Ông Trần Đắc Hiến - Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia phát biểu tại Lớp tập huấn
Tới dự Lớp tập huấn có ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia; ông Vũ Văn Vương, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Giang; ông Lê Văn Thế, Phó Giám đốc Sở KH&CN Bắc Kạn; ông Trần Đức Hợp, Phó Giám đốc Sở KH&CN Yên Bái; bà Nguyễn Hoàng Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường- Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở KH&CN Thanh Hóa; ông Nguyễn Kim Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&CN Vĩnh Phúc cùng các đại biểu các Bộ, ngành, Sở KH&CN khu vực phía Bắc.
Quang cảnh Lớp tập huấn
Lớp tập huấn được tổ chức nhằm mục đích hướng dẫn các cán bộ làm công tác thống kê KH&CN của các Bộ, ngành và địa phương (Sở KH&CN) trên cả nước thực hiện thu thập chính xác thông tin về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của quốc gia và về hội nhập quốc tế để phục vụ đánh giá và xây dựng chính sách, chiến lược, kế hoạch khoa học và công nghệ; đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng thay đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược về NC&PT trên phạm vi cả nước, theo các Bộ, ngành cũng như các địa phương; đánh giá kết quả thực hiện các chính sách về phát triển KH&CN, Luật KH&CN, các kết hoạch, chương trình về NC&PT và phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu thống kê KH&CN; xây dựng cơ sở dữ liệu về NC&PT của Việt Nam phục vụ các phân tích chuyên sâu và làm tiền đề cho các cuộc điều tra của các năm tiếp theo; thu thập thông tin về mức độ hội nhập quốc tế về KH&CN; xác định năng lực của cộng đồng KH&CN Việt Nam tham gia các hoạt động KH&CN quốc tế; xác định mức độ tác động của KH&CN quốc tế đối với Việt Nam…
Phát biểu tại Lớp tập huấn, ông Trần Đắc Hiến - Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia cho biết, lớp tập huấn nhằm trao đổi, hướng dẫn các cán bộ làm công tác thống kê KH&CN phối hợp hoàn thiện các phiếu điều tra của hai cuộc điều tra thống kê. Hiện nay có 16 chỉ tiêu thống kê, trong đó 10 chỉ tiêu thống kê ngành KHCN, 6 chỉ tiêu quốc gia về KHCN. Các chỉ tiêu này có một số nội dung trùng nhau nhưng không trùng hoàn toàn. Để thu thập dữ liệu các chỉ tiêu này sẽ cần tiến hành 5 cuộc điều tra, cụ thể là:
- Điều tra Tiềm lực KH&CN, 5 năm sẽ thực hiện 1 lần, sẽ thu thập thông tin về nguồn nhân lực, tài chính, hạ tầng cơ sở, thông tin và các tiềm lực KH&CN khác phục vụ phân tích thông tin, quy hoạch và xây dựng chiến lược, chính sách, phục vụ quản lý điều hành hoạt động KH&CN để xem xét tiềm lực của đất nước ta sau 5 năm có những thay đổi gì, xu hướng như nào.
- Điều tra Nghiên cứu phát triển, là cuộc điều tra theo thông lệ quốc tế, 2 năm thực hiện 1 lần nhằm mục đích thu thập thông tin về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các tổ chức nghiên cứu và phát triển, các trường đại học, các doanh nghiệp chế tạo phục vụ đánh giá, xây dựng chính sách, chiến lược, kế hoạch KH&CN, để xem hoạt động nghiên cứu phát triển của đất nước được thực hiện như nào, xu hướng đầu tư cho các hoạt động NC&PT trong các khu vực ra sao.
- Điều tra Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, là cuộc điều tra mới, 3 năm làm một lần. Hiện tại cuộc điều tra này đã được thực hiện 1 lần thí điểm và 1 lần chính thức. Cuộc điều tra thí điểm nằm trong khuôn khổ tiểu Dự án First-Nasati, giúp nắm bắt được mức độ đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp đến đâu cũng như những vướng mắc trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Phương pháp luận của cuộc điều tra này đã được gửi đến tất cả các Sở KH&CN, các Vụ KH&CN. Các đơn vị có thể tham khảo phương pháp luận này để tham mưu, đề xuất cho các cấp lãnh đạo, các cơ quan có thẩm quyền bổ sung hoặc ban hành các cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp hiệu quả hơn; giúp doanh nghiệp đổi mới quản trị, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa dịch vụ cung cấp ra thị trường.
- Điều tra Hội nhập quốc tế về KH&CN (5 năm làm 1 lần), nhằm mục đích thu thập thông tin về hội nhập quốc tế phục vụ đánh giá, xây dựng chính sách chiến lược KH&CN. Xem xét năng lực hội nhập quốc tế của Việt Nam như thế nào, nhất là trong điều kiện, bối cảnh toàn cầu hóa hội nhập hiện nay.
- Điều tra Nhận thức công chúng về KH&CN nhằm xem nhận thức của công chúng, mối quan tâm đến KH&CN và sự hiểu biết của họ về KH&CN như thế nào. Xác định sự khác biệt của thái độ và hiểu biết về KH&CN của công chúng so với những nghiên cứu trước đây. Trên cơ sở đó hình thành những chiến lược mới và kế hoạch hành động để nâng cao và thúc đẩy mối quan tâm về KH&CN của công chúng.
Để công tác điều tra đạt hiệu quả cao, là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng cho các báo cáo và hoạt định chính sách, Cục Thông tin đề nghị các cán bộ là đầu mối làm công tác thống kê KH&CN vào cuộc với tinh thần chủ động, phối hợp chặt chẽ với Cục Thông tin để việc thu thập thông tin, số liệu được nhanh chóng, hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch, bảo đảm số liệu thông tin chính xác, thống nhất, đầy đủ, các nội dung được yêu cầu, góp phần đảm bảo cho việc điều tra đúng quy định. Các số liệu này sẽ là nguồn thông tin đầu vào hết sức quan trọng để Cục Thông tin gửi cho UNESCO xem xét, thẩm định, xuất bản, xếp hạng cho Việt Nam. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng của chúng ta.
Cũng tại lớp tập huấn, ngoài hai nội dung liên quan đến Điều tra Thống kê KH&CN năm 2020, các đại biểu tham dự được chia sẻ thêm về hai nội dung thông tin liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng mạng VinaRen thông qua hai tài khoản mà Cục Thông tin đã cấp cho các đầu mối thông tin của các Bộ, ngành, địa phương từ tháng 3/2019 đến nay. Một tài khoản là để truy cập các cơ sở dữ liệu nhiệm vụ KHCN để xem nội dung toàn văn kết quả của 35 nghìn nhiệm vụ KHCN đang được lưu trữ tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia. Tài khoản thứ hai là tài khoản dành cho việc đóng góp dữ liệu khoa học công nghệ của địa phương để Cục Thông tin biên tập và đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN.