Thiết kế hệ thống thông tin điện tử để kết nối cả ba bên
Lâu nay, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây tổn thất hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, ảnh hưởng xấu tới cả người tiêu dùng và có thể làm giảm uy tín của sản phẩm thật. Để tự bảo vệ mình và người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp sản xuất phải dùng tem chống hàng giả, mà phổ biến nhất là tem vật lý như tem vỡ, tem hologram, tem phát quang, tem nước, tem nhiệt…có thể quan sát bằng mắt thường hoặc dưới ánh sáng tia cực tím.
Nhưng rồi tình trạng nhái, giả vẫn tiếp diễn, người tiêu dùng vẫn chịu thiệt còn doanh nghiệp Việt - hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang nỗ lực xây dựng thương hiệu - cũng chỉ ngậm ngùi vì tình trạng giả mạo ngày càng tinh vi. Ngay cả tem chống hàng giả cũng… bị làm giả hoặc bị phục chế dán lại vào những sản phẩm khác khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang.
“Khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam đặt ra câu hỏi với chúng tôi rằng liệu có cách nào để kết nối nhà sản xuất – nhà quản lý – người tiêu dùng để tạo ra một hàng rào kĩ thuật loại trừ hàng giả không?” bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE), trực thuộc Hiệp hội cho biết. Trên thế giới, các nhà sản xuất đã áp dụng phổ biến các phương thức chống hàng giả mới như tem điện tử nhưng ở Việt Nam cách đây 5 – 7 năm, công nghệ này vẫn chưa phổ biến.“Vì vậy Trung tâm chúng tôi đã nghĩ tới việc phải nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ mới nhất về tem điện tử để giúp bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Lý nói.
Bà cùng đồng nghiệp khởi động nghiên cứu từ năm 2014, gắn liền với cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’ lúc bấy giờ. Ban đầu, họ phát triển một “Hệ thống tem điện tử thông minh” sử dụng mã phản ứng nhanh QR (Quick Response code). Công nghệ này do kỹ sư người Nhật Masahiro Hara tạo ra từ năm 1994 để theo dõi xe trong quá trình sản xuất cho ngành công nghiệp ô tô.
Tuy nhiên, IDE nhận thấy một số hạn chế trong việc sử dụng QR code ở Việt Nam, chẳng hạn việc quét mã và chuyển tín hiệu đến trang web chứa thông tin sản phẩm chỉ giúp tra cứu được nội dung nhà cung cấp đưa ra mà không biết chắc được sản phẩm từ nhà cung cấp đó có chính hãng hay không. Nó không đi kèm một quy trình có ràng buộc về mặt kỹ thuật để xác thực thông tin giữa nhà cung cấp và nhà sản xuất.
Để khắc phục hạn chế trên, nhóm nghiên cứu đã tiếp tục nghiên cứu một “Quy trình xác thực chống hàng giả” CheckVN (https://check.net.vn/), đảm bảo cho người tiêu dùng xác thực được thông tin mà nhà sản xuất và nhà phân phối đưa ra, chống lại sự làm giả từ chính nhà sản xuất. Quy trình này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế số 1-0016036 được công bố vào ngày 25/11/2016.
CheckVN là một hệ thống thông tin phản hồi nhanh, bao gồm tem chứa mã QR bảo mật hai lớp, kết hợp với thiết bị di động có cài ứng dụng để truy cập vào một trung tâm dữ liệu có năm cơ sở dữ liệu quản lý độc lập (CSDL mã tem thứ nhất chứa thông tin về nhà sản xuất; CSDL mã tem thứ hai chứa thông tin về nhà sản xuất và nhà cung cấp; CSDL so sánh chứa dữ liệu thông tin về từng cặp mã tem, CSDL sản phẩm và CSDL sản phẩm đã xác thực).
Sau khi người dùng quét QR code bằng di động, tín hiệu được chuyển đến trung tâm dữ liệu để xác thực các đoạn mã. Các mã phải khớp với CSDL ở từng vòng mới có thể đi đến CSDL tiếp theo – chẳng hạn xác thực lớp đầu tiên của QR code sẽ cho biết thông tin về sản phẩm được gắn tem, sau khi cào lớp phủ bảo mật trên lớp tem sẽ so sánh lớp hai của QR code xem liệu sản phẩm do nhà cung cấp đó có đến từ đúng nhà sản xuất mà họ đã đề cập. Cứ thế đến cuối cùng, hệ thống sẽ trả về kết quả liệu sản phẩm đó có chính hãng hay không.
Ngay khi mới triển khai vào cuối năm 2015, CheckVN đã được Công ty Cổ phần Khóa Việt Tiệp sử dụng trên 1 triệu đơn vị sản phẩm. Tại thời điểm đó, Việt Tiệp có doanh thu khoảng 500 tỷ đồng/năm. Sau 3 năm, công ty công bố doanh thu cán mốc 1.000 tỷ và cho biết việc áp dụng quy trình đã góp phần giúp họ đòi lại được thị phần từ những người làm giả mà họ không hay biết.
Vào giữa năm 2019, hệ thống CheckVN đã được Trung tâm mã số mã vạch quốc gia chuẩn hóa theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và Tiêu chuẩn Toàn cầu (GS1). Sau khi được hội đồng khoa học của Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định đủ khả năng vào truy xuất nguồn gốc trên toàn quốc, đồng thời được Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra (C46) và Viện Khoa Học Hình Sự Bộ Công An (C54) thuộc Bộ Công an thẩm định về bảo mật, đến cuối năm 2019 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý thí điểm CheckVN cho Hệ thống truy xuất nguồn gốc trong toàn ngành nông nghiệp. Hiện hệ thống đang được dịch ra tiếng Anh và tiếng Trung để tăng cơ hội khách hàng tìm kiếm được sản phẩm.
Tiêu chuẩn chung cho cộng đồng doanh nghiệp
Là người tiên phong và sở hữu sáng chế độc quyền do Cục Sở hữu trí tuệ cấp từ năm 2016, nhưng IDE đã trải qua quá trình vô cùng vất vả để thuyết phục thị trường. Họ buộc phải lựa chọn con đường “để ngỏ” bản quyền sáng chế với các đối thủ. Suốt 6 năm qua, thay vì thương mại trực tiếp để sản xuất bán con tem xác thực cho các doanh nghiệp, họ chọn cách tiếp cận với các cơ quan quản lý để đưa quy trình của mình thành một tiêu chuẩn chung của địa phương hoặc của ngành.
Theo bà Lý, khi mang một quy trình xây dựng thành tiêu chí chung, chẳng hạn như thành quy định cơ sở của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thì tới 97% doanh nghiệp cả nước sẽ được sử dụng. Tương tự, nếu được Bộ NN&PTNT áp dụng thì rất nhiều bà con sẽ được UBND hay Sở Nông nghiệp hướng dẫn và cấp quyền vào đó. Theo một nghĩa nào đó, IDE cũng đã “để ngỏ” quyền sử dụng sản phẩm trí tuệ của mình đối với khu vực công.
Trong nhiều năm, IDE đã “tự lực cánh sinh” đi thuyết phục nhiều tổ chức liên quan tham gia vào hệ thống – ban đầu là các doanh nghiệp, tỉnh hội, hiệp hội, UBND địa phương, rồi sau đó đến các bộ, các ngành. Theo bà Lý, sự tham gia của nhà nước với tư cách là bên thứ ba giám sát sẽ góp phần giúp người tiêu dùng an tâm hơn, tránh bị tổn thương trước những sản phẩm hàng giả, hàng nhái.
Hiện nay, CheckVN đã được tích hợp vào Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc của UBND một số tỉnh, như Hà Nội, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hòa Bình, Cần Thơ… với hơn 3000 doanh nghiệp tham gia và gần 10.500 sản phẩm. Các hệ thống này đã sẵn sàng chờ đầu nối về cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia khi Bộ Khoa học và Công nghệ xây xong theo Quyết định 100/QĐ-TTg năm 2019.
Thông qua sáng chế CheckVN, các nhà hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa này cũng muốn khẳng định rằng người Việt Nam có thể thiết lập được những công cụ để, giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực quản lý sản xuất trong thời đại công nghệ số.
Chú thích ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường sử dụng App Check VN kiểm tra thông tin truy xuất nguồn gốc vải Thanh Hà tại Lễ Hội vải thiều Thanh Hà năm 2018. UBND huyện Thanh Hà đã lựa chọn hệ thống này để bảo vệ thương hiệu và minh bạch thông tin cho 3.900 ha vải vụ mùa cùng năm. Ảnh: IDE
Khi các hệ thống truy xuất nguồn gốc nội bộ của các tỉnh, bộ ngành hoặc lĩnh vực liên thông được với nhau tạo thành một Hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia [dự kiến hoàn thành năm 2025] và được các cơ quan có thẩm quyền cho phép đấu nối với quốc tế thì những kết quả truy xuất của Việt Nam sẽ được công nhận trên thị trường thế giới.