Thứ năm, 05/09/2019 14:33 GMT+7

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực đổi mới, ứng dụng công nghệ

Sau gần 7 năm thực hiện, các Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia đã đạt được nhiều kết quả trong các lĩnh vực, đặc biệt là cơ khí – tự động hóa. Nhờ đó, năng lực công nghệ của doanh nghiệp được nâng lên đáng kể: doanh nghiệp trong nước đã làm chủ công nghệ thiết kế, sản xuất các thiết bị siêu trường, siêu trọng, động cơ, phụ tùng ô tô; sản xuất robot nhiều bậc tự do; sản xuất thiết bị phụ trợ cho các hãng cơ khí, điện tử hàng đầu thế giới… cũng như hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên hoàn thiện, thương mại hóa các kết quả sáng tạo của mình; mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và xã hội.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng: Lĩnh vực cơ khí - tự động hóa có nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
 

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng về kết quả, tác động của các nhiệm vụ trong các Chương trình KH&CN quốc gia đối với lĩnh vực cơ khí – tự động hóa được Bộ KH&CN triển khai từ năm 2013. Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Nâng cao năng lực công nghệ và hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí - tự động hóa thông qua các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia" do Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia tổ chức tại Hà Nội, sáng ngày 04/9/2019. Hội thảo có sự tham dự của TS. Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KH&CN; GS.Hoàng Văn Phong – Chủ nhiệm Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia; TS. Đỗ Hữu Hào – Chủ nhiệm Chương trình Sản phẩm quốc gia; một số nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp,…

Nhiều cơ hội phát triển từ chính sách hỗ trợ

Với việc phát triển đất nước theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lĩnh vực cơ khí – tự động hóa có vai trò hết sức to lớn trong việc phát triển đất nước. Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,76%. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, đóng góp từ công nghiệp và xây dựng chiếm 51,8 % - cao nhất trong các ngành trọng điểm của Việt Nam. Trong 10 năm qua, ngành công nghiệp nói chung và cơ khí - tự động hóa nói riêng được coi là xương sống của nền kinh tế. Hiện Việt Nam có hơn 25.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, trong đó có khoảng 1/3 doanh nghiệp nội địa, xuất khẩu đạt gần 20 tỷ USD mỗi năm.

Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020, chế tạo máy - tự động hóa là một trong bốn hướng công nghệ ưu tiên, bên cạnh công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ môi trường. Từ cuối năm 2010 – 2011, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt và giao Bộ KH&CN chủ trì triển khai các Chương trình KH&CN quốc gia: Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Chương trình 592); Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương, đa phương về KH&CN; Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài.
 

Toàn cảnh Hội thảo.
 

Trong các Chương trình nói trên, các nội dung hỗ trợ đối với lĩnh vực cơ khí – tự động hóa được nêu trực tiếp hoặc gián tiếp. Ví dụ như với Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, trong danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển có 15/58 công nghệ thuộc lĩnh vực cơ khí – tự động hóa.

Cùng với đó, trong các Chương trình cũng có nhiều nội dung hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước như: hỗ trợ tối đa 100% kinh phí đối với hoạt động nghiên cứu, làm chủ, phát triển và tạo ra công nghệ; tối đa 50% kinh phí đối với hoạt động hoàn thiện công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm quốc gia; tối đa 100% kinh phí đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực đối với đơn vị trực tiếp tham gia dự án; hỗ trợ hoạt động thương mại hóa sản phẩm và phát triển thị trường, hoạt động xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ về tín dụng, ưu đãi một số loại thuế; hỗ trợ tối đa 30% kinh phí mua vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, thiết bị đo kiểm, phân tích,…

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, các chính sách nói trên đã tạo không ít cơ hội để họ có thể tận dụng mọi nguồn lực của mình và phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính mới, chất lượng và giá thành sản phẩm nhằm nâng cao năng lực đổi mới, làm chủ công nghệ.

Doanh nghiệp làm chủ được nhiều công nghệ

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, với định hướng lấy doanh nghiệp là trung tâm, các nhiệm vụ của Chương trình được triển khai từ cuối năm 2013 và đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là cơ khí - tự động hóa. Năng lực công nghệ của doanh nghiệp được nâng lên đáng kể: doanh nghiệp trong nước đã làm chủ công nghệ thiết kế, sản xuất các thiết bị siêu trường, siêu trọng, động cơ, phụ tùng ô tô; sản xuất robot nhiều bậc tự do; sản xuất thiết bị phụ trợ cho các hãng cơ khí, điện tử hàng đầu thế giới như LG, Samsung, NEC… cũng như hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên hoàn thiện, thương mại hóa các kết quả sáng tạo của mình; mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và cho toàn xã hội.

Chia sẻ về các kết quả nổi bật trong lĩnh vực cơ khí – tự động hóa, ông Nguyễn Sĩ Đăng – Phó Giám đốc Văn phòng Các chương trình KH&CN quốc gia cho biết, có thể kể đến Dự án “Hoàn thiện thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất linh hoạt kết cấu nhà thép nhẹ tiền chế” thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao do Công ty TNHH Máy và Sản phẩm Thép Việt chủ trì thực hiện. Doanh nghiệp đã sản xuất được các dây chuyền sản xuất linh hoạt nhà thép nhẹ tiền chế cho nhà dân dụng và nhà công nghiệp; chuyển giao được một số dây chuyền cho các đối tác trong và ngoài nước như Úc, Bờ Biển Ngà, Đài Loan (Trung Quốc), giúp doanh thu của doanh nghiệp tăng hơn 20%.

Hoặc với việc triển khai Dự án “Hoàn thiện công nghệ chế tạo robot phục vụ đào tạo”, Công ty TNHH Robot Việt Nam đã làm chủ được công nghệ chế tạo robot tay máy 5 bậc tự do phục vụ đào tạo và chế tạo được 9 robot, 7 module, thiết kế 35 bài giảng để đào tạo về kỹ thuật chế tạo robot trong các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật. Sản phẩm robot của nhiệm vụ có chất lượng tương đương với các sản phẩm nước ngoài đang có trên thị trường và giảm được ~60% giá thành sản phẩm. Đặc biệt, đến nay đơn vị chủ trì đã chuyển giao được 6 robot cho các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật trong nước và được đánh giá rất tốt.
 

Sản phẩm cổng trục bốc xếp vật liệu cho tổ hợp Nhà máy Điện đạm Cà Mau do Công ty CP kết cấu thép và thiết bị nâng Việt Nam – VINALIFT thiết kế, chế tạo.
 

Trong Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Dự án “Nghiên cứu đổi mới công nghệ chế tạo một số sản phẩm điển hình từ hợp kim nhôm và hợp kim kẽm nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước, tham gia thị trường quốc tế” đã giúp Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Hưng Yên đổi mới và hoàn thiện chuỗi công nghệ chế tạo các chi tiết điển hình từ hợp kim kẽm, hợp kim nhôm nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, hướng tới thị trường quốc tế; Dự án “Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế và đổi mới công nghệ chế tạo một số bộ phận của các loại cầu trục, cổng trục cảng biển” đã giúp Công ty CP kết cấu thép và thiết bị nâng Việt Nam – VINALIFT làm chủ chủ được quy trình thiết kế, chế tạo cần trục cảng và cụm xe hàng, chân di chuyển của các loại cầu trục, cổng trục để nâng cao chất lượng, sản lượng nhằm tham gia chuỗi cung toàn cầu về thiết bị nâng hạ và phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển cảng biển trong nước.

Cùng với đó, thông qua Dự án “Nghiên cứu đổi mới công nghệ thiết kế và chế tạo dây chuyền sản xuất cáp điện” thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Công ty TNHH Công nghiệp Quang Nam đã chế tạo thành công hệ thống thiết bị sản xuất dây cáp điện, chất lượng tương đương của Hàn Quốc, Châu Âu, giá thành bằng 50% nhập khẩu, giúp các doanh nghiệp sản xuất dây cáp điện của Việt Nam có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất;...

Tại Hội thảo, ngoài việc đánh giá kết quả triển khai các chương trình quốc gia trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa giai đoạn 2011 – 2020, nhìn lại những thành tựu, hạn chế những năm qua, các đại biểu tham dự cũng dành nhiều thời gian trao đổi về định hướng phát triển ngành công nghiệp cơ khí - tự động hóa giai đoạn 2021 – 2030. Ý kiến của các đại biểu có vai trò quan trọng, góp phần phục vụ việc tái cơ cấu các Chương trình KH&CN quốc gia trong giai đoạn mới Bộ KH&CN đang tiến hành.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 4570

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)