Thứ ba, 28/04/2020 12:09 GMT+7
Ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu và phát triển các phương pháp kiểm soát không dùng hóa chất trong sản xuất cà phê ở Việt Nam - Phân lập và nghiên cứu đặc tính của nấm Colletotrichum và tuyến trùng trên cây cà phê
Cà phê là một loại cây có giá trị kinh tế cao của Việt Nam. Xuất khẩu cà phê hiện chiếm khoảng 13% tổng giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê vối lớn nhất thế giới, chiếm tới 43% thị phần cà phê toàn cầu và đứng ở vị trí thứ hai sau Brazil về xuất khẩu cà phê trên thế giới. Tuy sản lượng hàng hóa và giá trị xuất khẩu cao nhưng sản phẩm cà phê Việt Nam vẫn bị đánh giá là không cao, thiếu ổn định và hệ thống sản xuất vẫn tiềm ẩn yếu tố kém bền vững do tình trạng sử dụng lãng phí và chưa hợp lý các nguồn tài nguyên và vật tư đầu vào.
Tỷ lệ nhiễm trên quả, cành và lá cây cà phê tại độ tuổi khác nhau ở miền Nam Việt Nam trong năm 2009
Để góp phần phát triển ngành cà phê bền vững, được sự tài trợ của tổ chức Sida/SAREC, từ năm 2004 đến giữa năm 2008, bộ môn Bệnh học Phân tử đã thực hiện dự án: "Ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu và phát triển sự kiểm soát không dùng hóa chất trong sản xuất cà phê tại Việt Nam". Nhiệm vụ hàng đầu của dự án là xây dựng một môi trường khoa học bền vững nhằm nâng cao kiến thức về bệnh hại thực vật và cách phòng trừ bệnh cho các cán bộ nghiên cứu, cán bộ địa phương và cả bà con nông dân trồng cà phê. Các cán bộ nghiên cứu thuộc dự án được đào tạo bài bản, có cơ hội đào tạo dài hạn và ngắn hạn tại nước ngoài nâng cao trình độ, học hỏi những kỹ thuật hiện đại.
Tác nhân gây bệnh cà phê tiếp là tuyến trùng, bởi mức độ nguy hại, khó chẩn đoán và phòng trừ. Muốn có phương pháp phòng trừ hiệu quả, an toàn thì phải hiểu rõ đặc điểm và đặc tính của tác nhân gây bệnh. Do đó, Cơ quan chủ trì Viện Di truyền Nông nghiệp phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Phạm Xuân Hội cùng thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu và phát triển các phương pháp kiểm soát không dùng hóa chất trong sản xuất cà phê tại Việt Nam - Phân lập và nghiên cứu đặc tính của nấm Colletotrichum và tuyến trùng trên cây cà phê” nhằm mục đích tạo điều kiện cho hai cán bộ nghiên cứu trên hoàn thành chương trình đào tạo. Mặt khác dự án vẫn tiếp tục những nghiên cứu chuyên sâu về tình trạng bệnh thán thư cà phê và sàng lọc những tác nhân phòng trừ sinh học nấm Colletotrichum.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
1. Có được bức tranh toàn cảnh về tình trạng bệnh thán thư cà phê gây bởi nấm Colletotrichum tại Việt Nam.
2. Thiết lập một mối quan hệ tốt giữa những viện nghiên cứu cơ bản và những trạm khuyến nông tại địa phương và bà con trồng cà phê.
3. Hoàn thành đào tạo chương trình tiến sỹ cho một nghiên cứu sinh.
4. Tăng cường năng lực chuyên môn về lĩnh vực bệnh học thực vật cho các cán bộ nghiên cứu trong và ngoài dự án.
5. Công bố những kết quả khoa học trên các tạp chí quốc tế và trong nước.
6. Xây dựng một nền tảng cho nghiên cứu trong tương lai về bệnh học thực vật và nghiên cứu bảo vệ thực vật.
*Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 14253/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.