Ông Mario Gutiérrez, thư ký điều hành Cơ quan Pháp qui hạt nhân và phóng xạ (ARRN) của Paraguay cho biết: “Chúng tôi muốn đánh giá mức độ phơi nhiễm phóng xạ đối với công chúng và đảm bảo rằng các biện pháp kiểm soát phóng xạ là phù hợp. Chúng tôi có khả năng và sẽ góp phần làm giảm bất kỳ rủi ro phóng xạ tiềm năng nào đối với công chúng và môi trường”.
Việc quan trắc PXMT cũng sẽ mang lại cho người dân Paraguay sự an tâm, đặc biệt là vì quốc gia này có chung biên giới với Argentina và Brazil, trong khi cả hai nước đều đang vận hành các nhà máy điện hạt nhân (ĐHN).
Bằng cách quan trắc liên tục mức độ phóng xạ trong môi trường, các nhà khoa học Paraguay có thể quan trắc được mọi biến động về phóng xạ có thể xảy ra trong môi trường và có thể sẽ xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về phóng xạ tự nhiên có nguồn gốc từ đất, nước và không khí.
IAEA cũng hỗ trợ đào tạo cho Paraguay không chỉ cách đo mức độ phóng xạ mà còn đào tạo cả cách xác định nguồn gốc gây ra phóng xạ cho môi trường. Các hệ thống thiết bị mới có khả năng phân biệt đượcphóng xạ tự nhiên với các loại phóng xạ khác được tạo ra trong môi trường, chẳng hạn như phóng xạ từ một tai nạn hạt nhân hoặc từ một nguồn phóng xạ bị thất lạc.
Trong những năm gần đây, việc sử dụng các nguồn phóng xạ ở Paraguay ngày càng tăng. Nhiều nguồn phóng xạ được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp và đặc biệt là trong y học để chẩn đoán bệnh tật, điều trị ung thư…
Ông Mario Gutiérrez, thư ký điều hành ARRN còn cho biết “Ở Paraguay, hàng triệu đô la đang được đầu tư vào y tế, y học hạt nhân và xạ trị khi kinh tế đất nước phát triển. Năm 2018, các cơ quan quản lý của Paraguay đã cung cấp 300 ủy quyền về năng lực trong lĩnh vực ARRN, năm 2019 đã đạt đến con số 1000, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế”.
IAEA hỗ trợ cho các quốc gia như Paraguay trong việc sử dụng các nguồn phóng xạ đảm bảo an toàn và an ninh. Ông Diego Telleria, chuyên gia bảo vệ bức xạ tại IAEA cho biết các ứng dụng khác của công nghệ hạt nhân cần đi kèm với sự kiểm soát có hệ thống hơn sẽ giảm thiểu bất kỳ rủi ro nào liên quan đến con người và môi trường đồng thời gia tăng lợi ích của các ứng dụng.
Hệ thiết bị quan trắc PXMT trực tuyến của Paraguay vừa được trang bị có thể theo dõi và phát hiện được mức độ phóng xạ gamma trong không khí trong vùng bán kính đến 150km và truyền dữ liệu về ARRN. Ở mỗi hệ thiết bị, không khí được hút qua phin lọc chuyên dụng và đến 85% các hạt son khí sẽ được giữ lại trên phin lọc. Các phin lọc được thay thế tự động hàng ngày và sau đó chúng được chuyển sang đo phóng xạ trên hệ phổ kế gamma bán dẫn có độ phân giải cao về năng lượng. Số liệu phổ được gửi về ARRN để phân tích và hiển thị trực tuyến.
Để tăng cường năng lực cho các trạm quan trắc PXMT, IAEA cũng đã tài trợ cho Paraguay một phòng thí nghiệm (PTN) phân tích phóng xạ một hệ đếm nhấp nháy lỏng để phân tích mức phóng xạ trong các mẫu nước, trầm tích và lương thực, thực phẩm.
Các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ đa ngành (CEMIT) của trường Đại học Quốc gia Asunción cũng đã được đào tạo để sử dụng các thiết bị mới và các phương pháp phân tích, đánh giá kết quả, từ đó họ có thể mở rộng phạm vi nghiên cứu của mình.
Ông Claudia Ávalos, nhà nghiên cứu tại CEMIT nói rằng “Ngoài việc được tăng cường các thiết bị để quan trắc phóng xạ gamma, với hệ đếm nhấp nháy lỏng mới giờ đây chúng tôi có thể đo và đánh giá được phóng xạ alpha và beta – loại phóng xạ khó phát hiện hơn và có thể gây nguy hại cho sức khỏe con người khi xâm nhập vào bên trong cơ thể. Chúng tôi đang mong đợi có được cơ sở dữ liệu quan trọng mà các trạm quan trắc môi trường và máy phân tích mới sẽ tạo ra”.
Thông qua chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA, ngài C. Ávalos và các nhà nghiên cứu khác đã được thực hiện chương trình nghiên cứu sinh tạiPTN hạt nhân ở Argentina để học hỏi cách sử dụng các thiết bị mới, cũng như phân tích và giải thích dữ liệu thu được.
Việc nâng cấp các trang thiết bị cũng sẽ giúp cho nhóm nghiên cứu có thể thực hiện được các nghiên cứu khoa học phức tạp hơn, ví dụ như đo mức nền phóng xạ trong suốt cả năm và quan trắc sự thay đổi của chúng theo thời gian, thời tiết hoặc theo thành phần đất.
Thư ký điều hành ARRN, ông Gutiérrez, phát biểu “Chúng tôi rất tâm huyết vì việc khánh thành hệ thống quan trắc PXMT thể hiện một nguồn kiến thức và thúc đẩy sự phát triển khoa học của Paraguay trong lĩnh vực hạt nhân, cơ quan quản lý của Paraguay (ARRN) đã hợp tác chặt chẽ với CEMIT, đang mở rộng quan hệ đối tác với các tổ chức có liên quan khác trong việc ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình”.
Lời bàn
Chúng ta cũng đang xây dựng và vận hành một Mạng lưới quan trắc và cảnh báo PXMT quốc gia theo qui hoạch đến 2020 (Quyết định số 1636/QĐ-TTg ban hành ngày 31/08/2010 của Thủ tướng Chính phủ) nhằm mục đích: i) Theo dõi và kịp thời phát hiện những diễn biến bất thường về bức xạ trên toàn lãnh thổ Việt Nam; ii) Hỗ trợ cho việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; iii) Cung cấp cơ sở dữ liệu về PXMT quốc gia phục vụ công tác quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.
Do đó, mạng lưới sẽ có nhiệm vụ xác định nhanh chóng và thông tin trực tuyến các biến động bất thường về phóng xạ trong môi trường, sau đó kết hợp với các số liệu quan trắc của mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, các nhà khoa học sẽ phân tích đánh giá để xác định kịp thời bản chất, nguồn gốc, diễn biến của sự kiện và đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho con người và môi trường. Muốn vậy, các thiết bị sử dụng trong quan trắc - cảnh báo phải đảm bảo tính sẵn sàng, hiện đại đồng bộ, có độ chính xác cao và nhạy theo một quy chuẩn nhất định và công tác quan trắc phải được duy trì thường xuyên, liên tục 24/24.
Tuy nhiên, thời hạn thực hiện Qui hoạch chỉ còn hơn một năm nữa thôi, trong khi thực tế vẫn còn rất nhiều việc phải giải quyết đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cơ sở pháp lý. Hy vọng một ngày không xa, Việt Nam cũng sẽ khai trương Mạng lưới quan trắc và cảnh báo PXMT quốc gia.
Lược dịch từ bản tin của Laura Gil, IAEA Office of Public Information and Communication
(https://www.iaea.org/newscenter/news/paraguay-launches-environmental-radiation-monitoring-system-with-iaea-support).