Tiếp tục cải thiện Chỉ số GII
Ngày 26/7/2019, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sỹ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tổ chức Hội thảo trực tuyến giới thiệu báo cáo Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) năm 2019 và kết quả của Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo trực tuyến
Tham dự sự kiện có ông Dương Chí Dũng, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sỹ, Chủ tịch đại hội đồng WIPO; ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST); ông Nguyễn Ngọc Song, Phó Giám đốc Học viện KHCN&ĐMST; ông Sacha Wunsch- Wincent, chuyên gia cao cấp của WIPO; các đồng nghiệp của Tổ chức WIPO; cùng các đại diện các Bộ, cơ quan và địa phương tại Việt Nam.
Đại sứ Dương Chí Dũng và theo ông Sacha Wunsch – Vincent tham dự Hội thảo trực tuyến tại đầu cầu Geneva, Thụy Sỹ
Ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện KHCN&ĐMST cho biết, Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận giữa các Bộ, cơ quan, địa phương để xác định các vấn đề cần tiếp tục triển khai thực hiện để cải thiện Chỉ số GII; bên cạnh đó, chuyên gia của WIPO cung cấp thông tin cập nhật về chỉ số ĐMST năm 2019 sẽ giúp làm rõ kết quả, ý nghĩa và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam. Từ đó sẽ giúp các Bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai nhiệm vụ đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019.
Ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện KHCN&ĐMST: Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận giữa các Bộ, cơ quan, địa phương để xác định các vấn đề cần tiếp tục triển khai thực hiện để cải thiện chỉ số GII
Thứ trưởng Bùi Thế Duy khẳng định, Chỉ số GII là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực ĐMST của các quốc gia và các nền kinh tế. Phương pháp đánh giá được liên tục hoàn thiện qua các năm, và là hệ quy chiếu toàn diện nhất để đánh giá năng lực ĐMST của các quốc gia và các nền kinh tế. Chỉ số GII năm 2019 với 21 nhóm chỉ số và 80 tiểu chỉ số vẫn được chia thành 7 trụ cột chính với 5 trụ cột đầu vào là: Thể chế vĩ mô, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Thị trường và Môi trường kinh doanh và 2 trụ cột đầu ra là: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo.
Năm nay, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 3 bậc lên vị trí 42 trên 129 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng so với năm 2018. So với xếp hạng năm 2016, thứ hạng này đã cải thiện 17 bậc, đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia. Kết quả chỉ số GII năm 2019 cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều chỉ tiêu Chính phủ đặt ra cho năm 2019 và 2021.
Đạt được kết quả như nêu trên, trước hết là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, cơ quan, địa phương. Đây không những là vấn đề về nâng tầm hình ảnh và vị thế quốc gia mà còn là cơ hội tạo thế mạnh trong thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Những hành động của Việt Nam trong thời gian vừa qua nhằm cải thiện chỉ số GII đã được tổ chức WIPO ghi nhận và đánh giá rất cao.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy: Đạt được kết quả như nêu trên, trước hết là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, cơ quan, địa phương
Việc gia tăng thứ hạng thể hiện rất rõ ở các chỉ số liên quan đến đầu vào và đầu ra của ĐMST. Các chỉ số tăng mạnh cụ thể là: tổng chi cho nghiên cứu và phát triển, sản phẩm dựa trên tri thức và công nghệ. Minh chứng cho thấy, năm 2018, 2019 ghi nhận sự chuyển đổi mạnh mẽ của các tập đoàn lớn đầu tư phát triển KH&CN chi cho nghiên cứu và phát triển tăng mạnh như: VinGroup, CMC, Trường Hải, Phennika, Dầu khí… Cũng trong năm 2019, lần đầu tiên, 2 trường đại học của Việt Nam lọt top 1000 đại học thế giới (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM). Bên cạnh đó, các chỉ số thành phần của nhóm chỉ số về sản phẩm tri thức, sản phẩm sáng tạo đã giúp tăng hạng trụ cột Đầu ra về tri thức và công nghệ.
Đại sứ Dương Chí Dũng nhận định, việc cải thiện thứ hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Chỉ số GII 2019 là kết quả của sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng như sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, đứng đầu là Bộ KH&CN để triển khai đồng bộ các giải pháp.
Theo Đại sứ, Chỉ số GII không chỉ là một tài liệu rất quan trọng đối với Việt Nam mà hiện tại tất cả các nước, trong đó các nước phát triển, đang phát triển (như Trung Quốc, Ấn Độ,…) và các nước có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ đều quan tâm. Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry cũng đánh giá cao thứ hạng 42 của Việt Nam trong bảng xếp hạng, coi đây là kết quả tốt, đáng khích lệ trong bảng xếp hạng toàn cầu, đặc biệt trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp, cũng như trong khu vực ASEAN.
Đại sứ cũng đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả của WIPO dành cho Việt Nam trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ nói chung và việc cải thiện vị thế của Việt Nam trong bảng xếp hạng Chỉ số ĐMST nói riêng thông qua các hoạt động/dự án hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực. Tuy nhiên, theo Đại sứ, để phát huy tiềm năng sáng tạo to lớn của Việt Nam, cần có chính sách khuyến khích, thúc đẩy ĐMST, bao gồm cả chính sách đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Những vấn đề đặt cho cho Việt Nam
Từ góc độ chuyên gia, ông Sacha Wunsch – Vincent cho rằng, Việt Nam có xu hướng tăng dần về thứ hạng Chỉ số GII qua các năm, điều đó khẳng định sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy ĐMST. “Tôi đã đi nhiều quốc gia trên thế giới để giới thiệu về Chỉ số GII, trong những năm gần đây, tôi hay lấy Việt Nam như một ví dụ cụ thể về vấn đề này. Sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành nhằm cải thiện năng lực ĐMST quốc gia của Việt Nam cần được giới thiệu như hình mẫu cho các quốc gia khác tham khảo”.
Tuy nhiên, theo ông Sacha Wunsch – Vincent, đây không phải là lúc để nghỉ ngơi, bởi khi càng gần Top 40, Top của các nước có thu nhập vượt trội, việc cải thiện để vươn lên là điều hết sức khó khăn, cần nỗ lực lớn. Bởi khi nhìn vào Top 40 nước trong xếp hạng Chỉ số GII đều có điểm chung là tập trung các cụm KH&CN hàng đầu như: Hoa Kỳ có số lượng cụm KH&CN nhiều nhất (26); Trung Quốc có các cụm KH&CN nhiều thứ hai (18); tiếp đến là Đức, trong khi đó Việt Nam chưa có cụm KH&CN nào. Kết quả của Việt Nam thể hiện qua 7 trụ cột cấu thành, trong đó có 2 trụ cột Việt Nam thể hiện tốt là đầu ra tri thức công nghệ và trình độ phát triển của thị trường. Chính vì vậy, Việt Nam, cần nỗ lực nhiều hơn nữa để chuyển sang nâng cao về chất thay vì về lượng như tăng cường cho đầu tư R&D, gia tăng hàm lượng nội địa hóa trong xuất khẩu công nghệ cao cũng như đóng góp và giá trị gia tăng xuất khẩu công nghệ cao. Ngoài ra cần chú ý cải thiện kết quả ở những trụ cột về cơ sở hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực, trình độ kinh doanh….
Trong vòng 3 năm tiếp theo sẽ quyết định Việt Nam có thể vươn lên vị trí của một quốc gia đột phá về ĐMST và vượt qua được bẫy thu nhập trung bình hay không, ông Sacha Wunsch – Vincent đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần chuyển dịch chậm từ phương pháp truyền thống để tăng trưởng; Thúc đẩy các chính sách để thu hút thêm đầu tư từ nước ngoài để nâng cao năng lực trong nước; Tăng cường hợp tác công tư, đưa liên kết này thành động lực cho tăng trưởng và ĐMST; Giữ vững đà tăng trưởng về chất lượng của các hoạt động nghiên cứu và đào tạo nâng cao; Tiếp tục tích hợp và áp dụng các kế hoạch/chiến lược sở hữu trí tuệ đáp ứng nhu cầu và chính sách trong nước.
“Việt Nam nên lựa chọn 3-4 ngành hoặc lĩnh vực cụ thể (biến đổi khí hậu, y tế, nông nghiệp…) để tập trung các chính sách, nguồn lực đầu tư và các hoạt động, nhiệm vụ nhằm phát triển các ngành, lĩnh vực này. Đặc biệt, cần có đầu tư thích đáng cho nghiên cứu và phát triển nói chung, hiện nay tỷ lệ chi cho nghiên cứu và triển khai so với GDP của Việt Nam chỉ là 0.5%, trong khi thông thường để thay đổi về chất của ĐMST thì mức đầu tư này phải gấp ba lần, ở mức 1.5%, từ đó mới có thể có những đột phá về kết quả đầu ra như số lượng đăng ký sáng chế và các tài sản trí tuệ khác góp phần nâng cao chất lượng của ĐMST”.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy khẳng định, Chỉ số GII cho thấy, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Chúng ta đã bước vào nhóm của các “ông lớn”, bởi trong Top 50 quốc gia dẫn đầu chỉ có 3 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Vì vậy, không chỉ nỗ lực để cải thiện mà giữ nguyên được là công việc không hề đơn giản. Bộ KH&CN, với tư cách là đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về ĐMST do Chính phủ phân công sẽ tiếp tục hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương với các hoạt động cụ thể. Thứ trưởng cũng mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của Đại sứ Dương Chí Dũng, sự hỗ trợ quý báu của Ông Sacha Wunsch-Vincent và các đồng nghiệp của ông tại WIPO.