Doping là tên gọi chung của các chất kích thích bị cấm trong thi đấu thể thao. Các loại chất này nhìn chung đều có tác dụng đẩy nhanh tốc độ tuần hoàn máu, tăng cường khối lượng máu chảy về tim, làm tăng thể lực cùng sự tập trung cho các vận động viên. Điều này làm mất tính công bằng trong thi đấu thể thao.
Hiện nay, việc kiểm tra doping trước, trong và ngay sau khi thi đấu đã trở thành một điều kiện bắt buộc đối với các giải thi đấu thể thao. Với các sự kiện thể thao quốc tế, kiểm tra doping là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện. Tất cả các công việc phân tích kiểm tra doping này đều phải được thực hiện tại các phòng thí nghiệm phân tích doping do Tổ chức chống doping thế giới công nhận và chỉ định.
Nhằm từng bước nâng cao năng lực nghiên cứu doping nói chung và phân tích doping nói riêng của Việt Nam, phục vụ cho quá trình hội nhập thể thao thành tích cao, nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ môi trường do PGS.TS. Nguyễn Hồng Khánh làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng một số phương pháp phát hiện Doping nhóm beta blocker và steroid trong nước tiểu” trong thời gian từ 2011-2014.
Đề tài đã tổng hợp, biên tập và xây dựng được dự thảo qui trình lấy mẫu nước tiểu phục vụ công tác kiểm soát doping trên cơ sở các qui định, hướng dẫn của WADA. Qui trình này ngắn gọn, dễ hiểu hơn, phù hợp điều kiện Việt Nam và hoàn toàn tuân thủ theo các qui định của WADA. Ngoài ra, qui trình này còn giúp cho các vận động viên, huấn luyện viên và giám sát viên hiểu rõ, nắm bắt được các bước, thao tác trong việc lấy mẫu nước tiểu, tạo thuận lợi khi thi đấu quốc tế.
Các nghiên cứu cũng đưa ra được các điều kiện phù hợp cho xây dựng dự thảo qui trình phân tích 10 beta-blocker và 20 steroid (là các chất cấm và thườngđược sử dụng cho các vận động viên trong các môn thể thao thế mạnh của Việt Nam) trong mẫu nước tiểu trên thiết bị sắc ký lỏng khối phổ (LC/MS/MS). Phương pháp phân tích doping trên thiết bị LC/MS/MS là phương pháp mới (so với GC/MS, điện di trước) và là đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.
Qui trình có độ thu hồi từ 79% đến 111%, độ lệch chuẩn tương đối nằm trong khoảng từ ± 2 đến ± 13% với giới hạn phát hiện của các chất nghiên cứu từ 1 - 4 ppb. Như vậy, quy trình đáp ứng được các yêu cầu về phân tích doping của WADA.
Qui trình lấy mẫu và phân tích đã được áp dụng thử nghiệm cho kiểm soát doping trong mẫu nước tiểu của các vận động viên trong quá trình tập luyện và một số giải thi đấu của 2 đội tuyển Quốc gia là cử tạ và taekwondo. Quá trình thử nghiệm không gặp khó khăn.
Các dự thảo qui trình đề tài xây dựng được là tiền đề ban đầu cho xây dựng phòng thí nghiệm phân tích doping của Việt Nam và hoàn toàn có khả năng đáp ứng được cho nhu cầu kiểm soát doping trong nước với các nhóm chất nghiên cứu.
Các kết quả nghiên cứu cũng sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho phòng thí nghiệm phân tích doping do Nhà nước đầu tư.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14058) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.