Thứ năm, 18/07/2019 10:13 GMT+7

Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Kinh nghiệm từ Thượng Hải

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Thượng Hải, Trung Quốc, hàng năm đều tổ chức đánh giá lại các doanh nghiệp ươm tạo để có những chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả và quyết định có đầu tư tiếp hay không. Những doanh nghiệp yếu kém sẽ bị mua lại hoặc sáp nhập với các doanh nghiệp khác.

Ông Zhang Wen, Phó Giám đốc Trung tâm ĐMST Thượng Hải, chia sẻ thông tin trên tại Diễn đàn Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST do Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN phối hợp với Ủy ban KH&CN Thượng Hải tổ chức ngày 16/7 tại TPHCM.

Ông Zhang Wen cho biết, từ năm 2014 đến nay, hoạt động khởi nghiệp ĐMST của Trung Quốc phát triển như vũ bão. Tính đến cuối năm 2018, Trung Quốc có trên 600 ngàn người tham gia các dự án ươm tạo khởi nghiệp, với tỷ lệ thành công 22%. Đa số người tham gia khởi nghiệp là sinh viên đại học; tiếp đến là các doanh nghiệp lớn khởi nghiệp ở các lĩnh vực khác, các chuyên gia công nghệ ở các cơ quan nhà nước ra ngoài thành lập công ty để khởi nghiệp và các du học sinh về nước khởi nghiệp. Theo ông Zhang Wen, nhóm du học sinh mặc dù tham gia khởi nghiệp không nhiều, nhưng lại đạt hiệu quả nhất vì họ vừa có kiến thức công nghệ tốt, vừa am hiểu thị trường trong nước.
 


ÔngZhang Wen, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Thượng Hải, Trung Quốc

Các Trung tâm ươm tạo được Chính phủ Trung Quốc bỏ vốn khoảng 30 - 45%, còn lại đầu tư từ xã hội hóa. “Đây là đầu tư mạo hiểm, nên vốn của nhà nước bỏ vào nhằm mục đích lựa chọn được những doanh nghiệp tốt để xã hội có cơ sở đầu tư tiếp, chứ không nhằm thu về lợi nhuận. Khi doanh nghiệp thất bại cũng không bị truy cứu” – ông Zhang Wen nói.

Theo ông Zhang Wen, các trung tâm ươm tạo này có nhiệm vụ xúc tiến, chuyển giao các thành quả về KH&CN, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm bớt rủi ro và có điều kiện để phát triển. Các doanh nghiệp công nghệ mới được sử dụng các thiết bị miễn phí của trung tâm ươm tạo. “Các trung tâm này hoạt động như một doanh nghiệp nên cũng phải tính toán, lựa chọn đầu tư ươm tạo cho các doanh nghiệp có tiềm năng để tồn tại và phát triển” – ông Zhang Wen chia sẻ.
 


Đại biểu tham dự trao đổi với các chuyên gia đến từ Thượng Hải

Về việc cấp kinh phí tài trợ, bà Wu Yini, Quản lý Dự án Mini-giant của Thượng Hải - dự án hỗ trợ, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành kỹ thuật - cho biết, trước đây, các doanh nghiệp nhận 70% kinh phí, sau khi được xét duyệt tài trợ. Doanh nghiệp nhận nốt 30% kinh phí còn lại sau khi kết thúc thời gian ươm tạo. Tuy nhiên, hiện nay, Dự án đã thay đổi cách cấp kinh phí. Đó là, sau khi được xét tài trợ và đến thời điểm đạt một số tiêu chí nhất định, doanh nghiệp mới được nhận kinh phí tài trợ. Để xét tài trợ kinh phí, Dự án tiến hành kiểm toán tài chính; kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp về khả năng cạnh tranh, sáng tạo, tỷ lệ đầu tư cho KH&CN, đóng góp cho xã hội,…

Liên kết nguồn tin:

http://khoahocphattrien.vn/thoi-su-trong-nuoc/ho-tro-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-kinh-nghiem-tu-thuong-hai/20190716062534721p882c918.htm

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 4101

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)