Thứ hai, 19/08/2019 15:40 GMT+7

Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất nhân tạo giống cá dứa

Việt Nam cũng như trên thế giới chưa có công trình nghiên cứu đầy đủ về đặc điểm sinh học sinh sản và chưa có được công nghệ sản xuất giống cá dứa (Pangasius sp). Cá dứa sống được trong môi trường nước ngọt và nước lợ nên là đối tượng tiềm năng để đa dạng đối tượng nuôi cho các vùng sinh thái khác nhau. Một số loài cá thuộc họ Pangasiidae như Pangasianodon hypothalmus, Pangasius bocourti đã có công nghệ sinh sản nhân tạo và ứng dụng rộng rãi vào sản xuất giống. Một số loài khác như Pangasianodon gigas, Pangasius conchophilus, P. krempfi… cũng có những thành công bước đầu trong sản xuất giống nhân tạo. Cá dứa là đối tượng có giá trị kinh tế và có tiềm năng phát triển nuôi ở quy mô lớn nên việc đặt ra các nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ này là phù hợp và cần thiết cho sự phát triển của ngành. Vì vậy, nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III do ThS. Nguyễn Hữu Khánh làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất nhân tạo giống cá dứa (Pangasius sp.)” trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015.

Một số kết quả nghiên cứu nổi bật:

- Đã nghiên cứu được một số đặc điểm sinh học của cá dứa như sau:

+ Đối tượng cá dứa cần nghiên cứu sản xuất giống trong nhiệm vụ này là loài Pangasius mekongensis.

+ Mùa vụ sinh sản của cá dứa bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 12, tập trung vào tháng 10-tháng 11 và cá sinh sản 1 đợt trong năm.

+ Sức sinh sản tuyệt đối của cá dứa 3,0-6,5 kg trung bình 86.811 trứng/cá mẹ (dao động từ 42.500-165.000 trứng/cá mẹ) và sức sinh sản tương đối 16.020 trứng/kg cá mẹ (8.500-27.500 trứng/kg cá mẹ).

+ Trong điều kiện nuôi, cá dứa thành thục lần đầu khi đạt khối lượng trung bình từ 2,46 kg/con trở lên, tương ứng với tuổi 3+.

- Đã có được quy trình kỹ thuật thuần dưỡng và nuôi vỗ thành thục cá dứa bố mẹ với tỷ lệ sống qua thuần dưỡng đạt 9,8%, tỷ lệ thành thục đạt 71,2% đối với nuôi ao và 86,4% đối với nuôi lồng.

- Đã xây dựng được qui trình công nghệ sản xuất nhân tạo giống cá dứa: tỷ lệ thành thục đạt 73,3% và tỷ lệ sống đến cỡ giống (5 cm) đạt 25,1%.

- Đã xây dựng được mô hình sản xuất nhân tạo giống cá dứa tại trại giống:

+ Kết quả áp dụng qui trình sản xuất giống nhân tạo cá dứa vào điều kiện thực tế của trại giống cho thấy các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt được tương đương và cao hơn so với kết quả thử nghiệm.

+ Tỷ lệ thành thục của cá đạt trung bình 76,3%, tỷ lệ thụ tinh đạt 80,3% và tỷ lệ sống từ cá bột đến cá giống đạt trung bình đạt 26,5%. Đã sản xuất được 43.000 con cá giống, kích cỡ trung bình 6-7 cm.

Qui trình sản xuất giống nhân tạo cá dứa cần được chuyển giao vào sản xuất và phát triển để cung ứng con giống cho người nuôi. Tuy vậy, để có thể phát triển nghề nuôi cá dứa, cần phải đầu tư nghiên cứu qui trình kỹ thuật nuôi và có những hỗ trợ cần thiết để nhân rộng tạo sản phẩm hàng hóa, quảng bá gắn kết với thị trường tiêu thụ.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14067) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 4208

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)