Ảnh: Phát thải KNK ở Việt Nam giai đoạn 1994-2010 theo lĩnh vực
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có một số nghiên cứu về các giải pháp giảm nhẹ KNK trong lĩnh vực chất thải tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào đánh giá hiệu quả kinh tế từng giải pháp. Đặt trong bối cảnh hơn 70% lượng phát thải là từ chất thải rắn (CTR), trong đó chủ yếu là nguồn chất thải rắn đô thị (CTRĐT), đề tài “Nghiên cứu hiệu quả kinh tế trong giảm nhẹ khí nhà kính cho lĩnh vực quản lý chất thải” do ThS. Trần Phương và TS. Đỗ Tiến Anh thuộc Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu làm chủ nhiệm đã tập trung nghiên cứu đánh giá hiệu quả kinh tế của các biện pháp giảm nhẹ cho lĩnh vực CTRĐT. Đây là sẽ là tiền đề quan trọng không chỉ phục vụ việc lựa chọn các giải pháp đảm bảo phát triển bền vững mà còn thúc đẩy việc thu hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này.
Ảnh: Phát thải KNK trong lĩnh vực chất thải năm 2010 (triệu tấn CO2)
Các nội dung chính của đề tài bao gồm:
- Nội dung 1: Tổng quan nghiên cứu liên quan đến phân tích hiệu quả kinh tế của các giải pháp giảm nhẹ KNK;
- Nội dung 2: Tổng quan vấn đề về giảm nhẹ KNK cho lĩnh vực quản lý chất thải trên thế giới và ở Việt Nam;
- Nội dung 3: Nghiên cứu, xác định mô hình tính toán hiệu quả kinh tế của các hoạt động giảm nhẹ KNK trong lĩnh vực CTRĐT;
- Nội dung 4: Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí xác định các giải pháp giảm nhẹ KNK cho lĩnh vực quản lý CTRĐT;
- Nội dung 5: Nghiên cứu, đề xuất các định hướng ưu tiên giảm nhẹ KNK trong lĩnh vực quản lý CTRĐT.
Với mục đích đó, đề tài được xây dựng với 03 mục tiêu:
- Đánh giá được tiềm năng giảm nhẹ KNK trong lĩnh vực quản lý CTRĐT;
- Đề xuất được mô hình lượng hóa hiệu quả kinh tế của các hoạt động giảm nhẹ KNK trong lĩnh vực quản lý CTRĐT;
- Đề xuất được bộ chỉ tiêu lựa chọn và định hướng ưu tiên giảm nhẹ KNK trong lĩnh vực quản lý CTRĐT.
Các kết quả của đề tài đã đáp ứng giải quyết được các mục tiêu, cụ thể bao gồm:
- Đối với mục tiêu đánh giá tiềm năng giảm nhẹ khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn đô thị, đề tài đã xác định được các giá trị tiềm năng giảm phát thải của từng khu xử lý đặc trưng từ -0,34 (đối với giải pháp đốt CTR) đến 1,4 tấn CO2tđ/tấn rác thải được xử lý (đối với giải pháp sản xuất phân compost). Trên cơ sở đó, tiềm năng giảm phát thải từ các giải pháp xử lý CTR được tính toán cho toàn bộ Việt Nam có giá trị từ 132,7 và 82,4 (lần lượt theo các kịch bản 10% và 3,27% đối với giải pháp chôn lấp có thu hồi khí) đến 324,2 và 201,9 triệu tấn CO2tđ (lần lượt theo các kịch bản 10% và 3,27% đối với giải pháp xử lý kỵ khí).
- Đối với mục tiêu đề xuất được mô hình lượng hóa hiệu quả kinh tế của các hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn đô thị, đề tài đã đưa ra được hiệu quả kinh tế của các giải pháp, từ -0,12 (đối với giải pháp xử lý kỵ khí có thu hồi khí cho cấp nhiệt) đến 4,36 triệu VNĐ/tấn CO2 giảm được (đối với giải pháp sản xuất RDF). Hơn nữa, 6 nhóm giải pháp (bao gồm: MO1. Chôn lấp có thu hồi khí cho phát điện; MO2. Chôn lấp bán hiếu khí; MO3. Sản xuất phân compost và Đốt CTR cho phát điện; MO4. Sản xuất phân compost và Sản xuất RDF; MO5. Xử lý kỵ khí có thu hồi khí sinh học cho cấp nhiệt và Đốt CTR cho phát điện; MO6. Xử lý kỵ khí có thu hồi khí sinh học cho cấp nhiệt và Sản xuất RDF) được xác định nhằm đánh giá cho 3 thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và toàn bộ Việt Nam.
- Đối với mục tiêu đề xuất bộ chỉ tiêu lựa chọn và định hướng ưu tiên giảm nhẹ khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn đô thị, đề tài đã xây dựng được bộ tiêu chí của đề tài bao gồm 5 tiêu chí kinh tế và 5 tiêu chí kỹ thuật sử dụng để chọn lọc các giải pháp ưu tiên cho các địa phương. Dựa trên cơ sở đánh giá của bộ tiêu chí, các định hướng ưu tiên trong việc triển khai các giải pháp giảm phát thải KNK cũng được xác định cho 3 thành phố thí điểm và toàn bộ Việt Nam.
Toàn văn báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu (Mã số 14450 / 2017) được lưu trữ tại Cục thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.