phẩm vào quá trình xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý còn hạn chế.
Định hướng phát triển năm 2020
Mặc dù số lượng các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý hiện chiếm tỷ lệ thấp so với tiềm năng của các sản phẩm nông nghiệp và đặc sản vùng miền của Việt Nam, nhưng do sự nỗ lực của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương nên việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm mang dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý đã đưa lại những dấu hiệu tích cực trong sự phát triển của bảo hộ sở hữu trí tuệ và ngành nông nghiệp trong năm qua. Năm 2020 được kỳ vọng là năm có nhiều đột phá trong lĩnh vực bảo hộ dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý, xuất phát từ việc thay đổi phương pháp tiếp cận về mặt lý luận đến áp dụng phù hợp với thực tiễn phát triển của các địa phương.
Việc thực thi các Hiệp định thương mại đa phương và song phương mà Việt Nam tham gia, ký kết bao gồm các nội dung về sở hữu trí tuệ nói chung và chỉ dẫn địa lý nói riêng, đòi hỏi có sự sửa đổi về pháp luật sở hữu trí tuệ, đặt việc bảo hộ các dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý trước những cơ hội và thách thức không nhỏ. Sử dụng hiệu quả các công cụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm mang dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý sẽ giúp bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống, tăng cường khả năng cạnh tranh, giúp thúc đẩy tiềm năng của các nguồn lực địa phương. Ngược lại, nếu việc bảo hộ không hiệu quả có thể trở thành rào cản cho sự phát triển. Trong bối cảnh đó, cần có các chính sách cụ thể hỗ trợ các địa phương lựa chọn hình thức bảo hộ dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý phù hợp và hiệu quả hơn để phát huy tiềm năng và giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản vùng miền.