Thứ bảy, 04/01/2020 10:22 GMT+7

“Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước trong mọi thời kỳ, đặc biệt hiện nay, là đặc biệt coi trọng KH&CN”

Chủ trương, đường lối xuyên suốt đó phải biến thành chính sách, công trình nghiên cứu, ứng dụng cụ thể với sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành chứ không riêng ngành khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt là những ngành hoạch định về chính sách kinh tế. Ngành KH&CN phải đi đầu tạo điều kiện, cơ hội cho những ý tưởng, sáng kiến mới, truyền đi thông điệp tôn vinh khoa học, khơi dậy sáng tạo trong toàn xã hội.

Đây là ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết công tác ngành KH&CN năm 2019 và triển khai công tác năm 2020 diễn ra sáng ngày 03/01/2020 tại Hà Nội.



Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

 

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Phan Xuân Dũng, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN và Môi trường của Quốc hội; Trần Tuấn Anh, Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Phạm Hồng Hà, Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Lê Thành Long, Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Lê Minh Hưng, Ủy viên BCH TW Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên BCH TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Vũ Đại Thắng, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Về phía Bộ KH&CN, có Bộ trưởng Chu Ngọc Anh; các đồng chí Lãnh đạo Bộ và nguyên Lãnh đạo Bộ KH&CN cùng tập thể cán bộ chủ chốt của Bộ KH&CN.

Tham dự Hội nghị còn có đại diện Lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các Bộ, ban, ngành Trung ương; Lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Lãnh đạo 63 Sở KH&CN; đại diện một số viện, trường, tổ chức KH&CN và doanh nghiệp có nhiều thành tựu trong hoạt động KH&CN; các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí;...



Toàn cảnh Hội nghị

Dấu ấn KH&CN trong nhiều lĩnh vực

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, trong năm 2019, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân (đặc biệt là sự đóng góp của cả lực lượng công nhân và nông dân), chính sách đã từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo hành lang ngày càng thông thoáng hơn cho hoạt động KH,CN và ĐMST. KH&CN đồng hành với các mục tiêu phát triển của các ngành, lĩnh vực, giúp nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nên kinh tế. Thực tế các kết quả ứng dụng KH&CN thể hiện trong tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, nông nghiệp...



Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị

 

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, Bộ KH&CN thực hiện nhiệm vụ đầu mối đôn đốc các bộ, ngành triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chủ trì triển khai Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa, hiện, các dự án khác thuộc Đề án Hệ tri thức Việt số hóa về nông nghiệp, lưu trữ, nhận dạng tiếng nói... đang được triển khai theo đúng tiến độ.

Bộ KH&CN cũng được giao nhiệm vụ đầu mối theo dõi Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Nhóm chỉ số công nghệ và đổi mới sáng tạo theo đánh giá mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai của Diễn đàn Kinh thế thế giới (WEF). Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, với các nỗ lực của cả hệ thống, chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2019 của Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc so với năm 2018, đứng ở vị trí 42/129 quốc gia/nền kinh tế và đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia.

Đáng chú ý, năm 2019 là năm Bộ KH&N thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, tiếp cận với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế. Năm 2019, ngoài Techfest quốc gia, lần đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức các kỳ Techfest quốc tế tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Singapore để quảng bá các startup và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam với thế giới.

Đặc biệt, Bộ KH&CN đã triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc để công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, sự an toàn của sản phẩm, hàng hóa; quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành, lĩnh vực.

Thời gian qua, Bộ KH&CN đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành triển khai nhiệm vụ trọng tâm, phục vụ mục tiêu phát triển của các ngành, lĩnh vực và phát triển kinh tế xã hội của địa phương và có sự đóng góp ngày càng cụ thể.

Có thể kể đến trong lĩnh vực nông nghiệp, KH&CN đã góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; tích cực tham gia hỗ trợ theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm quốc gia, chủ lực, sản phẩm trọng điểm của địa phương (OCOP). Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến. Chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao; nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ được nhân rộng. Trước diễn biến nhanh chóng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tìm giải pháp để kiềm chế, ngăn chặn bệnh dịch.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hạ tầng, bước đầu đã hướng dẫn các dự án thí điểm áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) và chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình xây dựng.

Những thành tựu KH&CN trong lĩnh vực y tế cũng rất đáng ghi nhận, lần đầu tiên thực hiện thành công tách một lá gan từ người cho chết não ghép cho hai bệnh nhân, đánh dấu một bước đột phá về kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine cúm mùa tam giá dạng mảnh bất hoạt (IVACFLU-S), vaccine cúm đầu tiên do Việt Nam tự sản xuất, có khả năng ngăn ngừa ba chủng virus cúm thông thường gồm A/H1N1/09; A/H3N2 và cúm B.

Trong lĩnh vực xây dựng, Việt Nam có thể thiết kế và làm chủ các công nghệ hiện đại trong thi công các công trình lớn. Các loại vật liệu mới cũng được nghiên cứu thành công như bê tông dùng cát biển và nước biển, có thể tận dụng vật liệu tại chỗ (nước biển, cát, san hô ...). Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, với ngành xây dựng chỉ có thể phát triển ngang tầm thế giới và khu vực nếu phát triển, nâng cao trình độ, năng lực KH&CN. "Nếu không có KH&CN sẽ không có thành tựu mới",

Trong lĩnh vực Quốc phòng, nhờ việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, Việt Nam đã chế tạo được nhiều trang thiết bị phục vụ bảo vệ chủ quyền đất nước. Trong số này có rada, tên lửa... Nhiều sản phẩm ban đầu chế tạo đã được đưa vào thử nghiệm trong các đơn vị trong toàn quân. Thông qua các kết quả nghiên cứu đã tạo ra một số sản phẩm bước đầu được đưa vào trang bị phục vụ cho quân đội. Các đơn vị đã cải tiến hiện đại hóa nâng cao tính năng của vũ khí, trang bị kỹ thuật: tăng uy lực, khả năng cơ động, khả năng đánh đêm, giảm phụ thuộc nhập khẩu về vũ khí, trang bị kỹ thuật, vật tư phục vụ cho sản xuất, chế tạo.



Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng báo cáo tại Hội nghị

 

Đổi mới hoạt động quản lý KH&CN, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo

Để tiếp tục hiện thực hóa các mục tiêu trong năm 2019, ngành KH&CN đã xác định những nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm để triển khai thực hiện, đó là đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia sẽ chú trọng theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Đồng thời, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh; thúc đẩy gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý KH&CN theo hướng dỡ bỏ các rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo. Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học mạnh, kết hợp đồng thời biện pháp động viên, khuyến khích và đặt yêu cầu trở lại đối với nhà khoa học.

Để góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ công tác năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, tập trung xây dựng và triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị; Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030; thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu đổi mới sáng tạo từ khu vực doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác công tư trong triển khai các dự án công nghệ quy mô lớn và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo…

Thứ hai, tiếp tục hoàn thành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thứ ba, tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác quản lý KH&CN và đổi mới sáng tạo. Tiếp tục đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh. Thúc đẩy gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung để tranh thủ nguồn lực và tri thức của các quốc gia tiên tiến, đồng thời từng bước nâng tầm năng lực và trình độ nghiên cứu trong nước. Thu hút, khai thác thế mạnh của đội ngũ các nhà khoa học tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài.

Cuối cùng, đề nghị các cấp các ngành, các địa phương quan tâm, chỉ đạo để đưa nhiệm vụ, giải pháp về KH&CN và đổi mới sáng tạo gắn trực tiếp với nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình xây dựng văn kiện đại hội đảng các cấp.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những đóng góp của ngành KH&CN trong thời gian qua.  Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2019 là năm thứ hai liên tục chúng ta hoàn thành tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Tốc độ tăng trưởng trên 7%, các chỉ tiêu xếp hạng quốc tế được cải thiện theo chiều hướng tốt, nhất là những chỉ số liên quan đến lĩnh vực KH&CN.

Cụ thể, số nghiên cứu công bố trên các tạp chí khoa học tăng 26% so với 2018. Chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 3 bậc. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%. Những con số đó cho thấy sự đóng góp thực chất, đáng kể của KH&CN vào thành tựu chung vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Đặc biệt là không khí tin tưởng, phấn khởi, ai cũng mong muốn đóng góp trí lực vào sự phát triển chung của cả nước.

Nói về những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho ngành KH&CN trong năm 2020, Phó Thủ tướng nhắc lại quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước trong mọi thời kỳ, đặc biệt hiện nay, là đặc biệt coi trọng KH&CN. Chủ trương, đường lối xuyên suốt đó phải biến thành chính sách, công trình nghiên cứu, ứng dụng cụ thể với sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành chứ không riêng ngành KH&CN, đặc biệt là những ngành hoạch định về chính sách kinh tế.

Phó Thủ tướng mong muốn và nhấn mạnh 5 điểm quan trọng: Phải đổi mới hệ thống ĐMST quốc gia theo đúng xu thế quốc tế, đặt doanh nghiệp làm trung tâm; Phải chú ý hơn nữa đến lĩnh vực KHXH&NV; Các bộ ngành cần tăng cường kết nối với các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp thâm nhập thị trường; Phải công khai, minh bạch hơn nữa mọi đề tài, công trình nghiên cứu, phản biện… tôn vinh nhà nghiên cứu, chuyên gia chân chính; Bộ KH&CN, giới nghiên cứu phải đi đầu, khơi dậy sáng tạo trong toàn xã hội từ những đề tài nghiên cứu, sáng chế đến những sáng kiến trong quản lý xã hội để cuộc sống văn minh; tôn vinh các nhà khoa học, những cá nhân có nhiều sáng kiến.

Thay mặt cho tập thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ KH&CN, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ KH&CN sẽ triển khai đầy đủ, nghiêm túc 5 chỉ đạo của của Phó Thủ tướng bằng những hành động cụ thể trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo các Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự Hội nghị chủ động tham mưu Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai các nhiệm vụ KH&CN được giao trong các Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đồng chí Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN và Huân chương Lao động hạng Ba cho Đồng chí Phạm Công Tạc, Thứ trưởng KH&CN.



Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đồng chí Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN và Huân chương Lao động hạng Ba cho Đồng chí Phạm Công Tạc, Thứ trưởng KH&CN

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 6415

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)