Thứ tư, 29/07/2020 15:18 GMT+7
Quản lý hoạt động dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp
Công tác quản lý hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp tiếp tục được thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động này, hỗ trợ tích cực cho các tổ chức, cá nhân trong việc xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp. Trong năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận mới 11 tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, ghi nhận sửa đổi, bổ sung thông tin (sửa đổi tên và địa chỉ, xóa tên tổ chức, bổ sung/xóa tên thành viên trong Danh sách của Tổ chức) cho 34 tổ chức; cấp/cấp lại 6 Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp. Tính đến hết năm 2019, cả nước có 203 tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp và 331 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khai mạc Tọa đàm về hoạt động đại diện và giám định sở hữu công nghiệp năm 2019
Với mục tiêu tiếp tục phát triển số lượng đại diện sở hữu công nghiệp để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, cá nhân, tháng 10/2019, Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo định kỳ hai năm/lần. Có 238 thí sinh đăng ký dự kiểm tra tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với tổng số 5 môn: Pháp luật sở hữu công nghiệp, thông tin sở hữu công nghiệp, sáng chế và thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Kết thúc việc tổ chức làm bài kiểm tra, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục triển khai việc chấm bài để công bố kết quả cho các thí sinh.
Bên cạnh các hoạt động nêu trên, Cục Sở hữu trí tuệ cũng tích cực tổ chức hội thảo, tọa đàm với các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp để trao đổi về công tác quản lý hoạt động đại diện và giám định sở hữu công nghiệp cũng như các nội dung chuyên môn về sở hữu công nghiệp nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động này nói riêng và các hoạt động của hệ thống sở hữu trí tuệ nói chung. Năm 2019, lần đầu tiên Cục phối hợp với Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức hoạt động này ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Năm nay, nội dung thảo luận xoay quanh các quy định pháp luật về nhãn hiệu như đăng ký nhãn hiệu chứa tên địa danh, nhãn hiệu bị từ chối vì tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã hết hạn hiệu lực chưa quá 5 năm, cơ sở pháp lý để từ chối/phản đối đơn đăng ký và hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã được cấp dựa trên động cơ không trung thực… Thông qua các hội thảo, tọa đàm này, nhiều vướng mắc trong áp dụng pháp luật về sở hữu công nghiệp đã được tháo gỡ, đồng thời gợi mở một số định hướng cho việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan.