Toàn cảnh buổi làm việc.
Ngày 10/6/2020, tại Hà Nội, Bộ KH&CN tổ chức buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình về thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020 với mục tiêu đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2010 -2015 và nhiệm kỳ 2015-2020.
Tham dự buổi họp có đồng chí Chu Ngọc Anh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Ngô Đông Hải - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình; Lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Bộ KH&CN; Lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN…
Báo cáo cho thấy, Lãnh đạo Bộ KH&CN và Lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã phối hợp chặt chẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng của hai bên triển khai thực hiện. Đến nay, tổng hợp đánh giá đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Hỗ trợ triển khai 30 nhiệm vụ KH&CN với tổng kinh phí hỗ trợ của Bộ là gần trăm tỷ đồng. Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ đã xây dựng được hơn 50 mô hình, chuyển giao 20 công nghệ mới, xây dựng 6 thương hiệu sản phẩm thủ công truyền thống và sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Sản xuất được 01 giống lúa (TBR225) phục vụ sản xuất trong và ngoài tỉnh.
Báo cáo kết quả đạt được trong lĩnh vực KH&CN và kết quả thực hiện Chương trình phối hợp KH&CN giữa Bộ KH&CN và UNBD tỉnh Thái Bình, bà Trần Thị Bích Hằng, Giám đốc Sở KH&CN Thái Bình cho biết, các nhiệm vụ KH&CN đã tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh như phát triển công nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đã có hàng trăm đề tài, dự án và hàng nghìn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn; đã chọn tạo và đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng, vật nuôi, nhiều mô hình cho năng suất, chất lượng cao. Tỉnh cũng hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều chủ trương, cơ chế chính sách nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về KH&CN được ban hành đã khuyến khích hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Đặc biệt các dự án thuộc chương trình Nông thôn miền núi đã tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, hợp tác hai bên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, cần đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh chúc mừng những thành tựu KT-XH tỉnh Thái Bình đạt được trong thời gian vừa qua, đặc biệt, tỉnh được công nhận là 1 trong 3 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước có 100% số xã và tất cả các huyện, thành phố được công nhận đạt tiêu chí quốc gia…những con số biết nói trong báo cáo đã phản ánh sinh động, nỗ lực cao độ của cấp ủy, chính quyền tỉnh. Điều đó khẳng định Thái Bình là một trong những địa phương chú trọng phát triển KT-XH toàn diện trên mọi lĩnh vực, trong đó đặc biệt coi trọng yếu tố KH,CN&ĐMST thông qua giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của địa phương.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự tham gia của Sở KH&CN Thái Bình, kịp thời tham mưu cho Tỉnh và các cấp chính quyền từ thể chế chính sách, quản lý nhà nước về KH&CN trong các lĩnh vực. Điều này cho thấy sự vào cuộc mang tính hệ thống, liên kết sở, ngành trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền.
Mặc dù đặt được nhiều kết quả quan trọng các lĩnh vực, tuy nhiên, theo Bộ trưởng, sự hợp tác này chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của hai Bên, vì vậy hai Bên cần đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới để KH&CN thực sự đồng hành với các cấp/ngành, gắn trực tiếp vào phát triển KT-XH địa phương đúng theo Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH&CN. Trên cơ sở đó Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Thái Bình tiếp tục phối hợp, lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh. Sở KH&CN chủ động tham mưu cho Lãnh đạo tỉnh các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể mang tính đột phá trong nghị quyết của Đại hội. Xác định hoạt động đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ là trung tâm của hoạt động KH&CN…
Đối với các kiến nghị đề xuất của tỉnh Thái Bình, Bộ KH&CN hoàn toàn ủng hộ và giao các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của Bình cùng chung tay thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đáp ứng yêu cầu thực tế tại địa bàn.
Bí thư tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động KH&CN của tỉnh.
Nhất trí với các đề xuất, kiến nghị của Bộ KH&CN, ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng, hoạt động KH&CN giữa hai bên cần được phối hợp chặt chẽ hơn, đặc biệt với các cơ quan chuyên môn của hai bên. Đồng chí cũng mong muốn Bộ KH&CN tiếp tục tham mưu cho tỉnh về KH&CN để đưa vào các Nghị quyết của tỉnh. Trên cơ sở Hội nghị Sơ kết hôm nay, đồng chí mong muốn tiếp tục thực hiện ký kết việc phối hợp giai đoạn tiếp theo để KH&CN gắn trực tiếp vào phát triển KT-XH địa phương.
Lãnh đạo hai Bên trao ảnh kỷ niệm.