Thứ hai, 19/08/2019 15:30 GMT+7

Nghiên cứu thành phần loài và đa dạng di truyền chi Nhân sâm (Panax L.) ở Việt Nam

Việc nghiên cứu phân loại các loài thuộc chi sâm ở Việt Nam chưa rõ ràng. Mặt khác, việc nghiên cứu về địa thực vật đã có từ lâu nhưng việc làm rõ về quan hệ giữa các loài khác nhau dựa vào phân tử ít được chú ý. Thay vào đó, người ta thường chỉ dựa vào những nét tương đồng về hình thái. Vì vậy, tri thức về quan hệ phát sinh của các loài thuộc chi Sâm (Panax) ở Việt Nam dựa vào phân tử chưa có nhiều. Do đó, các nhà khoa học đứng đầu là TS. Trần Văn Tiến, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thành phần loài và đa dạng di truyền chi Nhân sâm (Panax L.) ở Việt Nam” trong giai đoạn 2014-2017.

Đề tài nhằm nghiên cứu và hệ thống hóa phân loại của chi Sâm ở Việt Nam dựa trên khảo sát thực địa, so sánh mẫu vật lưu giữ ở các bảo tàng thực vật và hệ thống phân tử; phân tích đa dạng di truyền trong và giữa các quần thể, các loài Sâm bằng các kỹ thuật phân tử thông qua các nhận dạng đặc trưng ADN, những hiểu biết về đa dạng di truyền của quần thể giúp ích cho việc lưu giữ, bảo tồn những loài quý hiếm và đặc hữu này.

Đối với Sâm, việc mô tả một taxon là điều khó khăn, vì rất nhiều nghiên cứu được tiến hành trên đối tượng có giá trị dược liệu cao này, đặc biệt là tìm kiếm một taxon mới. Do đó, đề tài đã mô tả một taxon mới cho khoa học, Sâm Lang Bian (P. vietnamensis var. langbianensis). Kết quả trên đã bổ sung nguồn tài nguyên có giá trị cao không những cho Việt Nam mà còn cho thế giới.

Thông qua kết quả điều tra nghiên cứu đã chứng minh Việt Nam là một trong những trung tâm có nguồn tài nguyên Sâm đa dạng và phong phú của thế giới.

Kết quả của đề tài lần đầu tiên đã chỉ ra được nền tảng di truyền của 3 taxon Sâm ở Việt Nam [Sâm lai châu (P. vietnamensis var. fuscidiscus), Sâm lang bian (P. vietnamensis var. langbianensis), Tam thất hoang (P. stipuleanatus)] là không cao và một số quần thể có sự suy giảm đa dạng di truyền qua các thế hệ. Cần phải tiến hành nghiên cứu bảo tồn theo cả 2 hướng in situ và ex situ.

Kết quả nghiên cứu về đa dạng di truyền làm cơ sở cho việc bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên quý hiếm của đất nước.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14065) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 5003

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)