Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN, đồng thời là Điều phối viên quốc gia của Hiệp định hợp tác vùng RCA đã phát biểu khai mạc Cuộc họp với mong muốn lắng nghe những ý kiến chia sẻ từ các Điều phối viên dự án để giúp cho các hoạt động RCA có được những bước chuyển mới, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Tại Cuộc họp, đại diện Ban Hợp tác quốc tế, Viện NLNTVN đã trình bày báo cáo về hoạt động RCA năm 2019, chương trình RCA giai đoạn 2020-2021 và công tác chuẩn bị cho chương trình RCA giai đoạn 2022-2023. Chương trình RCA năm 2019 ghi nhận những kết quả nổi bật của dự án RAS/6/085 và RAS/7/030. Đối với Việt Nam, việc thực hiện dự án RAS6085 đã giúp xây dựng quy trình kỹ thuật SBRT trong điều trị ung thư phổi, ung thư gan và chuyển giao cho các bệnh viện trong nước. Trong dự án RAS/7030 triển khai từ 2016-2019, hơn 5.000 mẫu đã được thu thập để phân tích, xác định các nguồn nước, tốc độ, cơ chế bổ cấp và động lực nước ngầm phục vụ khai thác bền vững, trong đó Việt Nam đã đóng góp 70 mẫu nước và hơn 40 mẫu khí hiếm. Dự án đã giúp nghiên cứu động học các tầng nước ngầm ở khu vực đồng bằng Nam bộ phục vụ quản lý bền vững tài nguyên nước, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước ở Việt Nam.
Chương trình RCA giai đoạn 2020-2021 có 17 dự án IAEA/RCA (RAS), trong đó có 05 dự án thuộc lĩnh vực Y tế, 05 dự án thuộc lĩnh vực Nông lương, 04 dự án thuộc lĩnh vực Môi trường, 01 dự án trong lĩnh vực Công nghiệp, 01 dự án về An toàn bức xạ và 01 dự án về quản lý chương trình RCA. Đối với chương trình RCA 2020-2021, Việt Nam là nước đề xuất và chủ trì thực hiện dự án RAS/5/087 về “Tăng cường chiếu xạ thực phẩm bằng công nghệ EB và tia X để thúc đẩy an toàn, an ninh và giao thương thực phẩm” từ 2020-2023. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hoạt động đoàn ra, đoàn vào, hội nghị/hội thảo trong khuôn khổ RCA từ đầu năm 2020 đến nay đã tạm hoãn.
Theo kết luận tại Cuộc họp trực tuyến Điều phối viên quốc gia RCA lần thứ 42, ngày 23/4/2020, 08 đề xuất đã được chọn tiếp tục giai đoạn thiết kế dự án để chuẩn bị cho chương trình RCA giai đoạn 2022-2023. Trong 08 đề xuất này, đề xuất của Việt Nam về “Tăng cường hợp tác khu vực về phân tích đồng vị nước và môi trường để cải thiện thực tiễn quản lý nước, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ở khu vực châu Á Thái Bình Dương” được xếp hạng thứ 6. Đây là đề xuất duy nhất thuộc lĩnh vực Môi trường được chọn, và được xây dựng trên cơ sở các dự án IAEA/RCA trước đây về quản lý tài nguyên nước, nhằm mục đích xây dựng một quy chuẩn về quan trắc nước trong khu vực RCA góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong khu vực.
TS. Nguyễn Hào Quang, nguyên Phó Viện trưởng Viện NLNTVN, nguyên Điều phối viên quốc gia RCA từ 2015-2019, cho biết giai đoạn từ năm 1972 đến nay đối với RCA là giai đoạn chuyển giao KH&CN hạt nhân giúp cho đội ngũ cán bộ khoa học của Việt Nam tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành hơn. TS. Nguyễn Hào Quang mong muốn trong giai đoạn phát triển tiếp theo của RCA, các Điều phối viên dự án hãy cùng suy nghĩ, đưa ra những sáng kiến để cải tiến phương thức hợp tác của RCA, góp phần đưa công nghệ hạt nhân để giải quyết các bài toán kinh tế -xã hội trong khu vực, qua đó giúp giải quyết bài toán quốc gia trên cơ sở khai thác tiềm lực chuyên gia, kĩ thuật trong vùng.
Cuộc họp dành nhiều thời gian để thảo luận về việc huy động nguồn kinh phí đối ứng khi triển khai các dự án IAEA/RCA và trao đổi về việc cải tiến phương thức hợp tác trong giai đoạn tiếp theo. Tại Hội nghị, ông Vũ Tiến Hà, Trung tâm NDE đã chia sẻ những kinh nghiệm khi tham gia các dự án RAS và dự án hợp tác kỹ thuật VIE từ những năm 2000 đến nay. Ông Phan Sơn Hải, Viện Nghiên cứu hạt nhân và ông Nguyễn Kiên Chính, Trung tâm Hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh cũng có những chia sẻ thẳng thắn về những khó khăn khi tham gia các dự án IAEA/RCA. Về phía Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, TS. Trần Ngọc Toàn, Phó Viện trưởng chia sẻ tuy kinh phí của các dự án IAEA/RCA không nhiều, nhưng điểm lợi lớn nhất khi tham gia là giúp học hỏi, trau dồi những kiến thức chuyên môn, các kinh nghiệm quý giá khác như phương pháp làm việc, phương pháp luận và phương pháp khung logic (LMF) của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Những chia sẻ, giải đáp này rất hữu ích cho những điều phối viên dự án mới tham gia.
Theo nghĩa vụ luân phiên, Việt Nam sẽ đến lượt đăng cai tổ chức Cuộc họp Điều phối viên quốc gia RCA lần thứ 44 vào năm 2022. Tuy nhiên, để đánh dấu mốc 50 năm thành lập của RCA nên quy mô của Hội nghị RCA năm 2022 sẽ ở cấp Bộ trưởng cùng với tổ chức Triển lãm và Lễ kỷ niệm 50 năm RCA. Tại Cuộc họp, đại diện Ban HTQT đã trình bày Kế hoạch sơ bộ chuẩn bị cho sự kiện 50 năm RCA, trong đó đề xuất 4 nhóm phụ trách đánh giá tác động kinh tế-xã hội của chương trình RCA ở 4 lĩnh vực: Đột biến tạo giống, Xạ trị ung thư, Kiểm tra không phá hủy và Ô nhiễm không khí. Các điều phối viên dự án đều sẵn sàng phối hợp với Viện NLNTVN để triển khai hoạt động đánh giá khi có yêu cầu chính thức từ IAEA. Ngoài ra, các đại biểu cũng nhất trí bổ sung thêm việc đánh giá ở lĩnh vực Chiếu xạ thực phẩm do Việt Nam hiện nay đã đạt được trình độ nhất định trong lĩnh vực này và được công nhận trong khu vực RCA.
Kết thúc Cuộc họp, TS. Trần Ngọc Toàn, đại diện lãnh đạo Viện NLNTVN bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác hiệu quả với các Điều phối viên dự án, các cơ quan/đơn vị thụ hưởng dự án trong thời gian tới để thúc đẩy hoạt động hợp tác RCA, hướng tới kỷ niệm 50 năm RCA mà Việt Nam sẽ giữ vai trò chủ tịch RCA vào năm 2022./.