Ứng dụng công nghệ rất cần thiết trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao
Giải pháp then chốt
Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, đặc biệt là doanh nghiệp (DN), đã mang tới sự phát triển đáng ghi nhận của ngành năng lượng. Tuy nhiên, thách thức trong giai đoạn tới rất lớn khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, cùng với tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, đòi hỏi Việt Nam phải tăng tỷ trọng nguồn năng lượng mới và tái tạo, sử dụng hiệu quả hơn nữa các nguồn năng lượng truyền thống.
Tại Diễn đàn công nghệ và năng lượng Việt Nam 2019 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức mới đây, ông Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh - cho biết, Việt Nam có lợi thế lớn với nguồn NLTT dồi dào, 63% diện tích lãnh thổ có thể phát triển điện gió với tiềm năng khoảng 2 triệu MW; nguồn bức xạ trải dài từ Bắc tới Nam với cường độ cao, đủ để khai thác điện mặt trời. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Đến tháng 5/2019, cả nước có 57 nhà máy điện mặt trời và điện gió đi vào vận hành với tổng công suất lắp đặt khoảng 2.800MW, sản lượng đã phát trong tháng 5 khoảng 200 triệu kWh.
Ông Huỳnh Thành Đạt khẳng định, một trong các chiến lược quan trọng để ngành năng lượng vượt qua những thách thức trong giai đoạn phát triển sắp tới là đẩy mạnh sự liên kết giữa khu vực viện, trường với DN để nghiên cứu làm chủ, phát triển và chuyển giao công nghệ; đào tạo đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này. Cùng với đó, cần có sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương cũng như bạn bè quốc tế để hỗ trợ DN tiếp cận và hấp thụ được các công nghệ tiên tiến.
Tập trung ứng dụng công nghệ
Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng để phát triển nguồn NLTT, có khả năng thay thế nguồn năng lượng hóa thạch, giảm thiểu tác động tới môi trường. Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2030, năng lượng mặt trời và năng lượng gió là hai nguồn NLTT chủ yếu, chiếm khoảng 20% năng lượng quốc gia. Do đó, việc làm chủ công nghệ là "chìa khóa" mấu chốt.
Trong Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020, Bộ KH&CN đã xác định chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn; nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, NLTT cũng như nghiên cứu các giải pháp KH&CN nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả trong khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng. Trên cơ sở đó, Bộ đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết các bài toán công nghệ trong ngành năng lượng, trong đó có Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng".
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn trên cơ sở đề xuất của các đơn vị cần vốn để đổi mới công nghệ, thiết bị, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; cho vay gói tín dụng ưu đãi đáp ứng nhu cầu của họ. Đồng thời, cần có những chính sách hỗ trợ như miễn giảm thuế nhập khẩu cho các dây chuyền công nghệ, thiết bị...
Đặc biệt, theo một số chuyên gia, Cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng là các thiết bị thông minh, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp tiết giảm khoảng 30% năng lượng đang sử dụng không hiệu quả. Song, những công nghệ tiên tiến như áp dụng cảm biến thông minh, IoT vào giúp tiết kiệm năng lượng chưa được áp dụng nhiều ở Việt Nam.
Vấn đề sử dụng các nguồn NLTT song song với tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất nhằm giảm chi phí và giảm thiểu sự tác động tiêu cực đối với môi trường đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.
|
Liên kết nguồn tin:
https://congthuong.vn/cong-nghe-dong-vai-tro-quyet-dinh-122002.html